Trung Quốc vừa "tố cáo" Việt Nam ra Liên Hiệp Quốc. Phải chăng họ đang muốn "quốc tế hóa" vấn đề tranh chấp Biển Đông hay ẩn đằng sau đó là mưu đồ thâm hiểm gì khác?
|
Tàu Trung Quốc đâm tàu thực thi luật pháp của Việt Nam ở gần nơi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trên Biển Đông. |
Vừa ăn cướp, vừa hô hoán!
Mặc dù ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong Vùng Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, nhưng ngày 9/6, Phó đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Vương Dân lại trắng trợn vu khống Việt Nam tại LHQ.
Trong kháng thư gửi LHQ, Trung Quốc đã yêu cầu người đứng đầu LHQ phải cho lưu hành bức thư đến tất cả 193 quốc gia thành viên của Đại hội đồng Bảo an. Trung Quốc nói rằng, Công ty Dầu khí CNOOC (chủ sở hữu giàn khoan Hải Dương 981) “đã hoạt động thăm dò địa chất ở khu vực đặt giàn khoan trong vòng 10 năm qua, và việc đưa giàn khoan ra đây chỉ là sự tiếp tục công việc thăm dò thường xuyên. Và quan trọng nhất là giàn khoan này "nằm hoàn toàn trong phạm vi chủ quyền kinh tế và quyền tài phán của Trung Quốc".
Theo nội dung của bức thư, Trung Quốc nói đã có 4 thường dân vô tội của mình "bị giết hại dã man" và có tới tận 300 người bị thương trong các cuộc bạo loạn ở Việt Nam.
Trung Quốc còn trắng trợn tố cáo Việt Nam cản trở hoạt động của giàn khoan "một cách phi pháp trái với luật pháp quốc tế", bịa đặt ra việc Việt Nam điều tàu quân sự ra khu vực tranh chấp và đâm tàu Trung Quốc đến 1.416 lần. "Việt Nam triển khai nhiều người nhái và các thiết bị hoạt động dưới nước ra vùng biển này, kèm theo đó đã thả xuống biển rất nhiều chướng ngại vật bao gồm lưới cá và các vật gây cản trở tàu Trung Quốc" - một phần nội dung của bức thư.
Trong thư, Trung Quốc còn ngang ngược lên án hành động của Việt Nam "xâm phạm chủ quyền" và đe dọa nghiêm trọng tới các công nhân đang làm việc trên giàn khoan. Trung Quốc thậm chí tố Việt Nam "vi phạm luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển" v.v và v.v...
Luận điệu vu cáo trắng trợn của chính quyền Bắc Kinh đã khiến dư luận bất bình. Cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Oai, nói với các phóng viên quốc tế rằng, những tố cáo của phía Việt Nam đều dựa trên bằng chứng thực tế: "Tất cả những hành động đâm va, quấy phá từ Trung Quốc, Việt Nam đều có bằng chứng cả. Ngược lại, Trung Quốc không có bằng chứng. Thứ hai, tàu cá Trung Quốc tổng công suất gấp 3,4 lần tàu cá Việt Nam thì làm sao tàu cá Việt đâm tàu cá Trung Quốc được? Tàu cá Việt Nam đều là vỏ gỗ, không có vỏ sắt. Tàu cá Trung Quốc đều là tàu vỏ sắt. Đến nay, trong mấy tuần qua, hàng chục tàu cá Việt Nam bị các lực lượng chấp pháp Trung Quốc xua đuổi, đâm va. Trong đó có một tàu bị đâm chìm và nhiều tàu khác hỏng hóc".
Ông Oai khẳng định Việt Nam chỉ có hơn 30 tàu của cả lực lượng Kiểm ngư và Cảnh sát biển tại thực địa, làm nhiệm vụ tuyên truyền thuyết phục Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia quốc tế về vấn đề Biển Đông, nhận xét những cáo buộc của Trung Quốc không có cơ sở thuyết phục so với tố cáo của phía Việt Nam.
Ông nói: "Trước tiên, tôi không thể tin vào con số Trung Quốc đưa ra là tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc trên 1.400 lần. Thứ nhì, tàu cá lẫn tàu chấp pháp của Trung Quốc lớn gấp nhiều lần so với các tàu của Việt Nam. Cho tới nay, tôi chưa từng thấy bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào bằng hình ảnh video cho thấy tàu của phía Việt Nam tìm cách đâm húc tấn công tàu của Trung Quốc. Theo tôi, đây là cách điển hình mà Trung Quốc sử dụng cuộc chiến thông tin để hoàn toàn lật ngược mọi chuyện. Số lượng tàu của Trung Quốc tại thực địa cũng nhiều hơn lực lượng tàu Việt Nam gấp nhiều lần.
