Ngày 19/11, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Tại buổi họp, Giám đốc sở Công Thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết sau nhiều nỗ lực với sự hỗ trợ của trung ương, đến nay TP đã giảm bớt khó khăn về cung ứng xăng dầu.
"Tính đến chiều 18/11, chỉ còn 18 cửa hàng thiếu xăng, so với giai đoạn cao điểm là 137 cửa hàng thiếu", VTC News dẫn lời ông Bùi Tá Hoàng Vũ.
Bên cạnh đó, tình hình sản xuất công nghiệp vẫn là điểm sáng của TP trong thời gian qua. Giám đốc sở Công Thương TP.HCM cho rằng sắp tới cần tập trung hỗ trợ mạnh hơn nữa đối với chính sách vĩ mô, trong đó có việc tiếp cận dòng vốn sản xuất.
Thời gian tới, sở Công Thương TP.HCM sẽ phối hợp với ngân hàng để có những chính sách về nguồn vốn ưu đãi cho các nhóm doanh nghiệp sản xuất và phân phối phục vụ cho chương trình bình ổn thị trường. Được biết, TP.HCM hiện đã chuẩn bị lượng vốn với 17.000 tỷ đồng để phục vụ hàng Tết.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Ảnh: Tiền Phong
Phát biểu tại buổi họp, Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai nói năm 2022, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 9,44% so với cùng kỳ (năm 2021 giảm 6,78%) và vượt kế hoạch đề ra (Kế hoạch năm 2022 là 6-6,5%). Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP ước tăng 17,3% so với cùng kỳ, trong đó 4 ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 19,92% so với cùng kỳ.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TP qua cửa khẩu cả nước ước đạt 49,5 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp TP qua cửa khẩu cả nước ước đạt 66,2 tỷ USD, tăng 10% so cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán giao. Trong 19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2022, dự kiến có 14 chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch. Có 2/19 chỉ tiêu dự kiến không đạt và có 3/19 chỉ tiêu chưa có cơ sở tính toán và đánh giá.
Năm 2022, UBND TP.HCM đã giao và phân bổ chi tiết số kế hoạch vốn hơn 37 nghìn tỷ đồng. Căn cứ số liệu của Kho bạc Nhà nước, TP cung cấp, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 của TP đã giải ngân đến ngày 31/10/2022 là 11.418,639 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 30,48% tổng kế hoạch vốn giao. Đến hết niên độ Kế hoạch đầu tư công năm 2022 (ngày 31/1/2023), TP dự kiến giải ngân vốn là 28.753,707 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 76,7% tổng số vốn giao.
Theo báo Tiền Phong, kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị các sở ngành, địa phương chuẩn bị xây dựng kế hoạch năm 2023 với tinh thần đánh giá sát tình hình hiện nay để xác định cho được trọng tâm và giải pháp cho năm tới.
Ông Phan Văn Mãi nhận định mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng vẫn còn dư địa, điều quan trọng là tìm dư địa để tập trung phát triển, phải nhìn thấy những cái phát sinh trước mắt, đánh giá cho đúng để có giải pháp, chứ không bị động.
“Từ nay đến cuối năm, đề nghị các sở, ngành được giao các nội dung trình Ban Thường vụ, Ban chấp hành, trình HĐND thành phố thì khẩn trương rà soát và hoàn thành theo tiến độ”, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu.
Bên cạnh đó, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh từ nay đến Tết Nguyên đán, tình hình an ninh trật tự sẽ phát sinh nhiều khó khăn nên phải theo sát diễn biến để xử lý kịp thời. Các cơ quan hành chính, các cán bộ, công chức phải tập trung tháo gỡ, thúc đẩy công việc. Theo ông Phan Văn Mãi, đây là một trong những dư địa, nếu làm tốt thì sẽ tạo động lực mới đóng góp cho tăng trưởng.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng nêu rõ một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay là hoàn thiện văn bản để báo cáo Đoàn Đại biểu Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ về nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54. Trong đó, từng sở ngành cần xem lại cơ chế, chính sách liên quan của mình thiếu những gì để góp ý cho kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2023.
Đinh Kim (T/h)