Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Trạm cân lưu động: Cân hỏng, tài “né”, “cò” lộng hành

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Ra quân bắt đầu từ 1/4/2014, đến nay sau hơn nửa tháng thực hiện, vẫn còn quá nhiều vấn đề bất cập xung quanh việc sử dụng các "trạm cân lưu động"...

(ĐSPL) - Ra quân bắt đầu từ 1/4/2014, đến nay sau hơn nửa tháng thực hiện, vẫn còn quá nhiều vấn đề bất cập xung quanh việc sử dụng các "trạm cân lưu động"...
Nhằm "siết" tình trạng phương tiện vận tải đường bộ vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải, Tổng cục Đường bộ đã bàn giao 63 bộ cân lưu động cho 63 địa phương triển khai công tác kiểm tra tải trọng xe. Ra quân bắt đầu từ 1/4/2014, đến nay sau hơn nửa tháng thực hiện, vẫn còn quá nhiều vấn đề bất cập xung quanh việc sử dụng các "trạm cân lưu động"...
Chưa cân đã... hỏng?
Vừa qua, vào ngày 15/4, Sở GTVT Bình Định đã lắp đặt, đưa vào sử dụng trạm kiểm tra tải trọng lưu động trên quốc lộ 1A. Trạm được đặt tại địa phận xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước. Tuy nhiên, chỉ sau hơn một ngày đưa vào sử dụng bộ cân lưu động đã buộc phải tạm ngừng hoạt động do lỗi kĩ thuật. Trao đổi với PV, ông Trần Châu, Giám đốc Sở GTVT Bình Định xác nhận: "Trạm cân lưu động ở xã Phước Lộc do mặt đặt thiết bị cân tự động chưa đạt tiêu chuẩn, khi xe chạy qua thiết bị cân bị chập chờn không chính xác. Hiện chúng tôi đã chuyển trả cả bộ thiết bị cho cục Đường bộ".
Trong khi đó, tại Quảng Trị, sau hai tuần đưa vào hoạt động, trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động trên tuyến QL9 cũng đã xuất hiện rất nhiều bất cập. Điển hình là trường hợp các loại xe tải có xuất xứ từ Lào. Mặc dù, được thiết bị cân nhận diện khá chính xác về tải trọng tuy nhiên thiết bị lại không thể trích xuất được biển số xe lên phiếu cân. Lý giải về điều này, ông Trần Tuấn Anh (Phó trưởng trạm kiểm tra tải trọng lưu động số 63) cho biết: "Khi xe vào bàn cân, thiết bị cân sẽ có 02 camera, camera I dùng để soi biển số để in lên phiếu cân, camera II chụp tổng thể xe. Tuy nhiên, biển số Lào được chế tạo phản quang và màu sắc khác của Việt Nam nên máy không thể trích xuất lên phiếu cân".
Không chỉ thiết bị cân có dấu hiệu bị hỏng hóc, việc xảy ra "sai số" trong quá trình cân trọng tải xe cũng là một vấn đề làm cho cơ quan chức năng đau đầu. Theo tường trình của tài xế Đặng Thái Bình, xe tải BKS 72C-019.89 nhận hợp đồng chở 25 tấn mực khô xuất khẩu cho công ty TNHH Hoa Nam (trụ sở tại Bình Dương) đến cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn). Số hàng hóa trên xe được bảo quản lạnh, thùng hàng được niêm phong, kẹp chì ngay sau khi giao nhận hàng.
 Các trạm cân lưu động vắng như chùa Bà Đanh.
Trên quãng đường từ Bình Dương đến Quảng Bình, xe đã được cân trọng tải lưu động tại các tỉnh và đều có trọng tải cho phép. Lần gần nhất là vào lúc 13h ngày 15/4, xe được cân tại Quảng Ngãi, kết quả thì tải trọng bộ trục là 44,71 tấn. Tuy nhiên, khi cân tại trạm cân lưu động ở Cầu Gianh kết quả lại sai lệch hoàn toàn: Lần cân thứ nhất lúc 2h13’ sáng 16/4 thì tải trọng 52 tấn (vượt quá trọng tải 8,4\%); lần cân thứ hai sau đó 20 phút đạt 50 tấn (vượt quá 5,5\%); lân cân thứ ba lúc 8h32’ là 51,17 tấn (vượt quá 8,9\%). Anh Bình bị CSGT Quảng Bình xử phạt 900.000 đồng và thu giữ bằng lái một tháng. Vì quá bức xúc nên 10h ngày 16/4, tài xế đã lái xe vào trạm cân điện tử 180 tấn trên đường tránh TP. Đồng Hới để cân đối chứng. Kết quả ở trạm cân này cho thấy xe có tải trọng là 47,3 tấn. Tài xế Bình khẳng định: "Kết quả ở trạm cân trên đường tránh TP. Đồng Hới gần đúng với kết quả của trạm cân xe ở Quảng Ngãi. Như vậy, có thể thấy cân của trạm cân xe lưu động ở Quảng Bình có vấn đề khiến chúng tôi bị xử phạt oan". Trả lời về sự việc trên, ông Trần Hồng Phong, tổ phó tổ cân xe sáng 16/4 cho biết: "Chúng tôi chỉ là người cân xe, còn cân thì do cấp trên trang bị và đã được kiểm định rồi, nên chúng tôi không biết cân có sai hay không?!".
