Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tranh luận vụ kẻ trộm vịt thoát tội, gia chủ bị truy tố

(DS&PL) -

Chuyên gia pháp lý cho rằng, khi thấy gia chủ xuất hiện nhưng tên trộm chống trả ngay và không chịu để lại tài sản là có sự chuyển biến từ trộm cắp sang Tội cướp tài sản.

Chuyên gia pháp lý cho rằng, khi thấy gia chủ xuất hiện nhưng tên trộm ngay lập tức chống trả và không chịu để lại tài sản là có sự chuyển biến từ trộm cắp sang Tội cướp tài sản.

Bị khởi tố vì chống lại kẻ trộm bằng dao

Liên quan đến vụ án 4 người trộm vịt thoát tội, gia chủ bị truy tố, mới đây, TAND quận 12, TP.HCM đã tiếp nhận lại hồ sơ vụ ông Phan Văn Sáu (SN 1963, ngụ quận 12) bị truy tố tội Cố ý gây thương tích sau khi yêu cầu điều tra bổ sung vụ án. Vụ án này kéo dài đến nay vẫn chưa thể đưa ra xét xử được, vì khi hồ sơ truy tố chuyển qua tòa án thì tòa đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều vấn đề.

Theo hồ sơ, 3h ngày 11/7/2017, 4 thanh niên gồm Nguyễn Phan Thái Dương (23 tuổi), Phan Trọng Chinh (22 tuổi), Nguyễn Quang Trường (22 tuổi) và Vũ Văn Trường (19 tuổi) rủ nhau đi ăn. Trên đường, cả nhóm đi ngang qua nhà ông Sáu tại phường Thới An, quận 12. Thấy nhà ông Sáu có chuồng nuôi vịt nên 4 thanh niên bàn nhau bắt trộm vịt mang về làm mồi nhậu.

Chuồng vịt, nơi xảy ra vụ trộm vịt và ông Sáu - Ảnh: Pháp luật TP. HCM

Nghe tiếng vịt kêu, nghi có trộm, ông Sáu cầm dao đi ra chuồng vịt thì thấy 4 người đang bắt vịt mang ra ngoài. Thấy chủ nhà, Chinh, Quang Trường và Văn Trường bỏ chạy. Ông Sáu cầm dao rượt theo nhưng không kịp. Còn Dương đang xách 2 con vịt tính bỏ chạy, ông Sáu nhanh trí ngăn cản. Dương chạy đến, đạp vào người ông Sáu.

Ông Sáu cầm dao quơ vài lần nhưng không trúng người Dương. Sau đó, Dương cầm 2 con vịt đánh lại ông Sáu. Lúc này, ông Sáu dùng dao chém về phía mặt bên phải rồi tiếp tục chém trúng ngực, mặt và tay trái của Dương. Ba tên trộm kia thấy đồng bọn bị thương liền chạy lại giải cứu. Ông Sáu tri hô, người dân xung quanh tóm gọn nhóm trộm vịt và đưa Dương vào bệnh viện. Theo kết luận giám định, Dương bị tổn thất 24% sức khỏe. Bị hại yêu cầu được bồi thường 150 triệu đồng.
CQĐT kết luận hành vi ông Sáu đã xâm hại sức khỏe người khác bằng hung khí nên cần xử nghiêm. Tuy nhiên, trước đó người bị hại lại có hành động xâm phạm tài sản do ông Sáu sở hữu. Hơn nữa, khi chủ nhà phát giác, bị hại chống cự, không chịu để lại tài sản. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự cố ông Sáu chém bị hại bị thương.

Cuối cùng, cơ quan chức năng vẫn truy tố ông Sáu về tội Cố ý gây thương tích. Đồng thời, Công an quận 12 còn nhận định 4 thanh niên có hành vi trộm cắp tài sản nhưng giá trị tài sản chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo kết quả của hội đồng định giá tài sản tố tụng hình sự quận 12, TP.HCM, 8 con vịt là tang vật trong vụ trộm có giá trị hơn 1,4 triệu đồng. Vì vậy, công an chỉ xử phạt vi phạm hành chính và thông báo về địa phương quản lý, giáo dục.

