Chia sẻ với BBC, gia đình Parvez-Akhtar cho biết họ đã đăng ký nhận Kỷ lục Guinness Thế giới để tạo ra "một sự tích cực" sau nhiều năm bị bắt nạt vì có quá nhiều người bị mắc bệnh bạch tạng. Theo đó, gia đình Parvez-Akhtar đã được công nhận vào tháng 5/2021 là gia đình có nhiều người mắc bạch tạng nhất thế giới.
Được biết, bệnh bạch tạng là căn bệnh ảnh hưởng tới khả năng sản xuất melanin trong cơ thể và những người mắc bệnh này có thể có làn da nhạy cảm hơn, dễ bị cháy nắng và gặp nhiều vấn đề về mắt, bao gồm cả thị lực kém.
Bà Naseem Akhtar, 42 tuổi, người con lớn trong gia đình, hy vọng câu chuyện về gia đình bà sẽ giúp những người khác vượt qua những khó khăn của chính họ. Nói thêm với BBC, bà Akhtar mong muốn giúp "cuộc sống của những người mắc bệnh bạch tạng trở nên dễ dàng hơn".
Gia đình chị Akhtar có nhiều anh chị em mắc bệnh bạch tạng. Ảnh: BBC
Bà tâm sự: "Làn da của tôi có màu sắc khác hoàn toàn so với các cô chú và bà của tôi. Sự khác biệt này khiến tôi cảm thấy mình như người ngoài và nó đã ảnh hưởng tới sự tự tin cũng như lòng tự trọng của bản thân tôi. Mọi thứ đã rất khó khăn với tôi, danh tính là một vấn đề rất lớn, đặc biệt với bản thân tôi. Là người châu Á nhưng không có vẻ ngoài giống người châu Á, đó là một điều rất nặng nề".
Cha mẹ của bà là Aslam và Shameem, đều 65 tuổi, sinh ra ở Pakistan cũng được xác định mắc bạch tạng và đã lây truyền sang các con của họ, trong độ tuổi từ 42 đến 27.
Anh Mohammed Rafi, 27 tuổi, là em út trong gia đình. Anh nói rằng họ đã được hỗ trợ rất nhiều khi còn nhỏ và cha mẹ họ đã khuyến khích họ tự lập. Anh chia sẻ: "Về cơ bản, trường chúng tôi có mạng lưới nhân viên luôn hỗ trợ chúng tôi bất cứ điều gì. Dù vậy, việc bắt nạt vẫn diễn ra. Tuy nhiên, khi tôi lên đại học, mọi thứ đã hoàn toàn chấm dứt. Tôi nghĩ có lẽ vì nhiều người hiểu hơn về nạn bắt nạt và nhận thức về chủng tộc và mọi thứ - điều đó vốn đã dần dần biến mất trong suốt thời gian tôi còn nhỏ".
Minh Hạnh (Theo Eastern Eye)