Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Trận quyết chiến cuối cùng, người Anh hùng hy sinh bên dòng Tam Ngãi

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Trong trận quyết chiến với địch trên dòng sông, người Anh hùng được nhân dân quý trọng phong thần ngã xuống trên bệ súng trung liên.

(ĐSPL) - Trong trận quyết chiến với địch trên dòng sông, người Anh hùng được nhân dân quý trọng phong thần ngã xuống trên bệ súng trung liên. Trước nguy cơ vỡ phòng tuyến, thất bại, hy sinh của đồng đội, từ giường bệnh, ông lao đi, băng mình vào mũi xung kích, một mình chặn địch. Mãnh hổ nan địch quần hồ (một con hổ dũng mãnh cũng không thể địch nổi đám đông hùng hậu), sau nỗ lực đánh chặn, giữ vững phòng tuyến mũi xung kích, người Anh hùng hy sinh giữa niềm tự hào, niềm tiếc thương vô hạn của người dân Tam Ngãi.

Chiến thuật hàn mặt sông

Trong sự nghiệp cầm quân, chống giặc, Anh hùng Nguyễn Hòa Luông để lại những câu chuyện, chiến tích mà theo người dân Tam Ngãi nó đã trở thành huyền thoại. Sự kiên cường, dũng cảm, mưu trí của ông thể hiện qua những chiến lược, chiến thuật đầy sáng tạo, bất ngờ. Theo đó, đến ngày nay, người dân nơi đây vẫn truyền nhau câu chuyện “Thần Luông” táo bạo hàn mặt sông đánh địch. Trong hồi ký của mình, bà Ca, vợ ông viết: “Để ngăn chặn đường tiếp tế của giặc, ông ra lệnh hàn mặt sông, thu nhỏ mặt sông vô Cầu Kè cho tàu, ghe lớn không ra vào được. Ngã ba Mặt Hàn có tên từ đó”.

Giải thích chiến thuật táo bạo, bí ẩn trên, bà Nhạn (con gái ông Chín Luông) cho biết: “Để tạo ra một phòng tuyến chống tàu sắt của giặc, cha tôi trực tiếp chỉ huy mấy trăm thanh niên trai tráng từ khắp các xã huy động về xây dựng mặt hàn ngang ngã ba sông Bến Cát, đoạn chảy vào huyện lỵ. Mặt hàn làm bằng đất, bên trong có xóc cọc go, khi nước kiệt, một bên đầy nước một bên khô cạn, tạo ra áp lực nước rất lớn. Đội Tự vệ chiến đấu mai phục hỏa công, sẵn sàng tiêu diệt tàu sắt của địch. Mặt hàn này vươn ra sông, làm mặt sông bị thu hẹp lại cộng thêm nhiều chướng ngại vật nên tàu lớn của địch không thể chạy qua. Chiến thuật này khắc chế việc địch dùng tàu lớn chở quân, đánh sâu vào các huyện, lỵ, buộc chúng phải xé nhỏ lực lượng. Lực lượng của chúng bị xé nhỏ, ta dễ đối phó hơn”.

Bà Nguyễn Thị Nhạn, con gái ông Nguyễn Hòa Luông bên những tấm ảnh kỷ niệm của cha (ảnh Hà Nguyễn).

Chiến thuật xé nhỏ lực lượng địch ngay lập tức phát huy hiệu quả. Tàu lớn của địch bị chặn lại, lính ở thị trấn ra sức cướp bóc, vơ vét lúa gạo của người dân. Nhiều cao niên nơi đây cho biết, trước ngày “Thần Luông” cùng người dân hàn mặt sông, hàng tháng những chiếc tàu, ghe chài to lớn của giặc vào Cầu Kè cướp bóc lúa gạo. Để đánh chặn, thương vong địch, ông Chín Luông nghĩ ra cách tẩm xăng, dầu vào rơm chất trên ghe nhỏ rồi chạy luồn vào các tàu, ghe lớn của địch. Khi các ghe nhỏ đã tiếp cận đủ gần, ông bất ngờ châm lửa đốt. Bà Ca viết: “ông áp sát ghe vào tàu, ghe giặc rồi phóng hỏa lần lượt từng chiếc một. Tất cả cháy bừõng bừng trên sông”.