Tôi không thấy Việt Nam được lợi gì khi đâm vào tàu Trung Quốc. Việt Nam không thể hy vọng đẩy lùi phía Trung Quốc bằng cách gây thương tích cho phía Trung Quốc. Thực tế cho thấy phía Việt Nam, để duy trì sự hiện diện của tàu họ ở đây, đã gặp nhiều khó khăn rồi. Nhìn vào kháng thư của Trung Quốc hôm 9/6 chúng ta thấy rõ sự mâu thuẫn của họ khi họ nêu lên các giải pháp có thể giải quyết vấn đề theo luật quốc tế, nhưng rốt cuộc họ lại nói rằng không điều nào sẽ được áp dụng vào trường hợp này vì Bắc Kinh sẽ không lùi bước dù một li". Rõ ràng với Trung Quốc, luật pháp quốc tế chả là gì cả!
Động thái dọn đường
Ngay sau kháng thư của Trung Quốc, ngày 10/6, phát ngôn viên LHQ, ông Stephane Dujarric, cho biết, trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon có thể sẵn sàng đứng ra làm trung gian hòa giải nếu như các bên liên quan yêu cầu. Phát ngôn viên LHQ cũng nói rằng, Tổng thư ký Ban Ki-moon bày tỏ hy vọng các tranh chấp sẽ được giải quyết một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế. Từ đó đến nay, Bắc Kinh vẫn "im như thóc". Xưa nay họ luôn khước từ một bên thứ ba can thiệp vào những tranh chấp trên Biển Đông vì muốn dùng áp lực nước lớn “nói chuyện” với các nước nhỏ.
Nếu Trung Quốc đã gửi công hàm phản đối Việt Nam lên LHQ thì liệu họ có chấp thuận để cho tổ chức này phân xử những tranh chấp không? Các chuyên gia quốc tế nói là không. Sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế với hành động của Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ và việc Trung Quốc gửi thư phản đối lên LHQ giống một nỗ lực làm giảm bớt sức cộng hưởng của vấn đề này trong dư luận thế giới.
Dmitry Mosyakov, Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á thuộc Viện Nghiên cứu phương Đông Viện Hàn lâm Khoa học Nga nhận định: "Từng động thái với giàn khoan Hải Dương 981 đã dẫn tới sự chỉ trích nghiêm trọng từ phía Việt Nam, Philippines. Một số quốc gia mạnh mẽ lên án Trung Quốc, một số tỏ ra kiềm chế nhưng cũng phê phán”.
Hình ảnh do Bộ Ngoại giao Philippines cung cấp về tiến độ xây dựng, cải tạo trái phép ở bãi đá Gạc Ma từ ngày 13/3/2012 đến 11/3/2014.
Theo ông Mosyakov, công hàm phản đối Việt Nam của Trung Quốc, nói đúng ra, sẽ gây những phản ứng chống Trung Quốc từ các thành viên trong LHQ. Tuy thấy trước điều này, nhưng Bắc Kinh hy vọng đạt được mục tiêu khác. Ngày 7/5/2009, Trung Quốc trình tấm bản đồ có đường 9 đoạn trên Biển Đông lên Tổng thư ký LHQ. Tình hình dường như đang được lặp lại.
Theo chuyên gia Mosyakov, có lẽ lần này Trung Quốc coi LHQ như một tổ chức sẽ hợp thức hóa việc họ hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam. Rõ ràng, Trung Quốc đã thực hiện một động thái dọn đường. Kháng thư gửi LHQ còn có thể được hiểu rằng, Trung Quốc chấp nhận khả năng leo thang mới với Việt Nam và tìm cách xoa dịu trước những tác động tiêu cực tiềm năng do hành động của họ sẽ gây nên.
Lại “dày công xây dựng tiền đồn” trên bãi đá Trường Sa
Trong một diễn biến khác, ngày 11/6, một quan chức cao cấp Mỹ đã đề nghị Trung Quốc và các nước Đông Nam Á nên kiềm chế mọi hành động có thể được coi là khiêu khích để cùng giảm căng thẳng trên Biển Đông. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Danny Russel cho biết, ông đã đưa ra gợi ý nêu trên để các bên liên quan đến căng thẳng trên Biển Đông suy nghĩ. "Các nước liên quan tự mình có thể nhận biết cách ứng xử thế nào là khiêu khích”.
Cũng trong ngày 11/6, trong cuộc đối thoại quốc phòng song phương tại Tokyo, Nhật Bản và Australia quyết định gia tăng hợp tác quân sự để đối phó với các tham vọng trên biển gia tăng của Bắc Kinh. Hai bên đã ký một thỏa thuận trao đổi thiết bị quân sự. Nhật - Australia một lần nữa lên án thái độ gây hấn nhằm "thay đổi nguyên trạng" tại Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Cuộc hội đàm mang tên "2+2" với sự tham gia của các bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai phía. Hai bên đặc biệt đề cập đến khả năng chuyển giao công nghệ Nhật về tàu ngầm cho Canberra, vào thời điểm Australia định thay thế toàn bộ hạm đội tàu ngầm, với tổng ngân sách ước tích 37 tỷ USD trong những năm tới.
Trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang nóng lên từng ngày, việc các tàu Trung Quốc miệt mài chở sắt, thép, cát, xi măng ra vùng biển quần đảo Trường Sa của Việt Nam, lại càng làm dấy lên lo ngại trong cộng đồng quốc tế. Ngay từ giữa tháng 5/2014, ngư dân Philippines đánh bắt cá trong vùng đã báo động về việc Trung Quốc vận chuyển cát, gỗ, xi măng và thép đến bãi đá Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) giống như là để xây nhà trên đảo.
|
Trung Quốc biến bãi đá ngầm Gạc Ma thành đảo nhân tạo để làm bàn đạp ở quần đảo Trường Sa. |
Thị trưởng đảo Kalayaan của Philippines, ông Eugenio Nito-onon, ngày 28/5 cũng đã nhận xét là việc xây dựng được tiến hành rất lớn và ồ ạt. Theo ông Eugenio, những nỗ lực của Trung Quốc gợi nhớ đến phong cách cải tạo đất của Dubai. Và chẳng mấy chốc, hiện trạng ở vùng biển quần đảo Trường Sa sẽ thay đổi với sự xuất hiện của những hòn đảo nhân tạo do Trung Quốc "dày công" xây dựng, với chi phí ước tính lên tới 5 tỉ USD, theo tính toán của trang web Qianzhan.com.
Mô típ quen thuộc mà Bắc Kinh luôn áp dụng trong quá trình xâm lấn ở Biển Đông đầu tiên là lấy cớ xây dựng nơi trú ẩn tạm thời cho ngư dân ở khu vực tranh chấp. Sau đó, biến chúng thành các cấu trúc bê tông và nơi đồn trú của quân đội như những gì Trung Quốc từng làm ở bãi đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Trung Quốc cũng có thể phát triển các hòn đảo nhân tạo này thành các căn cứ quân sự để tự cho mình quyền kiểm soát trên Biển Đông.
Theo cựu Cố vấn An ninh quốc gia Philippines - ông Roilo Golez, Trung Quốc có đủ khả năng xây dựng một hòn đảo nhân tạo gần bãi đá Chữ Thập hoàn chỉnh, với một căn cứ quân sự trên diện tích 5km2. Việc xây dựng này sẽ thay đổi "cục diện cuộc chơi", không chỉ với Philippines mà còn với toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đẩy sự ổn định của các nước Đông Nam Á rơi vào tình thế nguy hiểm.
"Căn cứ mà Trung Quốc dự tính xây bao gồm cả bến tàu để họ có thể tiếp tế và hỗ trợ cho các tàu khu trục. Ngoài ra, bạn có thể thấy đường băng có chiều dài hơn 1,6 km. Điều này thực sự nguy hiểm vì đây có thể làm căn cứ cho các máy bay chiến đấu, như chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc (có phạm vi hoạt động hơn 3.200 km). Bãi đá Gạc Ma là chấm tròn ở giữa, vòng tròn xung quanh bán kính khoảng hơn 1.600 km. Phạm vi này bao gồm toàn bộ Philippines, và thực tế là toàn bộ Việt Nam, một phần lãnh thổ Malaysia, một phần của Borneo. Do vậy tất cả căn cứ của chúng ta đều bị đe dọa", ông Golez cảnh báo.
Trong khi đó, hãng tin
Bloomberg trích lời giáo sư Richard Javad Heydarian, thuộc Đại học Anteneo de Manila (Philippines) nhận định rằng, Trung Quốc muốn "tạo sự đã rồi" bằng cách khai hoang, cải tạo các đảo, bãi đá và chiếm đóng trái phép các vùng biển tranh chấp cùng những phần đảo, bãi đá tại đó. Xây các đảo nhân tạo mà trên đó sẽ có đường băng quân sự cũng có thể là tiền đề để Trung Quốc lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, giống như họ đã tuyên bố thiết lập trên vùng biển Hoa Đông. Trung Quốc có thể sẽ sử dụng phi cơ bay trên khu vực này để yểm trợ cho các hạm đội bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 ở khu vực Hoàng Sa.
Nhưng bất luận thế nào, việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo và các căn cứ quân sự là trái với tinh thần bản Tuyên bố ứng xử giữa các bên trên Biển Đông 2002 (DOC), ở điểm quy định các bên tranh chấp không được biến các đảo không người ở thành nơi có người ở.