Theo thông tin từ báo điện tử VOV, ngày 1/9 vừa qua, bà N.T.K.O, ngụ ở quận Tân Bình, TP.HCM nhận được điện thoại từ một số lạ và thông báo bà có tên trong danh sách được tặng quà miễn phí, kể cả phí giao hàng. Sau đó, bà O được yêu cầu kết bạn trên mạng xã hội Telegram với người tự xưng là Trợ lý Huyền Trâm (https://t.me/trolytram6996), rồi lần lượt được thêm vào các nhóm để xác nhận đơn hàng và nhận quà.
Tại đây, bà được thông tin sẽ nhận được quà trong chương trình tổ chức vào ngày 7/9. Trong khoảng thời gian chờ chương trình diễn ra, bà được giao nhiệm vụ vào nhóm chung nhắn tin “chào….” hay “1” sẽ được lì xì 30.000 đồng, hoặc 50.000 đồng nếu tải ứng dụng của Tiki về điện thoại…
Người phụ nữ mất gần 2 tỷ đồng do sập bẫy lừa đảo. Ảnh: Getty Images
Ngay sau đó, các đối tượng tung ra hàng loạt nhiệm vụ “giúp công ty tăng đơn hàng bán” để hưởng tiền hoa hồng. Tuy nhiên, ở nhiệm vụ này các đối tượng bắt buộc người tham gia phải chuyển khoản tạm ứng từ vài trăm ngàn đồng đến hàng chục triệu đồng tuỳ theo cấp độ nhiệm vụ.
Sau nhiều lần thực hiện thành công và được trả hoa hồng như cam kết, bà O tiếp tục thực hiện nhiệm vụ với số tiền tạm ứng lên đến 88,8 triệu đồng. Lần này, hệ thống báo “xác nhận đơn hàng thất bại” nhưng bà O vẫn không một chút nghi ngờ.
Bà và những người chơi vẫn cố gắng nạp tiền thực hiện lại nhiệm vụ, hòng lấy lại vốn và hoa hồng theo sự chỉ dẫn các đối tượng lừa đảo. Tuy nhiên, những lần sau đó bà O. vẫn không thể hoàn tất nhiệm vụ.
Tiếc tiền đã mất cộng với sự hối thúc liên tục yêu cầu nạp thêm tiền để được hỗ trợ của các đối tượng, bà O đã chuyển khoản cho các đối tượng gần 1,8 tỷ đồng. Lúc này bà mới tá hỏa, nhận ra mình đã bị lừa đảo.
Trước đó, vào tháng 7, bà Nguyễn Thị N. (59 tuổi, ngụ huyện Đạ Huoai, tỉnh Đồng Nai) cũng đã bị lừa số tiền hơn 2 tỷ với thủ đoạn tương tự. Theo báo Tuổi Trẻ, sau khi đăng ký hè trên Facebook, bà N. được yêu cầu cung cấp số điện thoại, địa chỉ nhận quà và hướng dẫn tạo tài khoản Telegram để cấp "phiếu xác nhận quà tặng".
Bà N. được hướng dẫn từng bước cho đến khi nhận được "phiếu xác nhận quà tặng" và mã nhận quà. Tiếp đó, bà N. được yêu cầu kết bạn và nhắn mã nhận quà với quản lý có tên Ngọc Anh qua phần mềm nhắn tin Telegram để được hướng dẫn.
Sau đó, username "giám đốc kinh doanh" hướng dẫn các bước giúp hệ thống các cửa hàng thời trang tăng doanh số bán hàng trên các trang mạng thương mại điện tử. Tiếp tục, khoản này đề nghị bà N. thanh toán trước 300.000 đồng bằng phương thức tài chuyển khoản. Sau khi hoàn thành tăng doanh số, bà N. sẽ nhận được 360.000 đồng, ngoài ra được nhận thưởng phần quà trị giá 500.000 - 2,5 triệu đồng.
Sau nhiều lần liên tục làm nhiệm, “Tổng giám đốc” cho biết bà N. là VIP, số tiền được nhận về hơn 2,36 tỉ đồng và bà phải nộp thêm 300 triệu đồng bảo hiểm rủi ro khi rút tiền. Thế nhưng đến tối 19/7, tổng giám đốc, kế toán trưởng… đều không thể liên lạc được.
Lúc này bà N. mới biết mình bị lừa với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng và nói với chồng con biết sự việc. Đây là thủ đoạn không mới, được ngành chức năng nhiều lần cảnh báo nhưng gần đây xuất hiện nhiều trở lại và vẫn có rất nhiều người bị sập bẫy.
Phương Uyên (T/h)