(ĐSPL) - Một bài viết của BBC khẳng định các dự án “cải tạo đất” của Trung Quốc ở Biển Đông là có thật. Vậy Bắc Kinh “đắp đảo” để làm gì?
|
Trung Quốc “đắp đảo”, xây căn cứ quân sự ở đá Gạc Ma. |
Trong bài viết mang tên "Đảo nhà máy của Trung Quốc”, phóng viên BBC Rupert Wingfield-Hayes mô tả cuộc hành trình của ông trên một chiếc thuyền đánh cá Philippines đến gần "những hòn đảo mới" do Trung Quốc bồi đắp ở Biển Đông. Sau đó, ông đến thăm đảo Thị Tứ và tàu đổ bộ mắc cạn Sierre Madre ở bãi Cỏ Mây (đều thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Theo tạp chí The Diplomat, chính phủ Philippines đã làm hết sức mình để kêu gọi sự chú ý của cộng đồng quốc tế đến các dự án “cải tạo đất” (thực ra là khơi luồng đắp đảo nhân tạo) của Trung Quốc ở Biển Đông. Philippines gọi hành động “đắp đảo” của Trung Quốc là hành động khiêu khích, một nỗ lực “đơn phương thay đổi hiện trạng” ở quần đảo Trường Sa. Trong một tuyên bố hồi tháng 5/2014, Bộ Ngoại giao Philippines đã cực lực phản đối việc Trung Quốc “đắp đảo” và công bố hình ảnh công trình. Tại Diễn đàn Khu vực ASEAN gần đây, Manila đã đề xuất đóng băng hành động khiêu khích ở Biển Đông, bao gồm cả các dự án “cải tạo đất”. Bắc Kinh đã bác bỏ đề xuất này trước khi Diễn đàn An ninh khu vực (ARF) được tổ chức ở Myanmar.
Đi trên một chiếc thuyền đánh cá, phóng viên BBC Wingfield-Hayes đã đến gần hai rạn san hô ngập trước đây mà Trung Quốc đã biến thành hai hòn đảo mới.
Về đá Gaven (Gaven Reef), phóng viên Wingfield-Hayes viết: “Tôi nhìn thấy cái gì đó đang dựng đứng trên những con sóng. Nó giống như một giàn khoan dầu khí (…) Khi chúng tôi tiến lại gần hơn, bên phải tôi, tôi có thể nhìn thấy một cái gì đó được quây rào và đổ cát ‘trông như đất liền’. Tôi nhìn vào hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và không có đất liền được đánh dấu ở bất cứ nơi nào gần đây, chỉ có một dải đá ngầm chìm của quần đảo Trường Sa. Nhưng con mắt đã không đánh lừa tôi. Cách xa một vài cây số, bây giờ tôi có thể thấy rõ hình dáng của một hòn đảo”.
“Chúng tôi tiếp tục hành trình. Sau bốn tiếng đồng hồ, cơn mưa bắt đầu tạnh. Ở phía trước, tôi có thể nhìn thấy một hòn đảo khác. Chỗ này được gọi là Johnson South Reef (đá Gạc Ma). Hệ thống định vị toàn cầu của tôi một lần nữa không cho thấy đất liền, chỉ là một bãi đá ngầm. Nhưng tôi đã nhìn thấy những hình ảnh trên không của nơi này được hải quân Philippines chụp. Chúng cho thấy công việc cải tạo đất khổng lồ Trung Quốc đang làm ở đây kể từ tháng 1/2014. Hàng triệu tấn đá cát đã được nạo vét lên từ đáy biển và bơm vào đá ngầm để tạo thành vùng đất mới.
Dọc theo ‘bờ biển’ mới, tôi có thể thấy các đội xây dựng đang xây một bức tường biển. Có các xe tải bơm xi măng, các cần trục, các ống thép lớn và ánh sáng của các que hàn. Trên đỉnh của một lô cốt bê tông trắng, một người lính đang đứng quan sát chúng tôi qua ống nhòm. Tôi giục viên thuyền trưởng tiến lại gần hơn, nhưng một loạt pháo sáng nổ trên bầu trời và đó là một lời cảnh báo của Trung Quốc”.
