Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, chiều 8/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào việc chuẩn bị tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 5.
Quang cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Tuổi trẻ
Báo cáo tại phiên họp, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho hay tại phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định 4 nội dung tại kỳ họp bất thường lần thứ 5.
Bao gồm: Xem xét thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), xem xét thông qua dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Xem xét thông qua dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời xem xét, quyết định một số vấn đề cấp bách về tài chính, ngân sách nhà nước.
Đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), ông Cường cho hay thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp rất chặt chẽ với thường trực Ủy ban Pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, rà soát, hoàn thiện về nội dung và kỹ thuật văn bản...
Đối với 2 nội dung còn lại, Chính phủ đã gửi hồ sơ, tài liệu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp này.
Về dự kiến kỳ họp bất thường, sẽ khai mạc vào ngày 15/1 và bế mạc vào sáng ngày 18/1, Quốc hội nghỉ 1 ngày làm việc (ngày 17/1/2024).
Đối với 2 dự án luật trên, ông Cường đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về trình tự trình Quốc hội xem xét, thông qua 2 dự án luật tại kỳ họp này như thể hiện tại dự kiến chương trình.
Cụ thể, bố trí Quốc hội nghe trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật; thảo luận tại hội trường (0,5 ngày/dự án luật, chỉ tập trung vào các điểm mới so với kỳ họp thứ 6 và những nội dung còn ý kiến khác nhau) vào ngày đầu kỳ họp và biểu quyết thông qua tại phiên bế mạc.
Cũng theo ông Cường, thời gian diễn ra kỳ họp ngắn nên các cơ quan sẽ có rất ít thời gian để tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, nghị quyết.
Do đó, để kịp tiến độ theo dự kiến chương trình kỳ họp, đề nghị không tách riêng việc tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội với việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, nghị quyết, thay vào đó các cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, tổng hợp ý kiến để tiếp thu, giải trình luôn...
Về tài liệu, ông Cường đề nghị dự kiến thời hạn gửi tài liệu là trước ngày 12/1 nhằm bảo đảm thời gian để đại biểu Quốc hội tiếp cận tài liệu, nghiên cứu trước khi tham dự kỳ họp.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết 2 dự án luật trình kỳ họp bất thường là các luật khó, đồ sộ và sẽ báo cáo Thường vụ Quốc hội để xem có đủ chất lượng trình Quốc hội hay không.
Riêng dự án Luật Đất đai sửa đổi, ông nói qua rà soát kỹ thuật của Ủy ban Pháp luật đã chuyển đến 44 vấn đề liên quan đến nội dung, do đó, sợ rằng sau khi Quốc hội bấm nút thông qua thì rà soát kỹ thuật có thể phát sinh thêm.
Với dự án Luật Các tổ chức tín dụng còn quan ngại hơn khi mới nhận được tài liệu. Hiện nay có một số điều sẽ phải báo cáo thêm Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo báo Dân Việt, với việc tổ chức kỳ họp bất thường lần này, Quốc hội khóa XV sẽ có 5 kỳ họp bất thường kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XV. Đây là việc chưa từng có tiền lệ trong lịch sử 78 năm hoạt động của Quốc hội Việt Nam.
Riêng năm 2023, Quốc hội đã tổ chức số lượng kỳ họp nhiều nhất trong 1 năm với 5 kỳ họp, trong đó có 3 kỳ họp bất thường (lần thứ 2, lần thứ 3, lần thứ 4).
Trong 3 kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, quyết định 84 vấn đề lớn, quan trọng, kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, góp phần ổn định và phát triển đất nước, tạo tiền đề thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ năm 2024 và các năm tiếp theo.
Quốc hội nhận định các kỳ họp "bất thường" đã trở thành "bình thường", nhằm đáp ứng đúng và trúng yêu cầu của đời sống kinh tế, xã hội và nguyện vọng chính đáng của cử tri.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho hay, kỳ họp bất thường lần thứ 5 để xem xét, quyết định ngay những vấn đề cấp bách mà không chờ đến kỳ họp thường lệ. Điều này thể hiện rất rõ sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế.
Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) lẽ ra được thông qua vào kỳ họp thứ 6, tuy nhiên nhiều vấn đề vẫn có những ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia cho nên đến nay chưa thông qua.
Theo bà Nga, Luật Đất đai (sửa đổi) càng sớm ban hành và có hiệu lực thì càng góp phần tích cực vào tháo gỡ các điểm nghẽn hiện nay. Nếu chờ đến kỳ họp 7 (tổ chức vào tháng 5/2024) thì sẽ phải lùi thời điểm có hiệu lực của Luật Đất đai, dẫn đến chậm giải quyết các khó khăn vướng mắc đang tồn tại.
Kỳ họp bất thường của Quốc hội sẽ thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nếu đủ điều kiện, giúp đảm bảo thời điểm Luật có hiệu lực từ 1/7/2024.
"Quốc hội xem xét rất thận trọng, vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất, cần phải bàn bạc, nghiên cứu kỹ hơn cho nên chúng ta không vội vã thông qua trong kỳ họp 6. Việc tổ chức kỳ họp bất thường, tôi thấy đây là một sự khẩn trương nhưng cũng là sự thận trọng rất cần thiết của Quốc hội", bà Nga nhận định.
Vân Anh (T/h)