Trước hướng đi phức tạp và diễn biến khó lường của cơn bão Tembin, cả TP.HCM và Bình Thuận đều có lệnh "cấm biển" và dự tính sẽ sẵn sàng sơ tán hàng nghìn dân.
Ngày 23/12, Chủ tịch UBND H.Cần Giờ (TP.HCM) Lê Minh Dũng cho biết lệnh “cấm biển” từ 16h ngày 23/12 đã được thông báo đến lực lượng bộ đội biên phòng, chính quyền các xã ven biển, bà con ngư dân.
Lệnh cấm này duy trì đến khi có thông báo mới về tình hình diễn biến bão Tembin.
Về kế hoạch sơ tán dân, UBND H.Cần Giờ đã chuẩn bị sẵn sàng phương án, lực lượng, cơ sở vật chất nhằm di tản hơn 5.000 dân xã đảo Thạnh An, các khu vực ven biển, ven sông nguy cơ sạt lở cao, khu vực thiếu an toàn…
“Công tác sơ tán hiện chưa thực hiện trên thực tế. Chúng tôi đang bám sát diễn biến đường đi của bão Tembin để đưa ra quyết định vào thời điểm phù hợp. Trước khi bão tiến sát và đe dọa an toàn của đất liền, tất cả người dân ở khu vực thiếu an toàn sẽ được sơ tán đến nơi an toàn để tránh trú bão”, ông Lê Minh Dũng nói.
Trước hướng đi phức tạp và diễn biến khó lường của cơn bão số 16, chiều cùng ngày, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cũng đã tổ chức cuộc họp khẩn trực tuyến với các sở ngành và các địa phương trong tỉnh bàn công tác ứng phó.
Qua rà soát, UBND tỉnh Bình Thuận nhận định nếu bão đổ bộ vào, toàn tỉnh sẽ có 35 điểm dân cư với hơn 35.000 người phải sơ tán đến nơi an toàn. Nhiều nhất là ở địa bàn Phan Thiết với 10 điểm, Tuy Phong 9 điểm, La Gi 6 điểm, Hàm Tân 3 điểm và Phú Quý 3 điểm...
Các khu vực bờ biển bị sạt lở và sập nhà do triều cường trong những ngày qua cũng đáng báo động. Hiện nay các địa phương đã cho gia cố lại kè tạm phòng tránh nguy hiểm khi bão số 16 vào đất liền.
Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cho biết địa phương có tất cả 60 nhà bè với 1.325 lồng nuôi thủy sản trên biển. Chính quyền địa phương đã thông báo cho các chủ bè biết thông tin của bão số 16 để gia cố, chằng buộc an toàn, có thể thu hoạch sớm hoặc vớt lên đưa vào bờ nhốt tạm để tránh bão. Chính quyền địa phương phải cương quyết không cho bất cứ người nào ở lại trên các nhà bè nuôi cá, tránh trường hợp bão vào gây thiệt hại về tính mạng.
Từ 16h chiều 23/12, tỉnh Bình Thuận cũng đã ra lệnh cấm biển. Toàn tỉnh hiện có gần 7.000 tàu thuyền đã vào neo đậu tại các bến, lại còn 252 chiếc với hơn 1.870 lao động đang hoạt động trên biển.
Mỹ An (T/h)