“Chúng tôi là những nhà báo phương Tây đầu tiên nhìn thấy tận mắt một số công trình và có dẫn chứng bằng hình ảnh. Trên một trong số những hòn đảo mới này, có lẽ là Johnson South Reef, Trung Quốc dường như đang chuẩn bị xây một căn cứ không quân, với một đường băng bê tông đủ dài cho máy bay chiến đấu cất và hạ cánh”.
Theo bài viết của phóng viên Wingfield-Hayes, Trung Quốc "đang xây dựng những hòn đảo mới trên 5 rạn san hô khác nhau”. Ông lưu ý rằng không ai biết chắc chắn Trung Quốc dự định làm gì với những hòn đảo mới này.
|
Trước đó, Trung Quốc đã xây một cấu trúc bê tông ở đá Gạc Ma. |
Chính phủ Philippines đã bày tỏ quan ngại rằng một trong số đó là đá Gạc Ma (Johnson South Reef) sẽ trở thành một căn cứ không quân mới của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, cũng có thể Trung Quốc sẽ đưa dân thường đến sinh sống trên những hòn đảo mới để củng cố tuyên bố chủ quyền.
Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), các tính năng ngập nước (chẳng hạn như bãi cát ngầm) không thể bị tuyên bố chủ quyền bởi bất kỳ bên nào. Việc Philippines yêu cầu trọng tài quốc tế về tranh chấp Biển Đông là một phần dựa trên thực tế này. Manila yêu cầu làm rõ việc Trung Quốc (hoặc bất kỳ nước nào khác) có thể tuyên bố chủ quyền đối với các tính năng ngập hoặc ngập nước một phần, theo qui định của UNCLOS.
Ngoài ra, phần VII của UNCLOS quy định: "Các mỏm đá không thể duy trì sự sống của con người hay có đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa”. Theo quy định này, ngay cả khi Bắc Kinh đã giành quyền kiểm soát một số hòn đảo thực sự (chứ không phải là đảo nhân tạo) thuộc quần đảo Trường Sa, sự kiểm soát của Trung Quốc sẽ được giới hạn trong vùng lãnh hải 12 hải lý, mà không có một vùng đặc quyền kinh tế đi kèm.
Nếu có thể tạo ra "đảo" trên các tính năng ngập trước đây và tạo điều kiện cho các đảo này mới này "duy trì sự sống của con người", Trung Quốc sẽ lấy đó để hậu thuẫn mạnh mẽ tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Đây chính là những gì mà Philippines phản đối. Trong một cuộc phỏng vấn của BBC, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, Charles Jose, gọi tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là "thái quá", "quá đáng" và "không có cơ sở theo luật quốc tế”. Ông Charles Jose cũng cáo buộc Trung Quốc cố tình thay đổi hiện trạng để tăng cường tuyên bố chủ quyền, trước khi tòa án trọng tài phán quyết về đơn kiện của Philippines.
|
Hình ảnh của Philippines cho thấy tàu Trung Quốc hút cát đá “đắp đảo” Gạc Ma. |
Khi được hỏi về bài viết của BBC, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh vẫn ngang ngược nhắc lại quan điểm của Trung Quốc rằng "các hoạt động của Trung Quốc trên các đảo có liên quan và các rạn san hô thuộc quần đảo Nam Sa (Trường Sa) hoàn toàn thuộc chủ quyền của Trung Quốc… là hoàn toàn chính đáng”. Khi nói về mục đích của việc xây dựng, Hoa Xuân Oánh nói rằng công việc là "chủ yếu nhằm mục đích cải thiện điều kiện làm việc của những người đồn trú trên các đảo này”.
Tiếp theo là cuộc trao đổi cáu kỉnh tại một cuộc họp báo của Trung Quốc. Một phóng viên hỏi xoáy Hoa Xuân Oánh: "Với thực tế các đảo mà Trung Quốc đang xây dựng là những hòn đảo mới, không phải việc xây dựng trên những hòn đảo này là để cải thiện điều kiện sống của cư dân trên đó. Mục đích thực sự và ý định của Trung Quốc là gì?”. Hoa Xuân Oánh chỉ trả lời cụt lủn: "Tôi đã trả lời câu hỏi của ông ".
Lượm lặt từ phản ứng của Hoa Xuân Oánh, người ta thấy Trung Quốc sẽ đưa người lên sống làm việc hoặc đồn trú trên các “đảo nhân tạo” nói trên.