Theo Reuters, tên lửa Triều Tiên được triển khai hôm 12/2 đã sử dụng phương pháp phóng lạnh.
Ngày 13/2, quân đội Hàn Quốc tiết lộ, Triều Tiên đã sử dụng phương pháp phóng lạnh trong vụ phóng tên lửa mới nhất. Một nguồn tin quân sự của Hàn Quốc cho biết, tên lửa của Triều Tiên là loại tên lửa tầm trung mới sử dụng nhiên liệu rắn, đồng thời sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.
Bên cạnh đó, hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên tiết lộ, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã giám sát vụ thử tên lửa Pukguksong-2. Đây là một loại vũ khí chiến lược mới của Bình Nhưỡng, có khả năng mang một đầu đạn hạt nhân.
Tình báo Hàn Quốc tiết lộ, tên lửa đạn đạo tầm trung của Bình Nhưỡng được chứa trong ống phóng kín, sau đó được đẩy ra ngoài bằng khí nén hoặc động cơ phụ ngay khi khai hỏa - hay còn được gọi là "phóng lạnh". Ngay khi rời khỏi ống phóng, động cơ đẩy sử dụng nhiên liệu rắn của tên lửa mới được kích hoạt.
Các chuyên gia của Aviation Forum giải thích, phóng lạnh là phương pháp nhằm đơn giản hóa cơ cấu phóng tên lửa, và không gây hư hại nặng đến bệ phóng. Ngoài ra, khi sử dụng cùng một loại ống phóng, công nghệ phóng lạnh cho phép thiết kế loại tên lửa lớn, đồng thời có tầm bắn xa hơn các phương pháp trước đó.
Tầm xa của tên lửa chưa thể đe dọa trực tiếp đến Mỹ. - Ảnh: NYTimes. |
Tên lửa Pukguksong-2 sử dụng nhiên liệu rắn, khiến nó có năng lượng lớn hơn, và bay được xa hơn. KCNA tuyên bố, tên lửa được phóng đi ở tọa độ được cho là an toàn đối với những nước láng giềng.
Trước đó, quân đội Hàn Quốc cho hay, tên lửa này đã bay cao khoảng 550km, đồng thời bay được khoảng 500km trước khi nó rơi xuống biển phía Đông Triều Tiên.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, tên lửa mà đã rơi xuống biển Nhật Bản, là một tên lửa tầm trung, chứ không phải một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mà Triều Tiên tuyên bố là có thể thử nghiệm bất kỳ lúc nào. Ngoài ra, trang tin Yonhap dẫn nguồn thạo tin nói rằng, tên lửa này có khả năng xuyên thủng mọi lá chắn.
Vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang có chuyến thăm Mỹ. Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Donald Trump ngay sau vụ thử, Thủ tướng Abe lên án đây là hành động “không thể tha thứ được”.
Tổng thống Trump cũng cam kết: “Mỹ chắc chắn 100% sẽ sát cánh cùng Nhật Bản, một đồng minh lớn của Mỹ”. Cố vấn cao cấp của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Stephen Millert trả lời kênh Fox News rằng: " Mỹ sẽ tăng cường, củng cố các liên minh quan trọng ở Thái Bình Dương".
Phản ứng im lặng, bình tĩnh của ông trái ngược hẳn với vụ việc Iran thử nghiệm một tên lửa đạn đạo. Tổng thống đã chỉ đạo cố vấn an ninh quốc gia công bố rằng Mỹ "chính thức đưa Iran vào diện cảnh báo" và áp đặt các biện pháp trừng phạt mới ngay sau đó.
Tuy nhiên, với thử nghiệm của Triều Tiên, nhiều nhà phân tích tin rằng ông Trump muốn khẳng định mình sẽ không bị kéo vào một cuộc đối đầu khi đối thủ của Mỹ cố tình chọc giận. Ít nhất là, Donald Trump sẽ không phản ứng ngay lập tức.
Triều Tiên đã thách thức ông Obama trong nhiệm kỳ đầu tiên với một vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất, chỉ 4 tháng sau khi ông nhậm chức. Hệ quả là thái độ cứng rắn của ông Obama đối với Triều Tiên trong suốt những năm tiếp theo của nhiệm kỳ Tổng thống, theo các trợ lý cũ. Thay vì cố gắng thương lượng như Bill Clinton và George W. Bush đã làm, Barack Obama đã tập trung vào thắt chặt lệnh trừng phạt quốc tế với Triều Tiên và củng cố liên minh với Nhật Bản, Hàn Quốc.
(Theo Reuters/BBC/Bloomberg)