Từ tháng 5/2012, Báo Pháp luật Việt Nam đã đăng tải phóng sự “Máu rừng chảy về Đồng Kỵ” cảnh báo về hiện tượng buông lỏng quản lý tại một số chợ gỗ ở xã Phù Khê và phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn.
Địa bàn này hiện có 5 chợ gỗ lớn được các “đầu nậu” quy hoạch và còn rất nhiều chợ gỗ nhỏ mọc rải rác trong các ngõ phố và đường liên thôn, liên xã, bày bán đủ loại gỗ quý hiếm như trắc, hương, gụ, nghiến, mun, cẩm lai... Có loại gỗ có thể nhìn rõ dấu búa kiểm lâm, nhưng cũng có một số loại gỗ tròn, gỗ súc lớn vuông thành, sắc cạnh không nhìn thấy dấu búa.
Dấu hiệu buông lỏng quản lý
Liệu kiểm lâm và chính quyền thị xã Từ Sơn có quản lý được nguồn gốc hàng nghìn khối gỗ quý hiếm đang giao dịch trên địa bàn và có đảm bảo không làm thất thu các loại thuế, phí từ các hoạt động kinh doanh gỗ?
Trao đổi với phóng viên, ông Dương Văn Canh - Chủ tịch UBND phường Đồng Kỵ cho biết: phường có hơn 3.000 hộ buôn bán, kinh doanh, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, nhưng Ủy ban phường hàng năm “không nắm được” tổng số hộ này đã kinh doanh mua bán bao nhiêu mét khối gỗ các loại. “Vì hộ kinh doanh không báo cáo và phường không có cán bộ làm công tác thống kê việc mua bán các loại gỗ quí này” - ông Canh lý giải.
Còn ông Nguyễn Mạnh Tiến, Chủ tịch UBND xã Phù Khê cho biết: cả xã Phù Khê có 22 doanh nghiệp và hơn 90\% số hộ kinh doanh gỗ và sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Mấy năm nay, trong xã Phù Khê hình thành 3 khu chợ gỗ, đó là Phù Khê Thượng, Phù Khê Đông và thôn Tiến Bào. Cả 3 chợ này dành riêng cho việc kinh doanh buôn bán các loại gỗ như trắc, hương cùng những loại gỗ quí hiếm khác.
Điều đáng nói, vị này xác nhận cả 3 chợ gỗ trên UBND xã không tham gia quản lý mà “nhường quyền” cho các “đầu nậu”. Trong đó, chợ Phù Khê Thượng do Trưởng thôn Nguyễn Thành Hưng (tức “Hưng “sóc”) cai quản; chợ gỗ Đồng Bèo thuộc Phù Khê Đông và chợ gỗ Đồng Dâu thuộc thôn Tiến Bào do Nguyễn Ngọc Minh (tức Minh “sâm”) quản lý. Hai đối tượng “cộm cán” này cùng “băng nhóm” vừa bị cơ quan điều tra khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra về hành vi “cưỡng đoạt tài sản và tàng trữ vũ khí trái phép” vào ngày 17/8 vừa qua.
Tại các chợ gỗ ở Phù Khê và Đồng Kỵ, có rất nhiều kho gỗ quí hiếm nguyên khối không thấy có dấu búa kiểm lâm. |
Cần làm rõ trách nhiệm
Khu đồng Dâu thôn Tiến Bào (xã Phù Khê) vốn là cánh đồng hai vụ lúa phì nhiêu cung cấp lương thực cho nông dân thôn Tiến Bào. Theo một số bà con nơi đây, chưa thấy thị xã công bố quy hoạch biến cánh đồng Dâu thành khu thương mại dịch vụ làng nghề bao giờ, thế nhưng UBND xã Phù Khê lại cho phép Công ty TNHH Đại An của Minh “sâm” đứng ra thu hồi, đền bù ruộng hai vụ lúa của bà con. Hộ nào không đồng ý thì bị cưỡng ép, đe dọa bằng nhiều cách, thậm chí bị “xã hội đen” hành hung.
Vì vậy, nhiều người nói rằng họ “buộc phải giao ruộng” với giá đền bù từ 70 – 80 triệu đồng/sào cho Cty TNHH Đại An. Chỉ trong 2 tuần, Cty này làm xong công tác giải phóng mặt bằng và đổ đất lấp ruộng lấy được ở đồng Dâu chia thành 200 ki-ốt (chiều rộng 5-6 mét, dài 10-15 mét). Từ tháng 4/2014 đến khi “giám đốc” bị bắt, Cty TNHH Đại An cho các chủ gỗ thuê ki-ốt với giá bình quân 40 triệu đồng/năm để làm nơi kinh doanh.
Cả nghìn mét khối gỗ quý, hiếm các loại từ lâu vẫn được bày bán ở các chợ gỗ tại xã Phù Khê và phường Đồng Kỵ. Thế nhưng, người dân địa phương chẳng mấy khi thấy bóng dáng kiểm lâm đến giám sát, kiểm tra, thanh tra. Một thời gian dài gần như “khoán trắng” cho Nguyễn Ngọc Minh, đến thời điểm này, cùng với việc cơ quan điều tra làm rõ vụ án “ông trùm”, cơ quan kiểm lâm cần làm rõ trách nhiệm quản lý địa bàn và phối hợp với chính quyền tỉnh Bắc Ninh lập lại trật tự quản lý các chợ gỗ.