Trường hợp người mẹ sau khi sinh có thể bị trầm cảm dẫn đến làm nhiều hành vi nguy hiểm cho gia đình và em bé đã được các chị em chia sẻ kinh nghiệm để mọi người sớm nhận biết.
Trước vụ bà mẹ trẻ Phan Thị Trinh nghi sát hại con sơ sinh mới 33 ngày tuổi ở Thạch Thất, Hà Tây gây rúng động dư luận, báo chí đã từng đưa tin về một số vụ việc thảm thiết tương tự mà người mẹ cũng bị cho rằng mắc chứng trầm cảm như: Vụ hai mẹ con cùng treo cổ chết trong nhà vệ sinh ở Bình Thuận hồi tết Đinh dậu vừa qua; Mẹ giết con nhỏ rồi tự sát hôm mồng 3 tết năm ngoái ở Tp HCM hay vụ bà mẹ ở Hải Dương ép 2 con uống thuốc diệt cỏ rồi tự tử theo hồi tháng 4/2016. Trên các diễn đàn và mạng xã hội, nhiều bà mẹ cho rằng nguyên nhân là chứng trầm cảm sau sinh, đồng thời chia sẻ trải nghiệm đáng sợ về hội chứng này.
Bà mẹ bị trầm cảm có nguyên nhân chính đến từ người chồng và gia đình. |
Một chị có nick ruabe viết: "Mình thì không mắc chứng bệnh này sau sinh nhưng mình chứng kiến em họ mình. Sau khi sinh xong, em ý vui buồn thất thường. Có lúc ôm con khóc hu hu, mà trước đó không hề xảy ra việc gì nhé.
Khi mẹ chồng hỏi gì tự nhiên cứ xin lỗi, mặc cảm với mọi việc, tự cho mình sai... Sau thời gian đó, chồng em ý cũng tham khảo các nơi, về chăm vợ, gần gũi, trò chuyện, rủ vợ đi chơi, thư giãn, dần dần em ý mới trở lại nhịp sống bình thường đấy các mẹ ạ."
Bác sĩ tâm lý thăm khám cho bệnh nhân bị trầm cảm sau sinh. |
Một chị khác lại lo lắng: "Cùng phòng mình cũng có 1 bé bị trầm cảm sau khi sinh, bỗng dưng chán nản, sợ tiếng khóc của con, không muốn gần con... sau phải đi bác sĩ tư vấn, uống thuốc một thời gian mới khỏi. Thấy vậy mình cũng lo vì mình đang có bé thứ 2, không biết sau khi sinh có bị rơi vào trường hợp này không. Mình cũng hay cáu gắt mà không rõ lý do, tự dưng thấy bực vậy thôi, cảm xúc hay thay đổi thất thường."
Một bà mẹ mới sinh con gái tên là Na lại chia sẻ: "Mình cũng từng gặp vấn đề này khi sinh bé đầu. Nguyên nhân là do bé biếng ăn, chậm lớn. Ông xã lại không thông cảm, cứ trách là ko biết nuôi con và so sánh mình với các bà mẹ khác. Lúc đó mình thường xuyên mất ngủ, hay khóc vào ban đêm và cũng có lúc nghĩ tới chuyện tự tử.
May lúc đó mình tâm sự với 1 người bạn và chị ấy đã cho mình biết căn bệnh của mình, mình đã lên mạng tìm hiểu rất nhiều, từ từ mình đã cải thiện được tình trạng này.
Đến khi chuẩn bị sinh bé thứ 2, mình đã tâm sự về bệnh này với ông xã nên đã được ông xã quan tâm, chia xẻ và thông cảm hơn. Điều này rất quan trọng, nó giúp mình giảm stress rất nhiều và vì thế mà việc chăm so`c bé thứ 2 trở nên thoải mái và dễ dàng hơn nhiều dù rằng bé vẫn biếng ăn và hơi còi."
Mẹ bé Nhím thì vẫn còn sợ khi nhớ lại giai đoạn mình từng bị trầm cảm sau khi sinh con: "Sau khi sinh con mình cũng từng bị trầm cảm. Giờ nghĩ lại thật đáng sợ.
