Bảo tàng Văn học có khoảng 55 nghìn hiện vật khác nhau. Gần 3.500 hiện vật trong số này được tổ chức trưng bày, giới thiệu về tiến trình lịch sử văn học Việt Nam từ thời kỳ nhà Lý cho tới nay. Ví như, thời trung đại có các hiện vật liên quan tới đại thi hào Nguyễn Du, Nhà Văn hóa, Anh hùng giải phóng dân tộc Nguyễn Trãi…Tới thời cận hiện đại, hiện đại thì có hiện vật của những tác giả tiêu biểu như nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, nhà văn Nam Cao, nhà thơ Nguyễn Đình Thi, nhà thơ Xuân Diệu, nhà thơ Tố Hữu…Mỗi hiện vật là một câu chuyện đầy xúc động và hấp dẫn về cuộc sống, về quá trình sáng tác của các nhà văn.
Rõ ràng, đứng trên năm vạn hiện vật, năm vạn câu chuyện, năm vạn kho báu mà không khai thác được hết thì đấy là một sự lãng phí, một trăn trở có thật. Và trong một cơ duyên khi trăn trở về hoạt động bảo tàng, tháng 4/2022, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ - Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam – gặp gỡ anh Phùng Quang Thắng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du lịch bền vững Việt Nam STID. Và thế là, một cánh cửa đã mở ra với hoạt động của Bảo tàng Văn học Việt Nam.
Một góc trưng bày trong Bảo tàng Văn học Việt Nam.
Nhiều người không biết tới anh Phùng Quang Thắng, nhưng nói điều này thì nhiều người biết: Anh Thắng chính là người “kiến trúc sư” đã mở đầu kiến tạo nên tour tham quan ban đêm cho Nhà tù Hỏa Lò và Hoàng thành Thăng Long – Những sản phẩm du lịch đặc thù và thu hút không chỉ với du khách nước ngoài mà gây chú ý cả với người Hà Nội bản địa.
Sau khi đã thống nhất về quan điểm chiến lược, trong suốt nửa năm, anh Thắng đã đi khảo cứu từng ngóc ngách của Bảo tàng Văn học Việt Nam, để cuối cùng, vẽ ra kịch bản tour du lịch đặc biệt phù hợp với “kho báu” của Bảo tàng Văn học Việt Nam.
Nói về tour du lich văn học này, nhà thơ Lữ Mai – một cộng tác viên của Bảo tàng nói: “Ở một đất nước mà người ta tiếp xúc với ca dao, dân ca từ lúc thơ bé, có một nghịch lý là Bảo tàng Văn học chưa phát huy được thế mạnh của mình trong đời sống văn hóa xã hội nói chung và văn học nhà trường nói riêng. Bảo tàng mặc dù thành lập chưa lâu nhưng cũng không còn mới mẻ nữa, nhưng trên thực tế, khi tour này chưa vận hành thì nhiều nhà trường, nhiều học sinh, nhiều gia đình không biết tới Bảo tàng Văn học, hay không biết tới trong bảo tàng có gì. Tôi nghĩ việc Bảo tàng Văn học kết hợp với các đơn vị lữ hành là một điều cần thiết”.
Nhớ lại những ngày đầu tiên ấy, anh Thắng nói: Mặc dù chúng ta gần gũi với văn chương, nhưng mỗi người một nhu cầu khác nhau. Bây giờ, để những cái đẹp của văn chương đến với mọi người, ở mọi lứa tuổi từ nhi đồng tới trung niên một cách nhẹ nhàng, dễ chịu thì cần một cách tiếp cận hợp lý, không gò bó. Chúng tôi quyết định tiếp cận văn chương từ góc độ chữ viết, văn bản học. Sau rất nhiều lần thay đổi, chúng tôi đã chọn cái tên cho hành trình tour văn học này là “Chữ Tâm chữ Tài”.
