Trộm được 2 thẻ Visa, kỹ sư phần mềm liền rủ bạn vào siêu thị đi mua máy ảnh, máy tính bảng và điện thoại đắt tiền.
Báo VnExpress đưa tin, ngày 9/6, Công an quận 3 (TP.Hồ Chí Minh) tạm giữ hình sự Nguyễn Ngọc Anh Quốc (33 tuổi, ngụ Đà Nẵng); Phạm Thanh Tuấn (30 tuổi) về hành vi Trộm cắp tài sản và Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số để chiếm đoạt tài sản.
Theo báo Tri thức trực tuyến, trước đó, anh Nguyễn Huỳnh Anh Vũ (28 tuổi, ở quận Bình Thạnh) đến công an báo mất cắp 2 thẻ tín dụng visa. Sau đó, kẻ gian mạo danh anh đến cửa hàng điện tử mua sắm trị giá gần 100 triệu đồng.
Hai đối tượng Tuấn và Quốc tại cơ quan điều tra. Ảnh: báo Người Đưa Tin. |
Ngay khi nhận được trình báo, Cảnh sát đã trích xuất camera an ninh ở cửa hàng điện tử để nhận dạng thủ phạm. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, công an đã bắt được Quốc và Tuấn.
Báo Người Đưa Tin cho biết thêm, tại cơ quan điều tra, Quốc khai nhận là kỹ sư phần mềm, làm việc tại quận Tân Bình, TP.HCM. Trong một lần đến sân bóng đá nhân tạo, Quốc ngồi cạnh túi đồ của anh Vũ. Lợi dụng lúc không ai để ý, Quốc lục được chiếc ví có rất nhiều tiền, một số loại thẻ ngân hàng. Tuy nhiên, Quốc không lấy tiền mà lấy trộm 2 thẻ Visa.
Lấy được thẻ, Quốc rủ Tuấn đến cửa hàng điện máy trên đường Cao Thắng (quận 3) mua máy ảnh hơn 70 triệu đồng, thanh toàn bằng thẻ Visa vừa trộm được. Tiếp đó, hai đối tượng sang trung tâm điện máy trên đường Võ Văn Tần (quận 3) mua thêm điện thoại, iPad, máy tính bảng...
Ngoài ra, Quốc cũng thừa nhận từng trộm nhiều thẻ Visa từ giữa năm 2015 để mua sắm các vật dụng đắt tiền, ăn chơi, báo VnExpress cho hay.
Khám xét nhà Quốc, cảnh sát tìm thấy một số thẻ ngân hàng của người khác, nhiều tài sản nghi mua bằng tiền bất chính.
Hiện vụ việc đang được mở rộng điều tra.
Điều 138. Tội trộm cắp tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; đ) Hành hung để tẩu thoát; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)