Trung Quốc dường như đã ngăn chặn chảy máu chất xám thành công nhờ những nỗ lực trong nước và cả chính sách mới của Tổng thống Donald Trump.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc ngày càng có xu hướng ở lại quê nhà - Ảnh: SCMP |
Hiện nay, nhiều nhà khoa học giỏi nhất và sáng giá nhất của Trung Quốc đã ở lại quê nhà do mức lương cao hơn và sự trọng dụng của chính phủ cũng khiến thị trường lao động tại đây hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Ngoài ra, không thể không nhắc tới các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tạo ra một "bầu không khí kém thân thiện" với các nhà khoa học gốc Trung Quốc.
"Vấn đề chảy máu chất xám không còn tồn tại", Chen Guoqiang, giám đốc Trung tâm Sinh học Tổng hợp và Hệ thống tại Đại học Thanh Hoa, một tổ chức nghiên cứu hàng đầu của Bắc Kinh, nhận định. “Một lý do quan trọng là tiền lương", một lý do khác là từ Mỹ.
Trung Quốc có khoảng 600.000 sinh viên du học ở nước ngoài trong năm 2017, theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục, phát hành vào tháng 4 vừa qua. Hơn 50% đang theo học tại Mỹ.
Trong những năm qua, hơn 95% sinh viên Trung Quốc có bằng cấp cao ở một nước phát triển đã chọn ở lại sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, đến cuối năm ngoái, hơn 83% đã trở về Trung Quốc, hầu hết trong vòng 5 năm kể từ năm 2012.
Mức lương cho một nghiên cứu sinh bậc sau tiến sĩ ở Trung Quốc hiện lên đến 600.000 NDT (87.827 USD) một năm, gần gấp đôi mức lương trung bình cho cùng một công việc ở Mỹ, theo một thông báo tuyển dụng của viện nghiên cứu chính phủ Trung Quốc hồi tháng trước .
Không chỉ có mức lương hấp dẫn, các điều kiện tuyển dụng với những nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ trở lên cũng dễ dàng hơn. Nhiều công việc không đòi hỏi kinh nghiệm làm việc và chào đón bất kỳ sinh viên tốt nghiệp nào có bằng tiến sĩ.
Tại Mỹ, mức lương trung bình hàng năm cho người sau tiến sĩ là khoảng 47.000 USD, theo một trang web tham khảo về lương khá lớn. Trong lĩnh vực nghiên cứu y sinh, mức lương thậm chí cao hơn như vậy. Viện Y tế Quốc gia trả trung bình 51.000 USD.
Trong số 60 sinh viên tốt nghiệp gần đây từ các chương trình nghiên cứu khoa học đời sống của đại học Thanh Hoa, chỉ có 5 người chọn ra nước ngoài. Trong số đó, 3 người đã trở lại, theo SCMP đưa tin.
Nhà Trắng đã tăng cường những động thái mạnh mẽ hạn chế các nhà khoa học gốc Trung Quốc vào tháng 6 vừa qua. Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố rút ngắn thời gian lưu trú cho sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp theo học các lĩnh vực nghiên cứu “nhạy cảm” như tin học, khoa học lượng tử, vật lý...
Sự kết thúc của tình trạng chảy máu chất xám cũng bắt nguồn từ những dự án quy mô toàn cầu của chính quyền Trung Quốc trong năm nay.
Nhiều loại thuốc mới để chữa các bệnh chính như ung thư, AIDS và bệnh Alzheimer đang trong quá trình thử nghiệm; các máy tính siêu dẫn và lượng tử có thể xử lý và lưu trữ một lượng lớn dữ liệu; các ứng dụng chưa từng có của công nghệ trí tuệ nhân tạo đang được sử dụng trong kinh doanh và nhà máy; và các loại vũ khí mới bao gồm máy bay tàng hình không người lái và các khẩu pháo năng lượng có công suất cao, đều được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu xuất sắc này.
Ở Trung Quốc, hơn 10.000 sinh viên tốt nghiệp tiến sĩ đã tham gia các chương trình sau tiến sĩ trong năm 2016, theo Tổ chức khoa học bậc sau tiến sĩ Trung Quốc. Họ đã được hơn 6.000 viện nghiên cứu, trường đại học và công ty nhà nước săn đón và tuyển dụng.
Liu Zhen, một giáo sư tại Viện Thần kinh học của Thượng viện ở Thượng Hải, người đã đóng góp nghiên cứu quan trọng cho quá trình nhân bản khỉ đầu tiên trên thế giới, gần đây đã trở thành nhà nghiên cứu cấp giáo sư với đủ kinh phí để thành lập nhóm riêng và một phòng thí nghiệm. Đặc biệt, Liu chỉ mới 30 tuổi.
"Các học giả trẻ, những người có nhiều đóng góp lớn, đặc biệt là các tiến sĩ và thạc sĩ sẽ được nhận chính sách tài trợ đặc biệt, lương và phúc lợi tương đương hoặc thậm chí cao hơn những nhà tuyển dụng hàng đầu ở nước ngoài", Liu cho biết.
"Sinh viên Trung Quốc không còn phải ra nước ngoài để khẳng định bản thân nữa", anh Liu khẳng định.
Thu Phương (Theo SCMP)