(ĐSPL) - Triều Tiên tuyên bố các cuộc đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên “đã chết”, và "không thể từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình”.
Binh sỹ Hàn Quốc tham gia cuộc tập trận gần Khu vực phi quân sự (DMZ) ở Paju, tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc) ngày 22/6. - Ảnh: EPA/TTXVN. |
Theo TTXVN, tại Đối thoại hợp tác Đông Bắc Á 2016 đang diễn ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Vụ phó Vụ Bắc Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên, bà Choe Son-hui tuyên bố các cuộc đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên “đã chết”, đồng thời khẳng định Triều Tiên "không thể từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình, trừ phi thế giới từ bỏ vũ khí hạt nhân”.
Trong khi đó, bên lề Đối thoại, trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Nhật Bản Kenji Kanasugi đã có các cuộc gặp riêng rẽ với các nhà ngoại giao cấp cao đến từ Trung Quốc, Nga, Mỹ và Hàn Quốc, trong đó các bên nhất trí phối hợp chặt chẽ với nhau tại Liên hợp quốc (LHQ) và các diễn đàn khác trong vấn đề Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng thử hai quả tên lửa cùng ngày.
Thanh Niên đưa tin, Triều Tiên có thể dùng kho tên lửa đạn đạo để đáp trả cuộc tấn công từ Mỹ. Triều Tiên hiện có hơn 1.000 tên lửa đạn đạo có thể tấn công mọi khu vực ở Hàn Quốc và cả những căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản. Kho tên lửa này dễ dàng phát tán 1.000 tấn chất nổ với sức công phá lớn. Mối đe dọa lớn nhất từ kho tên lửa đạn đạo Triều Tiên chính là tiềm năng cho cuộc tấn công hạt nhân.
Triều Tiên được cho là tùy ý sử dụng ít nhất từ 2 - 5 đầu đạn hạt nhân trong bất kỳ lúc nào, trong đó có vài đầu đạn được gắn cho tên lửa Nodong (tầm bắn tối đa 1.300 km, đủ sức đặt toàn bộ Hàn Quốc và phần lớn lãnh thổ Nhật Bản trong tầm ngắm). Chỉ cần một vụ tấn công hạt nhân nhằm vào đô thị đông dân của Hàn Quốc cũng sẽ gây ra thiệt hại và thương vong lớn.
Hệ thống rốc két đa nòng của Triều Tiên trong một cuộc tập trận - Ảnh: Reuters. |
Triều Tiên còn có những vũ khí lợi hại khác: vũ khí hóa học, chiến đấu cơ, hạm đội, lực lượng biệt kích và khả năng tấn công mạng. Stratfor ước tính Triều Tiên hiện sở hữu từ 2.500 - 5.000 tấn chất độc hóa học, nhưng chỉ một lượng nhỏ trong số đó có thể được dùng cho việc phản công.
Cụ thể là Triều Tiên được cho là chỉ có khoảng 150 đầu đạn sẵn sàng cho việc phát tán vũ khí hóa học, nhưng vẫn có thể gây ra tác động lớn. Bình Nhưỡng cũng có thể triển khai 800 chiến đấu cơ lạc hậu và máy bay không người lái để phản công dù chúng không thể vượt qua được hệ thống phòng không tiên tiến của Hàn Quốc. Như lực lượng không quân, hải quân Triều Tiên cũng có thể tạo ra mối đe dọa có giới hạn.
Musudan là tên lửa do Triều Tiên tự chế tạo và đã nhiều lần phóng thử nhưng đều thất bại. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết quả tên lửa thứ hai phóng trong ngày hôm 22/6 đã bay 400 km và đạt độ cao 1.000 km.
Musudan có tầm bắn từ 2.500-4.000 km, tức là có thể trúng bất kỳ mục tiêu nào nằm trong lãnh thổ Nhật Bản và Hàn Quốc, thậm chí tới các căn cứ quân sự của Mỹ ở đảo Guam trên Thái Bình Dương. Bất chấp các lệnh trừng phạt tăng cường của LHQ sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 4 ngày 6/1 và phóng vệ tinh bằng tên lửa đạn đạo ngày 7/2, Bình Nhưỡng vẫn liên tiếp tiến hành các vụ phóng thử được cho là tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan.
GIA BẢO (Tổng hợp)
Nguồn: Người Đưa Tin
Video tin tức được xem nhiều:
[mecloud]RGez1S7NDM[/mecloud]