Cần phải truy tố tên trộm về tội Cướp tài sản

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình (đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định: “Gần đây chúng ta gặp không ít trường hợp phạm tội trong trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng nhưng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử do sức ép của dư luận hoặc phía nạn nhân nên các cơ quan tiến hành tố tụng thường lúng túng khi xác định trường hợp phạm tội có phải là phòng vệ chính đáng hoặc vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không?”.

Luật sư Bình cho biết, phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.

Liên quan đến sự việc trên, theo luật sư Bình, để xem xét hành vi chống trả của ông Sáu có cần thiết hay không, có rõ ràng là quá đáng hay không, thì phải xem xét toàn diện những tình tiết có liên quan đến hành vi xâm hại và hành vi phòng vệ như: Khách thể cần bảo vệ; mức độ thiệt hại do hành vi xâm hại có thể gây ra hoặc đã gây ra và do hành vi phòng vệ gây ra; vũ khí, phương tiện, phương pháp mà hai bên đã sử dụng; nhân thân của người xâm hại; cường độ của sự tấn công và của sự phòng vệ; hoàn cảnh và nơi xảy ra sự việc...
Đồng thời cũng phải chú ý yếu tố tâm lý của người phải phòng vệ có khi không thể có điều kiện để bình tĩnh lựa chọn được chính xác phương pháp, phương tiện chống trả thích hợp, nhất là trong trường hợp họ bị tấn công bất ngờ.

“Trong vụ án này, chúng ta thấy người bị hại có hành động xâm phạm tài sản do ông Sáu sở hữu, trong khi pháp luật quy định không ai có quyền xâm phạm gia cư của người khác một cách bất hợp pháp. Không có sự tương quan lực lượng khi một bên là 4 tên trộm và một bên là ông Sáu. Hơn nữa, khi chủ nhà phát giác, bị hại chống cự, không chịu để lại tài sản. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc ông Sáu chém người. Hành vi của ông Sáu trong trường hợp này được coi là phòng vệ chính đáng nên không thể xem là tội phạm”, luật sư Bình nêu quan điểm.

Mặt khác, luật sư Bình cho rằng: “Khi ông Sáu xuất hiện thì tên trộm đã chống trả và không để lại tài sản là có sự chuyển biến từ Trộm cắp sang tội Cướp tài sản. Vì vậy, cần phải truy tố tên trộm này về tội Cướp tài sản theo Điều 168, Bộ luật Hình sự 2015 là mới đúng bản chất của vụ việc”.

Không có cơ sở để truy tố gia chủ?

Luật gia Đoàn Thu Hằng (Thạc sĩ luật Hình sự, khoa Luật, đại học Quốc gia Hà Nội) viện dẫn Nghị quyết 02/2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn áp dụng BLHS) thì một trong những công cụ, phương tiện nguy hiểm đó là dao.

Luật gia Hằng cho hay, nếu cơ quan tố tụng xác định Dương đã dùng dao tấn công thì ông Sáu có quyền chống trả. Nếu việc chống trả rõ ràng là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì chỉ có thể truy cứu ông Sáu về tội Cố ý gây thương tích (khoản 1, Điều 136, Bộ luật Hình sự 2015) khi tỉ lệ tổn thương cơ thể cho nạn nhân từ 31% trở lên.

Cụ thể, khoản 1, Điều 136 nêu rõ: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm....

Trong khi tỉ lệ tổn thương cơ thể của bị hại Dương chỉ là 24% thì hành vi của ông Sáu không đủ yếu tố cấu thành. Còn nếu Dương đã bỏ chạy nhưng ông Sáu vẫn đuổi chém thì lúc này quyền phòng vệ không phát sinh, ông Sáu có thể bị truy cứu về tội Cố ý gây thương tích.
“Ngay cả khi chứng minh được rằng Dương không đánh trả mà bị đuổi theo chém thì hành vi của ông Sáu cũng chỉ là vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng. Nhưng hành vi này chỉ bị xem là tội phạm khi thương tích gây tổn hại cho sức khỏe của Dương từ 31% trở lên. Vì vậy, dù cơ quan tố tụng kết luận theo hướng nào đi nữa thì hành vi của ông Sáu vẫn không phạm tội”, luật gia Hằng đánh giá.

Tư Viên

Bài đăng trên báo in Đời sống & Pháp luật số 74

Tin nổi bật