Chính quyền Bắc Kinh đang nỗ lực thu hút hàng loạt các nhà khoa học Trung Quốc chuyên nghiên cứu vũ khí, đặc biệt là những người liên quan đến chương trình hạt nhân tại Mỹ về nước làm việc.
Trung Quốc đang nỗ lực nhằm thu hút các nhà khoa học của họ đang hoạt động tại các tổ chức nghiên cứu vũ khí ở nước ngoài về nước làm việc.
Được biết, các dự án quân sự mà những nhà khoa học đó tham gia rất đa dạng. Trong đó, có một số dự án nổi bật là nghiên cứu, phát triển vũ khí siêu nhanh của Trung Quốc, có khả năng thâm nhập vào hệ thống phòng thủ tên lửa, thiết kế tàu ngầm mới, SCMP cho biết.
Trong hơn một thập kỷ qua, Trung Quốc đã nỗ lực thu hút những nhà khoa học tài năng đang làm việc tại các phòng thí nghiệm ở Mỹ trở về nước cống hiến. Những nhà khoa học được lựa chọn thường là người liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân, các nghiên cứu quân sự khác của Mỹ. Ngoài ra, những người làm việc cho NASA, Tập đoàn Lockheed Martin hoặc Boeing cũng rất được chú ý.
Chính sách này của Trung Quốc đã đạt được những thành quả nhất định. Nhiều nhà khoa học trở về Trung Quốc đã từng làm việc tại phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos ở New Mexico - nơi khai sinh bom nguyên tử. Một số khác đến từ Phòng thí nghiệm Lawrence Livermore ở California – cơ sở đóng vai trò quan trọng trong chương trình vũ khí hạt nhân của Mỹ, hoặc Phòng thí nghiệm tại Căn cứ không quân Wright-Patterson ở Ohio.
Nhiều nhà khoa học có kinh nghiệm làm việc ở Mỹ bị "rủ rê" về Trung Quốc. Ảnh: SCMP |
Mặc dù số liệu còn chưa được cập nhật đầy đủ nhưng đã có rất nhiều nhà khoa học từ Los Alamos đã trở lại các trường đại học và viện nghiên cứu của Trung Quốc. Thậm chí, nhóm của họ còn được gọi là "câu lạc bộ Los Alamos".
Phòng thí nghiệm Los Alamos, căn cứ của một loạt các cơ sở nghiên cứu quốc phòng, đã thuê nhiều nhà khoa học nước ngoài để bù đắp cho sự thiếu hụt tài năng khoa học và kỹ thuật ở Mỹ. Trang web của nó cho biết hơn 4% trong số gần 10.000 nhân viên có nguồn gốc Châu Á.
Năm 1999, Mỹ cáo buộc nhà vật lý hạt nhân Đài Loan, ông Wen Ho Lee, làm việc tại Los Alamos, đã đưa ra thiết kế đầu đạn hạt nhân tiên tiến nhất của Mỹ cho Trung Quốc. Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, cáo buộc này đã phải bãi bỏ vào năm 2006 do thiếu bằng chứng. Tuy nhiên, vụ việc đã làm dấy lên mối lo ngại lan rộng về khả năng rò rỉ thông tin mật.
Động thái thu hút các nhà khoa học làm việc tại Mỹ của Bắc Kinh, trên thực tế, đã được tiến hành từ năm 1949. Nhà khoa học đầu tiên được vinh danh là Qian Xuesen, người đã trở lại Trung Quốc từ Viện Công nghệ Massachusetts năm 1955. Ông Qian sau đó phụ trách hoạt động nghiên cứu không gian và tên lửa quân sự của đất nước.
Trung Quốc không ngừng thu hút nhân tài để nghiên cứu, phát triển vũ khí. Ảnh: SCMP |
Trong những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng tăng cường nỗ lực “lôi kéo nhân tài”. Chính quyền Bắc Kinh đã dùng các biện pháp như khuyến khích tài chính, kêu gọi lòng yêu nước và hứa hẹn triển vọng nghề nghiệp tốt hơn để thu hút các nhà khoa học về nghiên cứu quốc phòng trong nước.
Giáo sư Chen Shiyi, người trở về từ Los Alamos là giám đốc Phòng thí nghiệm Sự biến dạng và Hệ thống phức hợp tại Đại học Bắc Kinh. Ông đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển chiếc xe lướt siêu âm của Trung Quốc.
Được biết, Trung Quốc thử nghiệm chiếc xe lướt siêu âm, có thể di chuyển với tốc độ lên tới 11.000km/h - khoảng 10 lần tốc độ âm thanh - vào tháng 4/2016. Với tốc độ như vậy, nó có thể mang đầu đạn hạt nhân đến bất cứ nơi nào trên hành tinh chỉ trong hơn một giờ - quá nhanh đối với bất kỳ hệ thống chống tên lửa nào hiện có.
Các nhà khoa học quốc phòng trở thành mục tiêu tuyển dụng gián điệp. Ảnh: SCMP |
Ông Chen từng là phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu phi tuyến ở Los Alamos nhưng ông đã từ bỏ công việc vào năm 1999 và quay trở lại Trung Quốc năm 2001. Chen là một chuyên gia về nhiễu loạn, một trong những vấn đề khó khăn nhất trong vật lý. Một vật thể đi qua không khí hoặc chất lỏng gây rối loạn hỗn độn nhưng định vị chúng trên máy tính là vô cùng khó khăn.
James Andrew Lewis, phó chủ tịch của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington, khẳng định các nhà khoa học Trung Quốc là "mục tiêu tuyển dụng gián điệp của Trung Quốc".
Tuy nhiên, theo ông Lewis, thành công thu hút các nhà khoa học của chính phủ Trung Quốc đang bị "pha trộn". "Rất nhiều người quay trở lại và sau đó lại ra đi vì những lý do tương tự. Nhiều nhà khoa học Trung Quốc giàu có đang mua nhà ở nước ngoài - Vancouver hoặc Sydney – những nơi đẹp hơn Bắc Kinh".
(Theo SCMP)