Hoạt động trải nghiệm cho khách tham quan trong tour du lịch “chữ Tâm chữ Tài”.
Tâm và tài phải đồng hành để tạo ra sự hướng thiện. Và bởi “người thơ phong vận như thơ ấy”, nên để hoàn thiện một tour du lịch văn học, chọn ra những tác giả, tác phẩm, những cân chuyện, để nó trở thành một “mạch” lịch sử, “mạch” thẩm mỹ… là một quá trình hao tốn rất nhiều tâm trí của anh Thắng, chị Huệ và nhiều cán bộ Bảo tàng Văn học Việt Nam.
Với tour “Chữ Tâm chữ Tài”, du khách được mở đầu tham quan khu vườn tượng 20 danh nhân văn học, trải nghiệm “gánh tâm tài” đến cửa “Ngôi đền văn chương Việt Nam”. Tham gia tour du lịch văn học, công chúng sẽ được khám phá hành trình chữ Việt với ba loại chữ viết được dùng từ trước tới nay ở ta: Chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ. Tiếp đó, các cán bộ bảo tàng sẽ giới thiệu về nhà thơ Lý Thường Kiệt – tác giả bài thơ “Nam quốc sơn hà” – có thể coi như bản “tuyên ngôn độc lập đầu tiên” của nước Nam.
Hành trình trung đại tiếp tục với tác phẩm “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi. Tất nhiên, cũng không thể bỏ qua Tour du lịch văn học: MỘT THÚ VỊ MỚI Ở HÀ NỘI những chi tiết về nỗi hàm oan của vụ án “Lệ chi viên” phủ lên ba họ nhà Nguyễn Trãi. Công chúng sẽ được tiếp cận với những hiện vật và câu chuyện gắn bó với đại thi hào Nguyễn Du – tác giả “Truyện Kiều”.
Và theo tiến trình lịch sử, công chúng sẽ được mở rộng những câu chuyện của các tác giả văn học thời kỳ hiện đại như: Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Tô Hoài, Nam Cao, Văn Cao…và những người gần ngày nay hơn như câu chuyện tình của nhà thơ Xuân Quỳnh và nhà thơ Lưu Quang Vũ. Điểm nhấn có thể coi như một “đặc sản” của Bảo tàng là việc trình diễn các hoạt cảnh do các sinh viên Khoa Du lịch, trường Đại học Văn hóa thực hiện hay được nghe những cộng tác viên của Bảo tàng Văn học trình diễn thơ, nhạc.
Nhận xét về hoạt động này của bảo tàng Văn học, Tiến sĩ văn học Đỗ Anh Vũ – một cộng tác viên tham gia dẫn chuyện tour du lịch văn học nói: “Du lịch văn học là một ý tưởng rất mới mẻ, có thể nói là lần đầu xuất hiện ở nước ta. Đây cũng là một bước đột phá, một hướng đi mới của Bảo tàng Văn học Việt Nam. Dù đã đi vào hoạt động được 7 năm, nhưng công bằng mà nói, thời gian trước đây địa chỉ này còn chưa có được nhiều sự chú ý của khách tham quan. Với hướng đi mới mẻ này, tôi đang thấy mở ra một triển vọng”.
Với một kho tư liệu đồ sộ mà Bảo tàng Văn học Việt Nam thu thập được, tour du lịch văn học “Chữ Tâm chữ Tài” sẽ còn rất nhiều các tùy biến để thay đổi linh hoạt nội dung mà không xa rời mục tiêu hướng công chúng tới sự hiểu biết về cái đẹp của văn chương. Ngoài ra, tour du lịch này còn muôn vàn khả năng kết nối với những điểm đến văn hóa quanh Hà Nội, xa hơn là kết nối với các điểm tham quan có liên quan tới văn chương ở khu vực đồng bằng sông Hồng đang chờ công chúng khám phá.
Tử Hưng
Ảnh: Hữu Thắng