Tài xế "né cân", "cò" trạm lộng hành?
Bên cạnh khó khăn về trang thiết bị các lực lượng chức năng còn "đau đầu" trước những "chiêu thức" đối phó của cánh lái xe. Với lỗi chở quá tải trọng mức phạt thấp nhất từ 4 triệu đến 6 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 tháng, nên cánh lái xe thường "nháy" cho nhau biết trạm cân đang đặt ở đâu để "né".
Từ ngày 1/4 đến nay, trên QL1 có rất nhiều xe tải xếp hàng. Các tài xế cho xe tải núp trong các cây xăng, quán cơm, đậu thành từng nhóm cả chục xe trong các bãi đất trống gần trạm cân để "canh me" cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông nghỉ giữa ca hoặc đợi ban đêm khi trạm kiểm tra không làm việc là cho xe vọt qua trạm... Trong khi đó, QL5 những ngày qua chỉ lác đác những chiếc xe đầu kéo chở thùng container rỗng hoặc chở hàng nhẹ. Riêng số xe chở container 40 feet có trọng lượng từ 24-28 tấn, xe bồn chở hóa chất, hàng rời như sắt, thép, xi măng... đều "án binh" xếp dài trên đường.
Xe tải phủ bạt "neo" lại các trạm xăng, hàng quán chờ... thời.
Không chỉ "neo xe, né trạm", cánh tài xế còn tỏ thái độ bất hợp tác với lực lượng làm nhiệm vụ. Cá biệt, có lái xe khi bị "bắt quá tải", đã cố ý phá hỏng cả trạm cân. Điển hình vào chiều 1/4 tại trạm cân TC 05 trên đường 356 Đình Vũ, Hải An (Hải Phòng) tài xế Nguyễn Văn Pháp đã điều khiển xe ôtô BKS 15C-05618 tăng tốc độ đâm đổ hàng rào dẫn vào thiết bị cân rồi bỏ chạy, khiến hệ thống trạm cân điện tử bị phá hỏng.
Cũng trong mấy ngày gần đây, đường dây nóng của báo Đời sống và Pháp luật liên tục nhận được phản ánh của cánh tài xế về tình trạng "cò" lộng hành tại các trạm cân lưu động. Một lái xe ở Bình Định cho biết, từ khi trạm An Mỹ (huyện Tuy An, Phú Yên) đưa vào hoạt động đã xuất hiện nhiều đối tượng "lởn vởn" quanh khu vực này để cò mồi tài xế. Theo đó, nếu tài xế chịu chi tiền, "cò" sẽ ghi lại biển số xe, rồi thỏa thuận với nhân viên trạm cân để xe có thể "ung dung" qua trạm mà không gặp phải bất cứ phiền toái nào.
Phương thức "cò" sử dụng là nhận tiền trực tiếp từ tài xế, sau đó "giao dịch" với nhân viên qua điện thoại, chi phí qua trạm cho mỗi xe từ 800 ngàn đồng đến 1 triệu đồng, tùy theo loại xe. Nếu không kham nổi phí "mãi lộ", tài xế vẫn còn một phương án khác để qua trạm cân. Đó là chi từ 80-100 ngàn đồng/xe, để "cò" dẫn đường cho xe đi hướng khác nhằm né trạm cân. Tuy nhiên, khi phát hiện lực lượng chức năng, các đối tượng "cò" cũng biến mất. Trao đổi với báo chí, ông Võ Ngọc Kha (Phó Giám đốc Sở GTVT Phú Yên) cho biết: "Chúng tôi sẽ đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra vấn đề "chung chi" nêu trên, nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm".
Trong khi đó, cánh lái xe chỉ còn nước "khóc ròng" với những diễn biến tréo ngoe ở các trạm cân lưu động. Anh Phạm Tất Đạt (32 tuổi, lái xe ở Bình Định) cho biết: "Một chuyến xe chở dưa từ miền Trung ra đến cửa khẩu Tân Thanh nếu chở đủ "tải" thì giá cước lên đến 4 triệu đồng/tấn. Nhưng bà con chỉ "kham" nổi mức cước 2,8 triệu đồng/tấn. Vì thế, chúng tôi chỉ còn bù lỗ bằng cách chở quá tải. Tuy nhiên, nếu bị lực lượng chức năng phát hiện lập biên bản sẽ bị phạt nặng nên chúng tôi chỉ còn cách "né" hoặc cắn răng "chung chi" để được yên thân mà thôi...  
Thiết bị cân nhập từ... đa quốc gia!?
Một bộ cân trị giá hơn 2 tỷ đồng nhưng vừa mới đưa vào sử dụng hàng loạt thiết bị đã xuất hiện "lỗi". Xuất hiện thông tin cho rằng việc trạm cân di động được làm từ các thiết bị nhập khẩu từ Trung Quốc nên thiếu chính xác. Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Bình, Tổng Giám đốc Công ty Hanel khẳng định: "Thiết bị chính trong trạm cân được nhập khẩu từ châu âu, Nhật Bản, Canada; chỉ có bóng đèn led được nhập khẩu của Trung Quốc. Bàn cân được Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng cấp giấy phép kiểm định, mà theo đó trạm cân của Hanel đạt độ chính xác 0,5\% đạt tiêu chuẩn, yêu cầu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam".

Tin nổi bật