Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tranh cãi quanh việc Đà Nẵng “nói không” với taxi Uber ?

(DS&PL) -

Mới đây, sở GTVT TP.Đà Nẵng ra thông báo gửi các cơ quan báo chí, cho rằng Đà Nẵng chưa cho phép thực hiện thí điểm taxi Uber trên địa bàn gây nhiều dư luận trái chiều.

Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm. Mới đây, sở GTVT TP.Đà Nẵng ra thông báo gửi các cơ quan báo chí, cho rằng Đà Nẵng chưa cho phép thực hiện thí điểm taxi Uber trên địa bàn. Quyết định này đã gây rất nhiều dư luận trái chiều.

Nên khuyến khích, thay vì cản trở

Trước thông báo của Uber Việt Nam rằng từ ngày 1 – 8/8/2017 sẽ thử nghiệm dịch vụ gọi xe qua ứng dụng Uber tại Đà Nẵng, ngày 2/8, sở GTVT Đà Nẵng đã “phản pháo” rằng, trong thời gian Chính phủ chưa ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến loại hình này, sở GTVT đề nghị công ty TNHH Uber Việt Nam dừng các hoạt động thử nghiệm, quảng cáo tại thành phố. Thông báo “cấm cửa” này không chỉ làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của rất nhiều người tiêu dùng đang làm ăn, sinh sống tại TP.Đà Nẵng muốn sử dụng taxi Uber.

Theo Điều 66 luật Giao thông đường bộ năm 2008, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô bao gồm 5 loại hình: 1. Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có xác định bến đi, bến đến với lịch trình, hành trình nhất định; 2. Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định có các điểm dừng đón, trả khách và xe chạy theo biểu đồ vận hành với cự ly, phạm vi hoạt động nhất định; 3. Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của khách hàng, cước tính theo đồng hồ tính tiền; 4. Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định được thực hiện theo hợp đồng vận tải; 5. Kinh doanh vận tải khách du lịch theo tuyến, chương trình và địa điểm du lịch.

Bộ GTVT luôn ủng hộ các đơn vị vận tải hoạt động theo đúng các loại hình nêu trên chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật. Đặc biệt là đối với những doanh nghiệp sử dụng các phần mềm ứng dụng, nhằm mục đích hỗ trợ cho điều hành hoạt động vận tải, quản lý doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và hiệu quả của doanh nghiệp. Sự xuất hiện của Uber và Grab taxi là một minh chứng rõ nét. Đến thời điểm này, dù các hãng taxi truyền thống liên tục phản đối 2 hãng taxi này nhưng bộ GTVT đã rất công bằng trong cách quản lý, giải quyết mâu thuẫn giữa các bên. Luật sư Nguyễn Xuân Dũng, Giám đốc công ty Luật Tập đoàn Hà Thành nêu quan điểm: “Uber taxi có nhiều ưu điểm, giá rẻ, tính sẵn tiền trên cung đường đi nên thuận tiện cho khách hàng. Chính quyền địa phương nên khuyến khích ủng hộ loại hình kinh doanh vận tải mới này, không nên cản trở bằng các mệnh lệnh hành chính”. Luật sư Dũng cho rằng: “Nếu vì lý do sợ quá tải các phương tiện tham gia giao thông mà cấm Uber thì cũng nên cấm tất cả các hãng taxi khác. Như vậy mới công bằng”. Quan điểm này nhận được sự đồng tình của dư luận.

Vi phạm luật Doanh nghiệp

Khoản 1, Điều 7, luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về quyền của doanh nghiệp như sau: “Tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm”. Vấn đề đặt ra là sở GTVT Đà Nẵng căn cứ vào điều luật nào để “nói không” khi taxi Uber muốn thực hiện thí điểm trên địa bàn thành phố? Lý do chính quyền TP.Đà Nẵng đưa ra là đợi đến khi có kết quả tổng kết 2 năm thực hiện thí điểm taxi Uber và Grab của bộ GTVT chưa thực sự thuyết phục.

Trên thực tế, người dân Hà Nội, TP.HCM đang rất hào hứng với loại hình kinh doanh vận tải này. Vậy hà cớ gì Đà Nẵng lại “ngăn sông, cấm chợ”? Những gì luật không cấm thì doanh nghiệp được phép làm. Đó là điều hiển nhiên. Không nên lấy quyền quản lý nhà nước để can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp.

Luật sư Nguyễn Xuân Dũng phân tích: “Doanh nghiệp hoạt động theo luật Doanh nghiệp. Nếu chính quyền địa phương dùng mệnh lệnh hành chính ngăn cấm hoạt động của doanh nghiệp, vô hình trung sẽ ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh chung, không thu hút được vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam”. Luật sư Dũng còn mạnh dạn hơn khi khẳng định việc Đà Nẵng chưa cho phép thực hiện thí điểm taxi Uber trên địa bàn TP. là có dấu hiệu vi phạm luật Doanh nghiệp?!”.

Trao đổi với PV báo ĐS&PL về vấn đề này, ông Võ Kim Sơn, nguyên Trưởng khoa Quản lý Nhà nước và nhân sự, học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, hãng Uber kinh doanh lĩnh vực vận tải (taxi), đây không phải lĩnh vực bị pháp luật cấm. Do đó, không cho Uber hoạt động là không hợp lý. Tuy nhiên, từng giai đoạn Nhà nước (ở đây là chính quyền địa phương- PV) có quyền can thiệp để điều tiết, trên nguyên tắc đặt lợi ích chung của Nhà nước lên trên hết.

Theo ông Võ Kim Sơn, tuy Uber taxi mới xâm nhập thị trường Việt Nam nhưng lại phát triển rất mạnh. Để làm được điều đó, doanh nghiệp đã rất quan tâm đến lợi ích của khách hàng, tạo thêm thu nhập cho một bộ phận người sở hữu xe ô tô cá nhân. “Tôi thường xuyên đi xe Uber. Một ngày bình thường đi 2 chuyến, có hôm đi 4 chuyến. Tuần vừa rồi, tôi đi tổng cộng 12 chuyến, được giảm 225.000 đồng. Từ nhà tôi đến cơ quan, nếu đi xe taxi thường thì phải mất 90.000 đồng. Trong khi đó đi xe Uber, tôi chỉ tốn có 70.000 đồng. Vẫn được ngồi ô tô mà lại tiết kiệm tiền, ai chả muốn?”, ông Võ Kim Sơn nhận xét.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia trong lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước, ông Võ Kim Sơn phân tích: “Tại sao lại thí điểm một hoạt động dịch vụ vận tải trong thời gian dài những 2 năm trong khi Uber cung cấp dịch vụ tốt cho khách hàng? Điều này có thể dẫn đến việc doanh nghiệp bỏ thị trường Việt Nam”.

Tin nổi bật