Đêm đầu tiên mình vào nhà vệ sinh ôm mặt khóc nức nở mất gần 1 tiếng, mặc dù vừa sinh xong cơ thể còn rất mệt mỏi, may mà ông xã mệt quá ngủ say nên không biết. Mình thấy thương con và trách mình, mình lo sợ mình không có kinh nghiệm gì cả thì sẽ không thể chăm sóc cho con tốt. Việc mình bị tắc tia sữa cũng làm cho mình cảm thấy chán nản chính bản thân mình. Cứ thể mình khóc đến nỗi 2 mắt sưng mọng lên. Khóc xong mình lại ngồi cả đêm để cố gắng vắt sữa bằng tay, vừa thấy tủi thân, vừa giận mọi người một cách vô cớ, nên dù rất mệt mình nhất quyết không đi ngủ, vừa ngồi vắt từng giọt sữa, vừa nghĩ lung tung.
Thật may ông xã làm trong ngành y, lại lần đầu có con nên rất quan tâm chăm sóc 2 mẹ con mình. Nhưng khổ sở cho mẹ chồng mình, bởi mẹ chính là người phải hứng chịu nhiều nhất những tính khí khó chịu của mình mà trước đó mình không bao giờ như thế."
TS Dương Minh Tâm, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, vẫn luôn theo dõi diễn biến vụ việc bà mẹ sát hại con sơ sinh 33 ngày tuổi ở Hà Nội vừa qua. |
Theo TS Dương Minh Tâm, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, trầm cảm sau sinh là bệnh lý những năm gần đây xuất hiện nhiều, có xu thế tăng lên, đã có những thống kê các bà mẹ trầm cảm sau sinh có hiện tượng giết con, rồi mới tự sát.
Trầm cảm sau sinh khác loạn thần sau sinh. Loạn thần sau sinh có thường hành vi nguy hiểm với chính bản thân mình hoặc người xung quanh còn trầm cảm sau sinh, nếu ở mức độ nặng thường có ý tưởng tự sát. Trước khi tự sát thường giết người thân hoặc giết người có ảnh hưởng trực tiếp đến mình.
Một loại nữa là phản ứng nhất thời sau sinh. Đó là xuất hiện những người bình thường, có bực tức gì đó với gia đình nhà chồng, ai đó, nhất thời có hành vi dại dột.
Với trường hợp người mẹ ở Thạch Thất, Hà Nội, vị chuyên gia về tâm thần học này cho rằng, hiện tại, với thông tin báo đài đưa tin, ông không dám đưa ra chắc chắn chẩn đoán gì cho người này.
“Tuy nhiên, tôi thấy không phù hợp lắm với trầm cảm sau sinh” – TS Tâm nói.
“Trong trường hợp này bà mẹ chỉ giết con thôi, còn không làm hại mình thì tôi nghĩ là không phải trầm cảm sau sinh. Bên cạnh việc giết con, người bệnh lại để lại bằng chứng mang tính hận thù liên quan người khác (bố chồng), thông tin này càng bổ sung, củng cố cho nhận định trường hợp này không phải là trầm cảm sau sinh” – TS Tâm cho hay.
Trong khi đó, TS Tâm lại nghĩ đến hai hướng khác: Một là người bệnh có loạn thần sau sinh, họ có hoang tưởng, ảo giác, nó liên quan đến người mà tên hận thù mà họ viết ra. Hoặc là phản ứng tâm lý nhất thời sau sinh, có tức tối, mâu thuẫn làm bệnh nhân bộc phát và có hành động dại dột.
Kết luận chung của cả người trong cuộc lẫn chuyên gia y tế đều thống nhất rằng: Gia đình và người chồng đóng vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa và điều trị chứng trầm cảm sau sinh ở phụ nữ. Nếu người phụ nữ, nhất là những người lần đầu làm mẹ, được chồng và gia đình quan tâm chăm sóc đầy đủ, nhận được sự chia sẻ cảm thông thì căn bệnh trầm cảm sẽ chẳng bao giờ có thể bén mảng đến làm phiền gia đình nhỏ bé của bạn.
Minh Minh