Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tranh cãi về xử lý trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Trách nhiệm hình sự của pháp nhân là vấn đề không mới trong pháp luật hình sự nhiều nước. Ở nước ta, đã đến lúc cần bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân.

(ĐSPL) - Trách nhiệm hình sự của pháp nhân là vấn đề không mới trong pháp luật hình sự nhiều nước. Ở nước ta, vấn đề này đã được đặt ra từ khi xây dựng Bộ luật hình sự năm 1999 và đã đến lúc cần bổ sung chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân.

5 định hướng lớn trong sửa đổi BLHS lần này là thể chế hóa chủ trương của Đảng về hoàn thiện chính sách hình sự theo hướng đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân; thể chế hóa về mặt hình sự chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ và thúc đẩy sự phát triền nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; tăng cường hợp tác quốc tế; hoàn thiện kỹ thuật lập pháp hình sự; đổi mới tư duy về tội phạm và hình phạt, về cơ sở trách nhiệm hình sự, khắc phục những hạn chế trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới.

Về trách nhiệm hình sự của pháp nhân, theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành, việc truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ đặt ra đối với cá nhân (con người cụ thể). Dự thảo BLHS (sửa đổi) lần này đề xuất bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân (các điều 2, 3, 6, 8 và các điều thuộc Chương XI. Những quy định đối với pháp nhân phạm tội).

Theo đó, xác định rõ chính sách xử lý hình sự đối với các pháp nhân thực hiện hành vi phạm tội; những loại tội phạm nào thì pháp nhân sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự; các chế tài áp dụng.

Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đề xuất quy định pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự về 32 tội danh. Cụ thể, theo dự thảo, pháp nhân chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về một trong các tội phạm quy định tại các điều sau đây: tội mua bán người; tội mua bán trẻ em; tội buôn lậu; tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; tội sản xuất, buôn bán hàng giả; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi; tội trốn thuế; tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ; tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán; tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán...


Về vấn đề này, hiện có 2 loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất đồng tình với quy định của dự thảo và cho rằng, việc quy định diện các loại tội mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự phải tương đối bao quát đủ để xử lý các hành vi vi phạm nghiêm trọng của pháp nhân.

Hiện nay, sự hình thành và phát triển của cơ chế kinh tế thị trường với sự tham gia bình đẳng của các thành phần kinh tế, pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh thương mại ngày càng tạo điều kiện thông thoáng cho các thành phần kinh tế phát triển. Thay cho kinh tế cá thể nhỏ lẻ, nhiều pháp nhân kinh tế được hình thành, các doanh nghiệp tư nhân hay các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được thành lập ngày càng nhiều. Kinh tế thị trường đã mang lại những lợi ích vô cùng to lớn cho sự phát triển của kinh tế xã hội nước ta. Nhưng cùng với lợi ích đó, chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều hiện tượng tiêu cực được coi là mặt trái của nền kinh tế thị trường như: các hành vi vi phạm quy định về độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh, buôn lậu, xâm phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại, làm ô nhiễm môi trường… gây nên những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội.

Thực tiễn xử lý các hành vi vi phạm trên của các công ty doanh nghiệp cho thấy, các chế tài về hành chính, dân sự hoặc kinh tế tỏ ra không hiệu quả, tính răn đe phòng ngừa của các chế tài xử lý này không cao, hậu quả pháp lý của việc xử lý này đối với doanh nghiệp vi phạm chưa có đủ sức nặng để phòng ngừa tái phạm, chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống hành vi vi phạm của các công ty, doanh nghiệp. Còn tổ chức, cá nhân bị thiệt hại thì vẫn phải gánh chịu hậu quả thiệt hại của hành vi vi phạm.

Việc không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đang tạo ra sự thiếu thống nhất của hệ thống pháp luật. Cùng một hành vi phạm tội, nhưng với các chủ thể khác nhau thì được xử lý khác nhau. Ví dụ, cùng một hành vi làm giả giấy tờ để chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng, nhưng người thuộc doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; còn người trong các doanh nghiệp nhà nước thì có thể bị truy cứu trách  nhiệm hình sự về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Hoặc hành vi trốn thuế của cá nhân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế, nhưng nếu là doanh nghiệp Nhà nước thì chỉ có thể xử phạt hành chính với tính chất và mức độ cưỡng chế thấp hơn rất nhiều.

Trong quá trình xây dựng Bộ luật hình sự nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có biện pháp xử lý mạnh mẽ hơn để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và truy xét đến cùng trách nhiệm của các công ty, doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm của mình. Việc bổ sung trong Bộ luật hình sự về trách nhiệm của pháp nhân là cần thiết theo hướng xác định rõ chính sách xử lý hình sự đối với pháp nhân như: loại pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự, loại tội phạm mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự, các chế tài áp dụng đối với pháp nhân vi phạm…

Loại ý kiến thứ hai: Trước mắt, chỉ nên đặt vấn đề trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân kinh tế. Còn những pháp nhân khác hoặc những tổ chức không có tư cách pháp nhân thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Về loại tội phạm mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự thì chủ yếu là các tội phạm thuộc nhóm tội phạm về kinh tế và môi trường để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn, đồng thời, đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực thi nghĩa vụ quốc tế mà Việt Nam là thành viên như: Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Công ước chống tham nhũng, các Công ước về chống khủng bố và chống tài trợ khủng bố… Và như vậy, Bộ luật hình sự cần quy định pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các tội khủng bố, rửa tiền, buôn ma túy, buôn bán người, buôn bán vũ khí và một số tội liên quan đến hối lộ như đưa hối lộ hoặc môi giới hối lộ.

Đối với hệ thống chế tài áp dụng đối với pháp nhân, nghiên cứu luật hình sự nước ngoài quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân cho thấy hình phạt quy định với pháp nhân phạm tội ở mỗi nước cũng rất khác nhau, có nước chỉ quy định hình phạt tiền là hình phạt duy nhất như các nước theo truyền thống Common law và Trung quốc, trong khi các nước khác như Pháp, Bỉ, Hà Lan lại quy định một hệ thống hình phạt có thể áp dụng đối với pháp nhân. Đối với Việt Nam thì cần áp dụng ba chế tài là: hình phạt chính; hình bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả. Vì chủ thể trách nhiệm hình sự là pháp nhân kinh tế độc lập, hoạt động vì mục đích lợi nhuận hoặc có thu và không sử dụng ngân sách nhà nước, cho nên hình phạt mang tính kinh tế được coi là hiệu quả và phù hợp nhất.

Quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân không chỉ đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm ở nước ta mà còn đáp ứng yêu cầu quốc tế trong các điều ước mà nước ta là thành viên, nhất là Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Công ước chống tham nhũng. Tuy nhiên, việc bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân vào Bộ luật hình sự cần phải được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lượng, thận trọng và có phương án phù hợp vì nó làm thay đổi quan niệm về tội phạm và hình phạt, về cơ sở của trách nhiệm hình sự được thể hiện trong Bộ luật hình sự hiện hành cũng như đặt ra một số vấn đề về kỹ thuật lập pháp hình sự cần phải được xử lý hài hòa trong Bộ luật hình sự.

Luật gia Đồng Xuân Thuận

[mecloud]x7htXR7z34[/mecloud]

Tin nổi bật