Ngày 12/5 vừa qua, Triều Tiên chính thức thông báo đợt bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên kể từ tháng 1/2020. Được biết, trước khi xác nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên, trong hơn 2 năm, nước này liên tục từ chối các đề nghị viện trợ vaccine từ cộng đồng quốc tế.
Triều Tiên kiên định tuyên bố hệ thống chính trị đang bảo vệ 26 triệu dân khỏi “loại virus độc hại đã giết chết hàng triệu người trên khắp thế giới”. Việc Bình Nhưỡng bất ngờ thừa nhận đợt bùng dịch COVID-19 khiến nhiều chuyên gia tự hỏi tình hình dịch tại đây đang tồi tệ ra sao, đồng thời hy vọng nước này sẽ sớm chấp nhận viện trợ vaccine.
Ngay vào ngày Triều Tiên thông báo về những ca mắc đầu tiên, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyến bố nước này sẵn sàng hỗ trợ Bình Nhưỡng chống lại đại dịch COVID-19.
“Là láng giềng và bạn bè, Trung Quốc luôn sẵn sàng hỗ trợ và giúp đỡ hết mình để Triều Tiên chống dịch”, ông Triệu Lập Kiên nói trong cuộc họp báo thường kỳ vào chiều ngày 12/5, tuy nhiên không đề cập đến các biện pháp hỗ trợ cụ thể mà Bắc Kinh sẽ thực hiện.
Ông Triệu Lập Kiên cũng cảm ơn Triều Tiên đã luôn ủng hộ mạnh mẽ Trung Quốc trong cuộc chiến chống đại dịch kể từ khi COVID-19 bùng phát, đồng thời bày tỏ thông cảm với tình cảnh mà Bình Nhưỡng đang phải đối mặt hiện nay.
Về phía Hàn Quốc, ngày 13/5, Tổng thống Yoon Suk Yeol cho biết nước này sẵn sàng cung cấp viện trợ y tế, bao gồm cảm vaccine ngừa COVID-19 để giúp Triều Tiên ngăn chặn đợt bùng dịch đầu tiên. Người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc nói Seoul có kế hoạch tham vấn với Bình Nhưỡng về các biện pháp viện trợ đại dịch cụ thể dù đến nay Triều Tiên vẫn chưa yêu cầu.
Chia sẻ với NK News, bộ Thống Nhất Hàn Quốc tiết lộ đường dây nóng liên Triều vẫn hoạt động bình thường lúc 17h ngày 13/5 (giờ địa phương) nhưng không bên nào thảo luận về chủ đề viện trợ ứng phó đại dịch.
Trong khi đó, phát biểu tại phiên điều trần trước quốc hội Hàn Quốc, Kwon Young Se - Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc, chịu trách nhiệm về quan hệ liên Triều, cho hay nước này sẵn sàng giúp Triều Tiên chống lại COVID-19. Theo ông Kwon Young Se, hỗ trợ nhân đạo như vaccine, thuốc men và vật tư y tế không liên quan đến các lệnh trừng phạt.
Về phía Nga, nước này tuyên bố sẽ nhanh chóng xử lý bất cứ yêu cầu viện trợ vaccine nào từ phía Triều Tiên.
"Các đồng chí Triều Tiên đã hiểu rõ hoạt động tiêm chủng cũng như kinh nghiệm ứng phó với COVID-19 của Nga. Nếu Bình Nhưỡng đưa ra bất kỳ yêu cầu viện trợ vaccine nào, chúng tôi sẽ xử lý nhanh chóng”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói. Tuy nhiên, ông Peskov chia sẻ Điện Kremlin vẫn chưa nhận được yêu cầu nào.
Khi được hỏi về việc Triều Tiên đang trải qua đợt bùng phát dịch đầu tiên, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho hay Washington chưa có kế hoạch chia sẻ vaccine ngừa COVID-19 với Bình Nhưỡng. Dù vậy, Mỹ ủng hộ cung cấp viện trợ cho Triều Tiên.
"Chúng tôi kêu gọi Triều Tiên hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tiêm chủng nhanh chóng cho người dân", người phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ nói với Reuters.
UN News dẫn thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết tổ chức này đã liên lạc với cơ quan chức năng ở Triều Tiên nhưng vẫn chưa nhận được báo cáo chính thức từ bộ Y tế nước này.
Theo Edwin Salvador, đại diện WHO tại Triều Tiên, tổ chức đã hỗ trợ nước này xây dựng kế hoạch ứng phó và chuẩn bị cấp quốc gia với dịch COVID-19. Cùng với các đối tác gồm Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Liên minh vaccine GAVI, WHO cũng hỗ trợ Triều Tiên xây dựng kế hoạch triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
WHO vẫn cam kết làm việc với các cơ quan của Triều Tiên bằng cách cung cấp thông tin cần thiết về vaccine thông qua COVAX. Người phát ngôn của GAVI thông tin, nếu Triều Tiên chấp nhận, cơ chế COVAX sẵn sàng cung cấp đủ liều lượng để nước này bắt kịp mục tiêu tiêm chủng quốc tế.
Đinh Kim (T/h)