Trời lạnh đột ngột, cẩn thận ngộ độc, đột quỵ
VTC News dẫn lời ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội bệnh mạch máu Việt Nam cho biết, trời trở lạnh đột ngột có thể khiến cơ thể không thích nghi kịp.
Tình trạng này gây ra cơ chế co thắt của mạch máu khi gặp nhiệt độ lạnh, cũng như dễ hình thành cục máu đông gây nhồi máu não.
Bên cạnh đó, nó làm tăng áp lực trong hệ thống mạch máu. Tăng huyết áp đột ngột có thể làm vỡ các mạch máu nhỏ trong não, dẫn đến xuất huyết não.
Những điều đó có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các vấn đề sức khỏe như tai biến mạch máu não, đột quỵ có nguy cơ tử vong cao, hoặc để lại các di chứng như yếu liệt, di chứng thần kinh..
Những người trên 65 tuổi hoặc mắc bệnh tim mạch thường dễ bị đột quỵ hơn vào mùa lạnh. Đối với người lớn tuổi, hệ thống miễn dịch và khả năng chịu đựng suy giảm, mạch máu không còn đàn hồi, trở nên cứng hơn và độ quánh của máu cũng tăng. Điều này khiến máu dễ bị vón, lưu lượng máu đến não giảm. Ảnh minh họa.
"Ở Việt Nam bệnh nhân tai biến mạch máu não tăng 15 - 20% vào mùa đông. Trong đó, khoảng 60 - 70% các trường hợp xảy ra vào nửa đêm và buổi sáng sớm, khi nhiệt độ ngoài trời lúc này xuống thấp hơn ban ngày.
Tỷ lệ bệnh nhân tai biến có tăng huyết áp vào mùa lạnh cao hơn mùa nóng, chiếm khoảng 85%", BS Mạnh nói.
Ai cũng có nguy cơ tai biến và gặp phải các bệnh lý về tim mạch. Tuy nhiên, những đối tượng nguy cơ cao gồm: người cao tuổi, có bệnh lý nền về tăng huyết áp, tiểu đường, suy giãn tĩnh mạch, béo phì, rối loạn chuyển hóa lipid máu, thường xuyên sử dụng thuốc lá rượu bia.
Làm gì để phòng ngừa?
Chia sẻ trên báo Tuổi Trẻ, bác sĩ CKII Huỳnh Tấn Vũ - giảng viên khoa y học cổ truyền, Trường đại học Y Dược (TP.HCM) cho biết, để phòng ngừa bệnh vào trời lạnh, người dân cần phải giữ ấm cho cơ thể, nhất là ở người già, không nên ra lạnh đột ngột. Buổi sáng, khi tỉnh giấc, không nên ra khỏi chăn và xuống giường ngay mà cần nằm lại trên giường, vận động nhẹ nhàng từ 3 - 5 phút để cơ thể dần thích nghi.
Mùa đông nên giữ nhiệt độ trong nhà thấp nhất là từ 16-18 độ C, thường xuyên uống một ly nước ấm trước khi ngủ và dùng các thực phẩm, đồ uống ấm có thể giúp tăng năng lượng đồng thời giúp giữ ấm cho cơ thể.
Ngoài ra, cần tập thói quen ăn uống lành mạnh, hạn chế thuốc lá, rượu bia, đồ ăn nhiều dầu mỡ, vận động cơ thể phù hợp. Đồng thời, kiểm soát tốt các bệnh lý đang có, cần ổn định huyết áp ở những người mắc bệnh huyết áp cao, ổn định đường huyết ở người bệnh đái tháo đường (người bị bệnh đái tháo đường thận trọng với các mảng xơ vữa gây thiếu máu não).
Bác sĩ Dương Thị Hồng Lý - trưởng khoa ung bướu và điều trị giảm nhẹ, Bệnh viện Lão khoa trung ương - khuyến cáo người cao tuổi thường có sức đề kháng kém, cần chế độ dinh dưỡng cân đối, vận động hợp lý, uống đủ nước, vệ sinh môi trường sống, tiêm phòng đầy đủ.
Những người cao tuổi đang mắc các bệnh lý mạn tính cần tuân thủ điều trị theo chế độ điều trị của bác sĩ và tái khám đúng hẹn. Khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần liên hệ ngay với bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế để được phát hiện bệnh sớm, điều trị sớm tránh bệnh nặng lên.
Một số dấu hiệu nhận biến tai biến mạch máu não
Vị chuyên gia về mạch máu cho biết, khi chúng ta có các biểu hiện sau cần đến bệnh viên để thăm khám kịp thời:
- Người bệnh có dấu hiệu chảy xệ và méo một bên mặt, mí mắt sụp xuống.
- Một bên tay hoặc một bên cơ thể yếu và tê liệt, không thể cùng lúc nâng hai tay lên cao khỏi đầu, nâng thẳng tay.
- Biểu hiện nói lắp, nói khó hiểu, khó nói hết một câu hoàn chỉnh.
Thùy Dung (T/h)