Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

TP.HCM: Vợ vay nặng lãi, chồng cùng 3 con cầu cứu vì bị "khủng bố"

(DS&PL) -

Chỉ từ khoảng vay nặng lãi 50 triệu đồng, chị Phương đã phải bán 2 căn nhà trị giá 8,7 tỷ đồng để trả nhưng vẫn chưa dứt được nợ.

Chỉ từ khoảng vay nặng lãi 50 triệu đồng, chị Phương đã phải bán 2 căn nhà trị giá 8,7 tỷ đồng để trả nhưng vẫn chưa dứt được nợ. Giờ đây, chị Phương phải bỏ trốn, nhà mẹ chồng và quán ăn nơi chồng làm việc lại bị đối tượng cho vay nặng lãi quăng mắm tôm và tạt sơn để đe dọa.

Bán 2 căn nhà tiền tỷ vẫn không trả hết nợ gốc 50 triệu

Trao đổi với PV, anh Nguyễn Văn Hùng (SN 1978, ngụ khu phố 18, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM) phẫn nộ cho biết: “Một đường dây xã hội đen chuyên cho vay nặng lãi tại quận Bình Tân đã đẩy gia đình tôi lâm cảnh tan cửa nát nhà, vợ xa chồng, con vắng mẹ, học hành đứt đoạn”.

Đơn cầu cứu và các giấy vay nợ, trả nợ của chị Phương đối với các chủ nợ

Anh Hùng trình bày: “Vào cuối năm 2016, vợ tôi là Đỗ Ngọc Hoài Phương (SN 1979) có mượn của nhóm chuyên cho vay nặng lãi số tiền 50 triệu đồng với lãi suất 20%/1 tháng. Do giấu chuyện “vay nóng” với người thân nên mỗi khi không có tiền trả lãi, vợ tôi lại xin trả nợ chậm cho chủ nợ. Với ý định biến vợ tôi thành con nợ “dài hạn”, các chủ nợ đều đồng ý cho trả chậm nhưng phải chấp nhận điều kiện là số nợ gốc tăng lên gấp nhiều lần. Từ đó, số nợ gốc và lãi cứ tăng lên “phi mã”. Mỗi khi biết vợ tôi không có tiền trả lãi, chủ nợ lại giới thiệu người cho vay. Thực tế, người cho vay sau vẫn chung đường dây với nhau.

Cứ thế, vợ tôi lại vay chủ nợ sau trả cho chủ nợ trước. Cứ thế, chỉ trong thời gian hơn 1 năm, số chủ nợ đã lên trên 20 người. Số nợ gốc và lãi thời điểm này đã lên hàng tỷ đồng. Khi vợ tôi không thể trả nổi số tiền lãi ngày càng lớn, các chủ nợ kéo đến nhà tìm vợ để đòi nợ, tôi và người thân mới biết chuyện. Thực tế, khi vợ tôi vay nợ, tôi và người thân không ai hay biết”.

Do chị Phương bị các đối tượng cho vay nặng lãi đe dọa “đòi lấy mạng” nếu không tiếp tục trả lãi, anh Hùng sau đó phải bán 2 căn nhà trị giá 8,7 tỷ đồng để có tiền đưa cho vợ trả nợ. “Mặc dù tôi đã bán hết tài sản nhưng vợ tôi vẫn không thể trả dứt nợ và mỗi ngày số lãi ngày càng “phình to”. Vào đêm ngày 9/11 vừa qua, vì bị “khủng bố” tinh thần và dọa "chém lấy mạng", quậy phá nơi làm việc, vợ tôi đã phải bỏ trốn”, anh Hùng kể lại.

Quăng mắm tôm, tạt sơn đe dọa để đòi nợ

Trước sự việc bất ngờ, anh Hùng liền báo cho gia đình sui gia bên vợ để tìm cách giải quyết. Anh Hùng cho hay: “Vì không muốn vợ tôi phải sống cảnh trốn chui, trốn lủi và không biết bị lấy mạng lúc nào, thím tôi cùng cô út qua nhà bàn bạc và cùng thống nhất bỏ tiền để trả nợ cho vợ tôi. Sau đó, gia đình chúng tôi đã mời các chủ nợ đến xin trả nợ và với điều kiện trả 50/50 thì có một số chủ nợ đồng ý, còn lại 4 người không chịu cho chúng tôi trả dứt nợ. Những chủ nợ này gồm: Long, Thuận, Thủy, Hùng”.

“Cho nên tới ngày 17/11, một trong những đối tượng cho vay nặng lãi đã quăng mắm tôm và sơn vào gia đình cha mẹ tôi tại đường Tân Kỳ Tân Quý, khu phố 17, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân và quán ăn nơi tôi đang làm việc tại Đường số 12, khu phố 18, phường Bình Hưng Hòa”, anh Hùng nói.