Những trận đánh liều lĩnh, táo bạo như trên khiến ông Chín Luông không ít lần đối mặt với tử thần. Tuy nhiên, các tài liệu còn lại đều khẳng định, những vết thương, đau đớn, nguy hiểm từ chiến trường đều không khiến ông gục ngã, sợ hãi. Nhiều người còn tin rằng, ông đã học được bí thuật võ gồng nên da dẻ cứng chắc, đao thương bất nhập. Điển hình cho nhận định trên là việc ông bị giặc dùng súng phun lửa đốt khi ông tấn công vào bốt địch giải cứu trâu bò cho người dân. Cả cơ thể ông bốc cháy ngùn ngụt, ông lao đi, trầm mình xuống sông, phía lưng áo, lửa vẫn cháy phừng phừng.

Tuy nhiên, sau một loạt đạn bắn tràn xuống mặt sông nơi ông trầm mình, người ta vẫn không thấy từ mặt nước xuất hiện bất cứ một dấu hiệu nào về sự sống hay cái chết của “Thần Luông”. Dân chúng thấy cảnh ấy, ai cũng lo sợ, khóc ròng vì nghĩ ông đã bỏ mạng. Thế nhưng, sau khi trở về căn cứ, Tịch, út,... vẫn thấy ông đang ngồi đọc báo cáo từ các cơ sở khác, mặt mũi, cơ thể không hề có thương tích. Bí ẩn hơn trong lần đánh bốt Phong Phú, ông trúng đạn vào mặt mà không trúng xương. Vết thương khá nguy hiểm, y tá yêu cầu ông phải mổ nhưng lại thiếu thuốc gây mê. “ông bảo, cứ mổ lấy ra cho tôi, tôi chịu được. Thế rồi ông ngồi đọc sách chiến thuật, chiến lược miệng không la một tiếng. Về sau, sự lạ này lan xa, người ta bảo ông giống Quan Công bên Tàu thuở trước”, bà Nhạn kể.

Trận quyết chiến cuối cùng

Nói về Anh hùng Nguyễn Hòa Luông, người dân Tam Ngãi luôn xem ông là một vị thần thực thụ. Từ cuộc sống, đến sự hy sinh của ông cũng gắn với ý nghĩa cao cả. Người dân nơi đây cho biết, cái chết của “Thần Luông” là để bảo toàn mạng sống, thắng lợi cho hàng trăm, hàng ngàn người trong trận tử chiến bên dòng sông Tam Ngãi. Nhớ lại ngày đau thương tột cùng, bà Nhạn kể: “Hôm ấy, cha tôi bệnh, phải nghỉ ở nhà nên không chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng như những lần ông đối đầu với địch. Nếu ông chỉ nghĩ đến mình, chỉ nghĩ đến gia đình tôi, ông đã không lao ra chặn địch để rồi ngã xuống trên bệ súng sau khi giúp đồng đội trụ vững trước thế tấn công ào ạt của địch”.

Theo lời bà Nhạn, trước mấy ngày xảy ra cuộc tấn công ồ ạt của địch hòng “san phẳng”, “diệt sạch” lực lượng Công an xung phong, ông Chín Luông bỗng nhiên ngã bệnh. Cấp trên biết ông ham công tiếc việc nên yêu cầu ông về nhà nghỉ ngơi. Sáng 2/2/1952, liên lạc đưa tin một tiểu đoàn Commandos (biệt kích của địch – PV) từ Trà Vinh hành quân xuống, đang trên đường bố ráp Tam Ngãi, quyết tiêu diệt trung đội Công an xung phong Cầu Kè. Nhận định tình hình nếu để giặc tràn qua sông, tiến sâu vào đất liền, chắc chắn đơn vị sẽ bị thất thủ, xóa sổ, đơn vị được lệnh ra ngay chiến hào chống giặc. Không được ra trận, Chín Luông đứng lặng, tay bấu chặt bậu cửa, ánh mắt đăm đăm nhìn về phía tiếng đạn pháo vang trời. Trong chốc lát, sau khi nghe tiếng súng trường chống trả yếu ớt của ta vang lên từ phía Bà Mi, Rạch Cách, rồi Ngãi Nhất, Cây Sanh,... ông bảo vợ bế con xuống xuồng tránh đạn, rồi lao vút về phía tiếng súng.

