Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton cho biết, thiết lập một hệ thống ngăn chặn trong không gian mạng giống như trong lĩnh vực hạt nhân là một logic cực kỳ nguy hiểm.
Đặc phái viên Tổng thống Nga - Andrei Krutskikh cho biết, “Tình huống khi hai chàng cao bồi chĩa súng vào nhau trong trong không gian mạng là bất thường. Chúng tôi sẵn sàng bỏ súng xuống, nếu họ cũng làm như vậy. Tuy nhiên, cho đến giờ, căng thẳng vẫn tiếp tục gia tăng”. Ông hy vọng "chúng ta nên thống nhất với nhau, và cùng tạo điều kiện cho nhau”.
Đặc phái viên Tổng thống Nga - Andrei Krutskikh. - Ảnh: RT. |
Trước đó, giữa 2 nước đã có rất nhiều mâu thuẫn liên quan tới “cuộc chiến” trên không gian mạng.
Năm 2014, Mỹ cáo buộc 2 nhân viên tình báo Nga và 2 tin tặc đã gây ra vụ xâm nhập vào hệ thống mạng dữ liệu của Yahoo, đánh cắp 500 triệu tài khoản.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, đối tượng bị tấn công tài khoản email là các nhà báo, chính trị gia Nga thuộc phe đối lập; các cựu quan chức chính phủ ở các nước xung quanh Nga; một số nhân vật trong bộ máy công quyền Mỹ và thậm chí là tấn công mạng nhân viên Nhà Trắng.
Chiến dịch tấn công mạng trên bắt đầu vào đầu năm 2014 và đến năm 2016, tin tặc đã mất quyền truy cập. Tuy nhiên, các tin tặc vẫn tiếp tục sử dụng thông tin đánh cắp cho đến tận cuối năm 2016.
Quyền trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mary McCord tại buổi họp báo công bố các cáo buộc với 2 nhân viên tình báo Nga và 2 tin tặc - Ảnh: AP. |
Tháng 11/2016, tin tặc được biết với tên “Guccifer 2.0” mà giới chức Mỹ cho là thuộc mặt trận ngoại vi của tình báo Nga, đã đăng lời đe dọa sẽ theo dõi cuộc bầu cử Mỹ “ngay trong lòng hệ thống”.
Trước đó NBC News ngày 3/11 đưa tin chính phủ Mỹ đang tập trung nguồn lực để đối phó với những mối đe dọa tấn công mạng nhằm vào các hệ thống liên quan đến cuộc bầu cử Mỹ ngày 8/11/2016. Đây là điều chưa có tiền lệ trong các cuộc bầu cử tổng thống.
Mỹ nhiều lần cáo buộc Nga tấn công mạng nhằm tác động đến cuộc bầu cử Mỹ, tuy nhiên chính phủ Nga bác bỏ cáo buộc này.
Tin tặc Marcel Lehel Lazar, 44 tuổi, với biệt danh trên mạng là Guccifer - Ảnh: Arstechnica. |
Vào giữa tháng 10/2017, lần đầu tiên Hoa Kỳ cáo buộc Nga tổ chức tấn công mạng nhắm vào nước này và đưa ra lời đe dọa trả đũa gần như công khai.
Những cái đầu nóng đã làm tình hình căng thẳng đến độ đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vitaly Churkin khẳng định quan hệ giữa hai cường quốc này đã trở nên xấu nhất kể từ năm 1973 đến nay.
Hai tổng thống Hoa Kỳ và Nga đã gặp gỡ trong khuôn khổ Hội nghị G20 ở Trung Quốc. Một trong những đề tài thảo luận là an ninh mạng - Ảnh: AFP. |
Giới chức quân đội Mỹ thường khẳng định Mỹ đang sở hữu khả năng lực trong không gian mạng tiên tiến nhất trên thế giới, nhưng không nêu chi tiết về các vũ khí kỹ thuật số bí mật của mình.
Chuyên gia James Lewis của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược Mỹ (CSIS) cho biết Mỹ nhiều năm qua vẫn xâm nhập vào hệ thống hạ tầng của các nước như Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên, tương tự chiến dịch trinh sát trong quân sự.
Quan chức Mỹ lâu nay vẫn công khai nói rằng Nga, Trung Quốc và các nước khác từng len lỏi vào các hệ thống hạ tầng quan trọng của Mỹ và để lại những những phần mềm độc hại. Nhiều người tin rằng Mỹ cũng hành động tương tự.
Các quân nhân Mỹ trong một đơn vị phòng thủ tấn công mạng đang làm nhiệm vụ - Ảnh: Reuters. |
Bình luận ý kiến của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton về việc thiết lập một hệ thống ngăn chặn trong không gian mạng giống như trong lĩnh vực hạt nhân, ông Krutskikh nhấn mạnh, “đó là một logic cực kỳ nguy hiểm”. “Những người muốn áp dụng khái niệm học thuyết đánh chặn vào không gian mạng cần phải biết rằng, đó là một cuộc chạy đua bất khả thi”, ông nói.
Theo ông, vũ khí hạt nhân và không gian mạng hoàn toàn khác biệt. Vì vậy, những gì phù hợp cho lĩnh vực này không thể tự động đem vào lĩnh vực kia. “Đối lập lại, trong không gian mạng, lợi ích không thể được tạo ra từ sự tranh đua của các siêu cường, mà phải thông qua các biện pháp xây dựng lòng tin, minh bạch, cũng như sự hợp tác và tham gia của càng nhiều nước càng tốt”, ngài đặc phái viên chỉ ra.
NGUYỄN QUỲNH (T/h)