Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Trà pha bằng hóa chất đang đầu độc giới trẻ

(DS&PL) -

Trà đỏ, trà xanh, trà đào, trà sữa... được lớp trẻ sử dụng nhiều, được xem là thức uống “đường phố” có sức hút mãnh liệt, từ trong quán cho tới các hàng nước vỉa hè.

Trà đỏ, trà xanh, trà đào, trà sữa... được lớp trẻ sử dụng nhiều, được xem là thức uống “đường phố” có sức hút mãnh liệt, từ trong quán cho tới các hàng nước vỉa hè. Dù vậy, ít ai biết rằng, nhiều cơ sở đang bán thức uống “đường phố” với các loại nguyên liệu hết sức tù mù.

Vui uống nguyên liệu trà của... cơ sở “ma”?

Ngoài các loại bột, hương vị trôi nổi, nhiều người làm ăn gian dối đã hô biến các loại nguyên liệu không nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác... được vận chuyển từ Trung Quốc về nước, giả thành bột của Thái, Singarpore, Hàn Quốc... cung cấp cho các điểm bán hàng. Trong số các cơ sở đóng gói, nhãn hiệu của Tường Linh được phân phối ở chợ Bình Tây và chợ Thủ Đức nhiều cửa hàng tạp hóa, các điểm bán trà thu mua pha bán cho người sử dụng.

Hiện trên thị trường đang có rất nhiều các loại nguyên liệu trà không rõ nguồn gốc, người tiêu dùng nên tìm các địa chỉ uy tín để mua.

Anh Thái, người từng làm công cho cơ sở Tường Linh, quận 12, TP.HCM cho biết, cơ sở này chuyên thu mua các loại bột trên thị trường, dạng bao tải về đóng gói thành các sản phẩm của nước ngoài rồi cung cấp cho các quán tạp hóa, sạp ở chợ và các điểm chuyên bán trà các loại.

“Tôi làm ở bộ phận đóng gói thành phẩm. Cứ 1 tuần là có xe chở nguyên liệu tới. Các loại bao đã in sẵn tên sản phẩm bằng tiếng nước ngoài, chủ yếu là của Hàn Quốc và Thái Lan, chúng tôi cứ thế bỏ bột vào cho đúng trọng lượng, loại 200g, 500g, 1kg rồi dán keo. Cứ 10kg là đóng thành thùng, chờ người đi giao hàng”. Sau một hồi thuyết phục, hứa sẽ đổi tên, Thái mới đồng ý cho PV địa chỉ của cơ sở này tại số 59/6, đường TTH 13, phường Tân Thới Hiệp, quận 12.

Tuy nhiên, tìm đến đường TTH 13, PV thất vọng vì không có địa chỉ nào như trên. Ông Trần Văn Tuất, Tổ trưởng tổ 20, phường Tân Thới Hiệp, quận 12, phụ trách con đường này cũng xác nhận không hề có địa chỉ nào như vậy.

PV liên lạc trở lại, Thái cho biết: “Đó là một ngôi nhà màu xanh, gần số 59 đường TTH 13”. PV tìm thấy ngôi nhà như Thái mô tả nhưng bước vào thì chị Hà, chủ nhà cho biết: “Ở đây không có sản xuất hay liên quan gì đến các loại nguyên liệu trà. Chỉ là nơi ở của gia đình”.

Mặc dù không biết rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm của cơ sở Tường Linh nhưng nhiều nơi vẫn sử dụng, còn các thượng đế vui vẻ uống trà sữa pha từ nguyên liệu của cơ sở “ma”. Ông Tuất khẳng định với PV sẽ tìm kiếm cơ sở Tường Linh, nếu cơ sở này “đóng” trên địa bàn sẽ báo cơ quan chức năng.