Địch đang vây ép những người đồng chí, đồng đội của ông vào vòng vây. Phòng tuyến đang bị kéo giãn, phía ta rơi vào tình thế ngặt nghèo, viễn cảnh có thể bị giặc tiêu diệt. Trong lúc đơn vị cố chống trả trong tình thế bị đẩy lùi, ông lao ra giữa mũi súng giặc hét lớn: “Không để chúng vượt sông! Chặn lại! Chặn lại ngay, không anh em mình hy sinh hết!”. Nhận thấy địch đã chia thành từng toán vượt sông, những toán đầu đã lấn sâu vào phòng tuyến của ta, quyết không để địch sang sông, ông lao mình, bắt lấy khẩu trung liên của người đồng đội vừa bị bắn gục nã đạn liên hồi.

Địch đang trong thế có lợi xông lên vấp phải ụ trung liên của Chín Luông đang kiên cường bắn trả tới tấp buộc phải tản ra, lùi lại, nấp sau những tán dừa. Không để địch kịp lấy lại đội hình, ông hô lớn cho đồng đội lao vào lại vị trí, bắn trả, quyết bịt lại lỗ hổng vừa bị địch khoét sâu. Vừa bắn trả, ông vừa hô hào đồng đội ào ạt xông lên chiếm lĩnh lại trận địa. Lúc này, khẩu trung liên trên tay ông cứ liên hồi nhả đạn, tạo nên một quầng lửa sáng rực. Chiến đấu kiên cường, anh dũng, sau ít phút, ông cùng tổ chiến sỹ xung kích đã đứng vững bên bờ sông. Khẩu trung liên vẫn cứ gầm lên, trút đạn vào mấy chiếc xuồng chòng chành chở từng tốp địch vượt sông. Phòng tuyến trụ vững, địch vấp phải sự kháng cự quyết liệt, đành quay đầu thất thểu ra về.

Bỗng chốc, khẩu trung liên im bặt, máu loang ra, thấm đỏ nước chiến hào. Người Anh hùng từ từ rời tay khỏi báng súng trung liên, ngã xuống. Nguyễn Hòa Luông hy sinh trong nỗi tiếc thương của đồng đội, đồng chí, người dân Tam Ngãi. Kể lại ngày đau thương tột cùng, trong hồi ký của mình, bà Ca viết: “Khi dứt tiếng súng, liên lạc chạy báo tin cho tôi biết chồng tôi bị thương nặng. Lúc đó, tôi đang bồng bế con chạy như bay trên cánh đồng ông Râu. Cậu liên lạc bế đứa con lớn, con tôi bế đứa nhỏ chạy về giồng Cây Xanh. Lúc này, tim tôi như ngừng đập, tôi có một linh cảm về một điều khủng khiếp. Đến nơi, bầu trời như sụp đổ dưới chân tôi. Chồng tôi đã hy sinh trong nỗi tiếc thương vô hạn của đồng đội, đồng bào”.

Được dân phong thần từ những ngày kháng chiến

Bà Nguyễn Thị Nhạn cho biết: “Việc cha tôi được người dân phong thần là chuyện có thật. Không phải sau này khi ông mất mới được người dân gọi là “Thần Luông” mà ông đã được gọi như vậy từ thời kháng chiến. Hiện nay, người dân vẫn tôn kính ông như một vị thần. Thánh tịnh Thanh Long Tràng Võ là của dòng họ xây dựng nên hiện đang thờ cúng cha tôi và những người anh hùng, liệt sỹ trong dòng họ”.

Tin nổi bật