Các biện pháp trừng phạt của Bắc Kinh đối với những mặt hàng chiếm gần 60% lượng hàng xuất khẩu của Bình Nhưỡng sẽ khiến Triều Tiên thiệt hại khoảng 1,5 tỷ USD.
Hiện tại, Bắc Kinh đã ban hành lệnh cấm đối với sắt, than và hải sản của Bình Nhưỡng và chắc chắn rằng động thái này sẽ khiến kinh tế Triều Tiên bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế, chính trị lại đang đặt ra câu hỏi rằng liệu quyết định của Trung Quốc có thực sự hiệu quả trong việc kiềm chế tham vọng hạt nhân của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hay không.
Trong năm 2016, Triều Tiên đã xuất khẩu gần 1,5 tỷ USD than đá, quặng sắt, quặng chì và thủy sản sang Trung Quốc, chiếm 60% tổng lượng xuất khẩu khổng lồ của nước này. Đến nửa đầu năm 2017, xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc đạt mức 474,6 triệu USD, chiếm 53,5% tổng giá trị xuất khẩu.
Trong số các mặt hàng, than đá tạo ra doanh thu nhiều nhất cho Bình Nhưỡng. Năm 2016, chỉ riêng xuất khẩu than đã giúp Triều Tiên thu về 1,2 tỷ USD, nhiều hơn rất nhiều so với quặng sắt và thủy sản.
Triều Tiên bị cấm xuất khẩu than đá, sắt, thủy hải sản sang Trung Quốc. Ảnh: SCMP |
Lệnh cấm mới nhất của Bắc Kinh đã được thông báo vào tuần trước, mở rộng các hạn chế hiện tại đối với nhập khẩu than từ Triều Tiên. Các biện pháp trừng phạt sẽ được giữ nguyên cho đến khi Triều Tiên đàm phán hạn chế chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa.
Theo báo cáo của Reuters, phía Hàn Quốc đã ước lượng chi phí cho hoạt động nghiên cứu vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là 1,1 tỷ USD trong năm 2016.
Trong khi đó, chính phủ Mỹ tin rằng chính quyền ông Kim Jong-un sở hữu tới 60 đầu đạn hạt nhân, mặc dù một số chuyên gia cho biết con số thực tế chắc chắn sẽ nhỏ hơn. Nếu Triều Tiên thực sự có khoảng 60 chiếc thì tổng số tiền cần thiết sẽ vô cùng lớn. Chi phí cho mỗi đầu đạn hạt nhân là khoảng 18 - 53 triệu USD, CNBC đã báo cáo hồi đầu năm 2017.
Lệnh cấm vận mới nhất của Bắc Kinh được đưa ra sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) thông qua các biện pháp trừng phạt cứng rắn chống lại Bình Nhưỡng vào ngày 6/8. Các chuyên gia cho biết lệnh cấm sẽ làm tổn hại đến nền kinh tế của Bình Nhưỡng nhưng không chắc có tác dụng như mong muốn.
Ông Justin Hastings, một nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Đại học Sydney, người đã nghiên cứu thương mại giữa Trung Quốc và Triều Tiên nghi ngờ việc Trung Quốc có thể sẽ không thực thi lệnh cấm trong một thời gian dài.
"Trung Quốc có lẽ sẽ thực thi lệnh cấm than, sắt và thủy sản trong thời gian ngắn hạn, nhưng với tỷ lệ buôn lậu và khả năng lách luật, rất có thể sau một thời gian thực thi nghiêm ngặt thì lệnh cấm lại trở nên lỏng lẻo. Tôi đoán rằng nền kinh tế Triều Tiên sẽ không bị ảnh hưởng 100%", ông Hastings nói.
Ngoài ra, nhà nghiên cứu cũng dự đoán rằng: "Triều Tiên có thể sẽ bị tổn thương trong thời gian ngắn, nhưng về lâu dài, Triều Tiên sẽ có khả năng thích ứng ở một mức độ nhất định".
Mặc dù lệnh cấm của Trung Quốc sẽ gây áp lực lên Bình Nhưỡng, nhà nghiên cứu Cai Jian từ Đại học Phục Đán cho rằng động thái này chưa đủ để kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
"Các lợi ích cốt lõi của đất nước, được lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhìn thấy, là an ninh quốc gia và sự ổn định của chế độ. Vậy nên, ông ấy sẽ không bao giờ thỏa hiệp - cho dù ngành xuất khẩu của Triều Tiên bị tổn thương nghiêm trọng đến thế nào”, ông Cai khẳng định.
(Theo SCMP)