Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

TP.HCM có xu hướng tái xuất hiện người nghi bán dâm

  • Việt Hương (T/h)
(DS&PL) -

UBND TP.HCM vừa có báo cáo kết quả phòng phòng, chống mại dâm sáu tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2024 trên địa bàn thành phố.

Theo báo cáo, thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về mại dâm trên địa bàn TP.HCM đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Một số vụ tổ chức, môi giới, chứa mại dâm hoạt động khép kín, không tiếp khách là người Việt Nam do người nước ngoài điều hành đã được Công an TP tập trung triệt phá; điển hình trong 6 tháng đầu năm 2024, Công an Thành phố đã đấu tranh triệt phá 3 vụ môi giới mại dâm quy mô lớn do người Hàn Quốc, Trung Quốc tổ chức hoạt động tại nhà hàng, thu giữ gần 22 tỷ đồng.

Hoạt động mại dâm theo hình thức đứng đường tại các khu vực công cộng để mồi chài khách đã giảm hẳn sau các đợt truy quét của công an cấp cơ sở. Tuy nhiên, tại một số tuyến đường, khu vực có xu hướng tái xuất hiện người nghi bán dâm nơi công cộng như quanh công viên Phú Lâm (quận 6), đường Ngô Gia Tự (quận 5), đường Đào Duy Từ (quận 10), đường Nguyễn Chí Thanh (quận 5 và quận 10).

Theo số liệu thống kê, hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có 4.296 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm (gồm: 2.385 cơ sở lưu trú; 1.255 nhà hàng karaoke và cơ sở massage; 71 vũ trường, bar, beer club, công ty giải trí biến tướng thành bar; 585 cơ sở kinh doanh dịch vụ khác); trong đó 657 cơ sở có nghi vấn hoạt động mại dâm và 883 cơ sở có nghi vấn hoạt động khiêu dâm, kích dục.

Hình minh họa.

Với 17.872 nhân viên làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ; trong đó, số nhân viên có nghi vấn hoạt động mại dâm là 994 người và khiêu dâm, kích dục là 1.526 người.

Về phương hướng 6 tháng cuối năm 2024, UBND TP.HCM tiếp tục tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, cung cấp thông tin, kiến thức về phòng, chống tệ nạn mại dâm cho ít nhất 70% người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; ít nhất 60% người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất; 70% học sinh, sinh viên các trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp; 100% tố giác, tin báo, khiếu nại hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm được tiếp nhận, xác minh, phân loại, xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, 100% số người bán dâm có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xã hội, hòa nhập cộng đồng; 100% phường, xã, thị trấn tổ chức được ít nhất một hình thức tuyên truyền về phòng, ngừa mại dâm và được duy trì thường xuyên.

Ít nhất 50% quận, huyện, TP.Thủ Đức lồng ghép nhiệm vụ phòng, chống tệ nạn mại dâm với việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình an sinh, trợ giúp xã hội, chương trình phòng, chống ma túy, chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

Ít nhất 10% quận, huyện, TP.Thủ Đức xây dựng, triển khai mô hình thí điểm về phòng ngừa mại dâm, hỗ trợ can thiệp giảm hại, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, cung cấp dịch vụ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm…

TP.HCM kiến nghị các ngành chức năng tăng cường các biện pháp quản lý chặt chẽ việc mở tài khoản, kiểm soát các hoạt động thanh toán, ngăn chặn tội phạm rửa tiền, chuyển tiền, ngoại tệ trái phép ra nước ngoài liên quan đến tội phạm mại dâm. Xử lý nghiêm tổ chức cá nhân quảng cáo, mời chào, hướng dẫn các hình thức cờ bạc, mại dâm trên internet…

Tin nổi bật