Chính phủ Trung Quốc phản ứng thận trọng với việc Nhật Bản thiết lập một đơn vị Hải quân đặc biệt nhằm ngăn chặn các cuộc xung đột trên những hòn đảo xa xôi.
Nhật Bản và Trung Quốc có lịch sử lâu dài về tranh chấp lãnh thổ trên các hòn đảo ở Biển Hoa Đông. Trong những năm gần đây, căng thẳng chủ yếu của 2 quốc gia liên quan đến một hòn đảo đá không có người ở, được Trung Quốc gọi là Quần đảo Điếu Ngư và Nhật Bản gọi là Senkaku.
Đơn vị mới của Nhật Bản diễn tập hôm 7/4. Ảnh: CNN |
Hôm 7/4 vừa qua, Lực lượng Phòng vệ Tự vệ của Nhật Bản đã ra mắt Lữ đoàn triển khai nhanh (ARDB) với tổng số binh sĩ 2.100 người. Khoảng 1.500 thành viên của đơn vị mới này đã tiến hành một cuộc diễn tập công cộng bao gồm hoạt động ngụy trang, tập lấy lại một hòn đảo bị chiếm đóng.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itunori Onodera cho biết trong một cuộc họp báo: "Trong trường hợp xảy ra một cuộc xâm chiếm ở hòn đảo xa xôi, nhiệm vụ của đơn vị này là nhanh chóng đáp xuống hòn đảo đó và giành lại lãnh thổ". Đơn vị mới được chia thành 2 trung đoàn triển khai đổ bộ, được trang bị xe lội nước và sẽ tiếp nhận đào tạo với lực lượng quân đội Mỹ. Bộ trưởng Onodera cho biết thêm rằng lữ đoàn sẽ tiếp tục huấn luyện với các máy bay quân sự do Mỹ chế tạo.
ARDB là đơn vị Hải quân đầu tiên của Nhật Bản kể từ Thế chiến thứ II.
Trong một bài xã luận hôm 9/4, tờ báo Trung Quốc Thời báo Hoàn cầu nhận xét rằng châu Á cần phải xem xét lại "sự phục hưng quân sự" của Nhật Bản. "Một số câu hỏi có thể được đặt ra nếu chính phủ Nhật Bản sử dụng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ như là một cái cớ để khôi phục chủ nghĩa quân phiệt, khiến các quốc gia trong khu vực phải ở trong tình trạng báo động cao", bài bình luận cho hay.
Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng những động thái quân sự của Nhật Bản đang được các nước láng giềng châu Á theo dõi chặt chẽ vì những lý do lịch sử.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo CNN)