Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Trụ sở Thành hội Phật giáo Hà Nội có 6 con sư tử đá Trung Quốc

(DS&PL) -

Đoàn thanh tra của Bộ VH,TT&DL đã phát hiện tới 10 sư tử đá Trung Quốc, đèn lồng Trung Quốc... trong 3 điểm di tích trên địa bàn Hà Nội.

Đoàn thanh tra của Bộ VH,TT&DL đã phát hiện tới 10 sư tử đá Trung Quốc, đèn lồng Trung Quốc... trong 3 điểm di tích trên địa bàn Hà Nội. Riêng chùa Mộ Lao (Văn phòng 2 của Thành hội Phật giáo Hà Nội) có tới 6 con sư tử đá Trung Quốc. Cũng tại ngôi chùa này, một đôi sư tử đá Trung Quốc được đặt lên ban thờ.

Đưa sư tử Trung Quốc lên ban thờ

Bộ VH,TT&DL vừa có công văn số 2662 gửi các các cơ quan ban ngành về việc “Không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam”. Công văn này được ban hành bởi thực trạng ở nhiều địa phương trưng bày, sử dụng biểu tượng, vật phẩm, linh vật (sư tử đá kiểu Trung Quốc, phương Tây và một số vật phẩm khác) theo tạo hình, hình thức không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ở cổng, cửa, khu di tích, đình, chùa, công sở cơ quan… gây phản cảm về thẩm mỹ, văn hóa, tâm linh ở những nơi công cộng.

Đoàn thanh tra Bộ VH,TT&DL do Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên làm trưởng đoàn đi kiểm tra ở 3 di tích trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Trà Xanh

Bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL cho biết: “Các Sở VH,TT&DL trên toàn quốc sẽ làm công tác tuyên truyền, thuyết phục người dân, các vị trụ trì chùa, những người trông nom các di tích trong cả nước di dời các linh vật, hiện vật không phù hợp trong khoảng thời gian từ nay đến tháng 12. Sang tháng 1/2015, các Sở VH,TT&DL sẽ kiên quyết di dời. Bộ VH,TT&DL sẽ thành lập các đoàn kiểm tra công tác thực hiện tại các di tích”. Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cũng tin tưởng, với sự ra quân bài bản và kiên quyết, dịp Tết Nguyên đán năm tới các cơ sở thờ tự của Hà Nội sẽ mang đầy đủ giá trị của văn hóa Việt Nam.

Sáng 22/8, đoàn thanh tra của Bộ VH,TT&DL do đích thân Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên làm trưởng đoàn đã đi thanh tra một số di tích trên địa bàn Hà Nội. Đoàn đã đi kiểm tra lần lượt chùa Gia Quất (Long Biên, Hà Nội) - di tích cấp Thành phố được công nhận năm 2008; đình chùa Mộ Lao - di tích cấp Quốc gia. Qua kiểm tra 3 điểm di tích này, ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL nhận định đã phát hiện nhiều sai phạm trong việc tự ý tiếp nhận công đức để bài trí nơi thờ tự không đúng qui định và không có trong hồ sơ xếp hạng di tích làm cho các nơi thờ tự rất rối rắm.

Đặc biệt hơn, trong 3 điểm thanh tra đoàn phát hiện tới 10 sư tử đá Trung Quốc, đèn lồng Trung Quốc... Cá biệt, riêng chùa Mộ Lao (Văn phòng 2 của Thành hội Phật giáo Hà Nội) có tới 6 con sư tử đá Trung Quốc. Cũng tại ngôi chùa này, một đôi sư tử đá Trung Quốc được đặt lên ban thờ. Đây là sự vi phạm quy định của Luật Di sản, làm biến dạng yếu tố gốc của các di tích.

Sư tử được đặt thờ ở ban Lầu Mẫu Bán Thiên của chùa Mộ Lao, Hà Đông.

Sau khi làm việc với đoàn thanh tra, ni sư Thích Đàm Hướng, trụ trì chùa Gia Quất cho biết, Chủ nhật tuần này sẽ cho di dời cặp sư tử đá này. Ông Bạch Ngọc Thụy, Tổ trưởng tổ quản lý đình Mộ Lao cũng nhất trí với yêu cầu của đoàn thanh tra và cho biết sẽ họp dân để phổ biến quán triệt tinh thần rồi tiến hành di dời sư tử đá kiểu Trung Quốc cũng như di dời những hiện vật cung tiến không phù hợp ra khỏi nơi thờ tự.

Sai lầm do mê tín

Cũng theo ông Phúc, thời gian tới, sau khi tổng hợp lại các sai phạm và sẽ có thông báo với các địa phương tình hình thực trạng sai phạm của di tích. “Chúng tôi sẽ có văn bản chỉ đạo thanh tra các sở chủ động tiến hành xây dựng kế hoạch kiểm tra tại các di tích trên địa bàn để khắc phục tình trạng trên”, ông Phạm Xuân Phúc cho biết.

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên lý giải về việc chưa phạt trực tiếp những cá nhân liên quan tới sai phạm trong di tích “Chúng tôi chọn thanh tra đột xuất Hà Nội vì đây là địa phương chiếm 1/3 số lượng di tích của cả nước. Còn về việc chưa xử phạt ngay, quá trình loại bỏ linh vật ngoại lai khỏi di tích của chúng tôi có lộ trình rõ ràng. Đầu tiên là tuyên truyền, vận động, thuyết phục các địa phương tự giác tháo dỡ hiện vật vi phạm (chúng ta đang ở bước này). Sau đó, đến tháng 11 Âm lịch (khoảng tháng 12 Dương lịch), nếu các di tích vẫn còn hiện vật, linh vật, biểu tượng ngoại lai, Bộ sẽ không nhân nhượng”.

Đôi sư tử đá nhe nanh đầy vẻ "hăm dọa" trước cổng đình Mộ Lao.

Trước đó, ngày 19/8, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã có công văn số 352 /MTNATL, kèm những mẫu vật là linh vật Việt Nam đến các địa phương, gửi tới Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành, các thanh tra văn hóa; để nghiên cứu, lấy đó làm cơ sở tham khảo, đối chiếu nhằm hạn chế và từng bước loại bỏ những biểu tượng, vật phẩm không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ra khỏi di tích.

Được biết, thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh thực trạng nhiều địa phương đã trưng bày, sử dụng biểu tượng, vật phẩm, linh vật theo tạo hình, hình thức không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, (như sư tử đá kiểu Trung Quốc, phương Tây và một số vật phẩm khác) ở cổng, cửa, khu di tích, đình, chùa, công sở cơ quan, đơn vị gây phản cảm về thẩm mỹ, văn hóa, tâm linh ở những nơi công cộng…

Theo ý kiến của một số nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa, việc các biểu tượng, linh vật lạ xuất hiện và được sử dụng tràn lan ở nước ta có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân là những quan niệm sai lầm mà về sự linh thiêng của sử tử đá như: Có sư tử đá án ngữ sẽ bảo vệ gia chủ, sử tử đá giúp phát tài phát lộc…

Tin nổi bật