Một trong các chủ nợ đã quăng mắm tôm và tạt sơn vào nhà cha mẹ anh Hùng và quán ăn nơi anh Hùng đang làm việc

Theo lời anh Hùng, anh và người thân trong gia đình không vay mượn của ai một đồng, việc vay nợ là của một mình chị Phương. “Việc tôi và người thân bị các đối tượng cho vay nặng lãi đe dọa, quăng mắm tôm, tạt sơn, thậm chí còn nói xấu trên mạng xã hội là hành vi không thể chấp được. Cha mẹ cùng gia đình tôi sống tại mảnh đất này, chưa từng có tai tiếng gì, mà hôm nay những người cho vay nặng lãi đã xúc phạm danh dự gia đình tôi quá nặng và ảnh hưởng đến tâm lý con cái tôi không thể học hành được. Hiện tại, tôi vô cùng bế tắc, hoang mang và sợ hãi nên tôi cầu cứu đến các cơ quan chức năng vào cuộc để đảm bảo an nguy của gia đình tôi, có cha mẹ già và 3 con nhỏ”, anh Hùng lên tiếng cầu cứu.

Cơ quan công an đã thụ lý điều tra

Liên quan đến vụ việc, PV đã liên hệ làm việc với Công an quận Bình Tân và Công an phường Bình Hưng Hòa. Đại úy Phạm Minh Tuấn (Đội Tham mưu Công an quận Bình Tân) cho biết, hiện Công an quận đã thụ lý vụ việc.

“Tuy nhiên, để giải quyết vụ việc này, cơ quan công an phải  làm việc với chị Phương vì hiện nay chị này đã bỏ nhà đi. Cơ quan công an đang muốn tìm hiểu cụ thể xem chị này đang nợ tiền của ai, số tiền bao nhiêu, lãi suất thế nào… Nếu chị Phương muốn cung cấp thông tin thì liên hệ với Công an quận Bình Tân và Công an phường Bình Hưng Hòa”, Đại úy Tuấn cho biết thêm. 

Trước đó Công an TP.HCM cho biết cơ quan này đã lên danh sách 600 đối tượng có liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, tín dụng đen và đang thu thập tài liệu để xử lý. Công an TP.HCM khuyến cáo người dân nên thận trọng và tránh xa các hình thức cho vay nặng lãi, vì khi vướng vào thì rất khó thoát ra. Người dân cần hiểu rõ chiêu trò gài bẫy của một số đối tượng cho vay nặng lãi hay tổ chức tín dụng đen để đề phòng.

Trao đổi với PV, luật sư (LS) Lê Văn Nam, Đoàn Luật sư TP.HCM, đánh giá gần đây hiện tượng cho vay nặng lãi diễn ra ngày càng phổ biến và để lại những hậu quả khôn lường. Qua thông tin từ anh Hùng, đủ căn cứ xác định hành vi của các đối tượng cho vay phạm tội cho vay nặng lãi theo qui định tại điều 163 BLHS 1999.

LS Nam phân tích, điều 163 BLHS 1999 qui định rõ hành vi cho vay cao hơn mức lãi suất mà pháp luật qui định từ 10 lần trở lên và có tính chất bóc lột thì thỏa mãn cấu thành tội phạm tội này. Về mức cho vay quá 10 lần được tính theo qui định của khoản 1 điều 476 BLDS 2005, các bên có thể thống nhất vay với lãi suất không quá 150% lãi suất cơ bản của NHNN công bố tại thời điểm cho vay.

"Ví dụ, Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất cơ bản trong thời điểm nhất định là 1% /tháng. Như vậy, các bên có quyền cho vay không quá 1,5%/tháng. Nhưng nếu bên cho vay với lãi suất từ 15%/tháng trở lên là được cho là cho vay nặng lãi", LS Nam nói.

LS Nam nhấn mạnh, tính chất chuyên bóc lột của hành vi cho vay lãi nặng thể hiện ở chỗ người phạm tội thực hiện hành vi cho vay lãi nặng nhiều lần, hành vi mang tính chuyên nghiệp, người phạm tội lấy việc cho vay lãi nặng làm một nghề kiếm sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính. Mức hình phạt đối với tội cho vay nặng lãi cao nhất là 3 năm tù, ngoài ra người phạm tội còn bị phạt tiền gấp 5 lần số tiền thu lợi bất chính từ việc cho vay nặng lãi.

Trong khi đó, luật sư Phạm Thế Hoài (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho hay, hiện nay, thực trạng việc cho vay nặng lãi ngày càng gia tăng, các đối tượng cho vay nặng lãi manh động, côn đồ, hung hãn khi đi đòi nợ. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến các vụ ẩu đả, cướp tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, do tâm lý sợ hãi nên các bị hại không ai dám đứng ra tố cáo các đối tượng này. Vì vậy, các cơ quan pháp luật cần phải có nhiều biện pháp hơn nữa nhằm kịp thời ngăn ngừa, phát hiện các loại tội phạm liên quan. Từ đó, nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm này.

Luật sư Hồ Diệp, Đoàn Luật sư TP.HCM nhấn mạnh, quăng mắm tôm, tạt sơn hay các chất bẩn khác vào nhà người khác là hành vi vi phạm pháp pháp luật. Ngoài việc bị phạt mức phạt lên đến 1 triệu đồng thì nếu hành vi đó xét thấy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 245 Bộ luật Hình sự quy định về Tội gây rối trật tự công cộng và Điều 143 quy định về Tội hủy hoại tài sản với mức phạt cao nhất là 3 năm tù.

NGUYỄN THANH - VĂN NGUYỄN

Tin nổi bật