Nhộn nhịp chợ hóa chất

Ngoài các chợ, cửa hàng tạp hóa, sôi động nhất là shop online đang chào bán đầy rẫy các loại nguyên liệu này. Điển hình như trà Thái, giá 75.000 – 100.000 đồng/gói 200g, loại trà Thái xanh. Còn trà đỏ Thái có giá chỉ 75.000 đồng/gói 400g... Điều đáng nói, trên bao bì có loại chỉ ghi toàn tiếng nước ngoài (Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc...), không có bất cứ thông tin nào về ngày sản xuất, hạn sử dụng và nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Nhưng dễ mua nhất phải kể đến chợ hóa chất Kim Biên và chợ Bình Tây (quận 5, 6, TP.HCM). Tại đây có đầy đủ nguyên liệu cho người cần làm các loại thức uống “đường phố”. Tìm đến cửa hàng của bà Huệ, PV có thể mua được đầy đủ nguyên liệu để chế biến các loại trà với giá rất rẻ. Điển hình, nguyên liệu làm trà sữa giá chỉ 25.000 đồng/bịch, loại 1kg.

Ly trà đang gây sốt ẩn chứa nhiều nguy cơ cho sức khỏe người dùng.

Bà Huệ cho biết: “Loại này nhiều chất béo, dùng để pha trà bình dân. Còn có nhiều loại bột khác, giá khác nhau, mắc nhất cũng chỉ 50.000 – 60.000 đồng/kg”. Đây là loại bột đựng trong các bao lớn, khách mua bao nhiêu, chủ tiệm sẽ lấy ra và bán lẻ, không có nhãn mác, hạn sử dụng. “Những loại này người ta dùng cả năm trời không hư đâu(?)”, bà Huệ khẳng định.

Bên cạnh những nguyên liệu nói trên, tại chợ Kim Biên không khó để mua được hóa chất làm các loại hương vị dâu, vải, trà, cam... giá chỉ từ 150 – 400 ngàn đồng/kg. Quan sát của PV cho thấy, các can đựng hương vị đều không có nhãn mác, chỉ ghi là hương gì và đặt trên các kệ hàng. Khách có nhu cầu mua thì sẽ được chiết sang loại bình nhỏ hơn.

“Chỉ cần vài giọt là cả lít nước sẽ có mùi trái cây ngay. Có thể dùng trực tiếp hoặc pha chế với các loại nước khác”, người bán hàng tên Bình nói.

Chị Thuyên đang bán các loại thức uống “đường phố” tại đường Quang Trung, quận Gò Vấp, TP.HCM tiết lộ, để làm các loại trà gắn mác nhà làm không khó. “Sau khi đun sôi nước thì chế bột béo, khuấy đều rồi cho thêm bột tạo ngọt và đường. Tiếp tục cho thêm lượng bột trà phù hợp, đun sôi lần nữa và để nguội, rồi cho vào ngăn mát tủ đông. Chừng 2 – 3 giờ sau lấy ra bán với giá 10.000 đồng/ly. Tính ra, mỗi ly có vốn chừng 2.000 – 3.000 đồng”, chị Thuyên chia sẻ.

Theo bác sỹ Trần Văn Ký, phụ trách văn phòng phía Nam, hội Khoa học kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam: “Thực chất, thành phần của các loại trà này là bột trà, cộng hương liệu, chất béo... và các loại phụ gia khác. Do chỉ nghĩ đến lợi nhuận, nhiều cơ sở, điểm bán hàng đã đánh lận con đen, không dùng các loại nguyên liệu tự nhiên. Nếu sử dụng thường xuyên, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, đặc biệt là liên quan tới gan, thận...”.

Tăng kiểm tra, kiểm soát

Ông Nguyễn Văn Bách, Chi cục phó chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết: Các loại nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ trong thực phẩm nói chung và các loại trà, thời gian qua cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt giữ một số vụ. Do vậy, thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường sẽ nắm chắc diễn biến thị trường, hàng hóa... đồng thời, sẽ tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra, kiểm soát tại các địa điểm thường được các đối tượng sử dụng, ví như các chợ đầu mối Bình Tây, chợ Thủ Đức nhằm ngăn chặn mặt hàng độc hại này.


Thanh Tùng

Tin nổi bật