Tòa án ở miền Bắc Trung Quốc đã quyết định giữ nguyên mức án tử hình cho một kẻ “đạo mộ" nổi tiếng vì tội ăn cắp hàng ngàn hiện vật lịch sử trong những ngôi mộ cổ.
Yao Yuzhong, 55 tuổi, đến từ Vùng tự trị Nội Mông, miền Bắc Trung Quốc là lãnh đạo của một băng đảng lớn gồm 225 kẻ chuyên đào mộ cổ đã bị bắt từ năm 2015. Mặc dù không theo học trường lớp chính thức nhưng ông Yao rất đam mê với những tài liệu về mộ cổ và trong suốt 30 năm qua, ông đã có được danh tiếng như là một kẻ “đạo mộ” hàng đầu, kế thừa và mở rộng những giao dịch thương mại từ người cha.
Băng đảng của ông Yao đã đứng sau vụ trộm hơn 2.000 cổ vật từ một di tích lịch sử ở tỉnh Liêu Ninh, nơi các nhà khảo cổ đã phát hiện các di tích hàng ngàn năm tuổi.
Trước đó, Tòa án Nhân dân Tối cao tỉnh Liêu Ninh đã quyết định mức án tử hình dành cho ông Yao vì tội "đào bới các di tích văn hoá cổ và mộ cổ" cũng như "bán lại các di tích văn hoá", luật sư Bi Baosheng nói với AFP. Tuy nhiên, bản án đã bị đình chỉ trong 2 năm với mục đích cho ông Yao thời gian để kháng cáo hoặc giảm án thông qua cải tạo tốt.
Ông trùm "đạo mộ" Trung Quốc bị kết án tử hình. Ảnh: RT |
Đến ngày hôm qua (30/11), tòa án ra phán quyết cuối cùng, giữ nguyên mức án với bị cáo.
Mặc dù việc tìm kiếm rồi trộm cắp cổ vật trong các ngôi mộ cổ xảy ra ở Trung Quốc từ hàng ngàn năm nay, nhưng trong vài thập kỷ qua, số tội phạm “đạo mộ” đã tăng rất mạnh. Từ thời cổ đại, những ngôi mộ luôn được coi là cầu nối với thế giới bên kia, và những người giàu có sẽ được chôn vùi trong hang động cực kỳ tinh xảo cùng với rất nhiều đồ trang sức bằng vàng, bạc cũng như các bản sao đồ vật gia đình. Những kẻ “đạo mộ” có thể kiếm được lợi nhuận khổng lồ cho dù bán cổ vật trên thị trường chợ đen hay bán cho các nhà đấu giá nổi tiếng như Sotheby's.
Trên thực tế, “đạo mộ” là một công việc phức tạp hơn rất nhiều so với việc trộm cắp thông thường. Những kẻ “đạo mộ” phải có kiến thức tốt về lịch sử và địa điểm các quan viên, quý tộc thời xưa bị chôn vùi. Đây cũng là một nghề nguy hiểm vì những kẻ trộm luôn phải đối mặt với nguy cơ bị ngạt thở hoặc chôn thân vĩnh viễn dưới những ngôi mộ bị sập.
Ngoài ra, theo thần thoại Trung Quốc, người chết có thể bị mắc kẹt tại thế giới bên này nếu mộ của họ bị xáo trộn. Vậy nên, những “hồn ma” sau đó có thể sẽ “ám” những kẻ phá đám cả cuộc đời.
Nhiều năm trôi qua, “nghề đạo mộ” ở Trung Quốc ngày càng trở nên rầm rộ. Ở một địa điểm dưới nước gần Quảng Châu, các nhà chức trách liên tục phải ngăn chặn các nhóm thợ lặn cố gắng lẻn vào giữa đêm. Kể từ những năm 1990, cơ quan thực thi pháp luật Trung Quốc đã hợp tác với các đối tác châu Âu và Mỹ để ngăn chặn việc buôn lậu hiện vật cổ xưa, thường được đưa ra nước ngoài dưới hình thức "bản sao".
Một số nhà khảo cổ ước tính rằng trong lịch sử Trung Quốc, cứ trong 10 ngôi mộ thì có 9 ngôi từng bị đột nhập.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo RT)