Với top 5 câu hỏi phỏng vấn thú vị và gợi ý cách trả lời sau đây, hy vọng sẽ giúp bạn vượt qua vòng phỏng vấn thành công ở các công ty đang tuyển dụng tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng…
Bạn có muốn nói gì về bản thân?
Đây là câu hỏi nghe sơ qua tưởng như rất bình thường ở tất cả cuộc phỏng vấn. Tuy nhiên với những ứng viên có kinh nghiệm đều biết rằng cơ hội “thể hiện” của mình là ở đây rồi.
Với câu hỏi này bạn nên hạn chế trình bày về quê hương, sở thích, mơ ước, tuổi tác, quan niệm sống… Thay vào đó hãy dành phần quan trọng đầu tiên này để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng với các chi tiết nổi bật nhất của bản thân như học vấn, chuyên môn, kinh nghiệm, mục tiêu gắn liền với vị trí công việc, các kỹ năng rèn luyện được trong quá trình học tập hay làm làm việc trước đây giúp ích cho công việc sắp tới.
Bạn lưu ý không nên diễn đạt một cách chung chung, rời rạc mà nói theo cách “kể một câu chuyện” về bản thân thật hấp dẫn, thu hút. Qua cách trả lời nhà tuyển dụng còn đánh giá kỹ năng truyền đạt, giao tiếp của ứng viên.
Tại sao chúng tôi nên chọn bạn?
Nếu như câu hỏi giới thiệu bản thân bạn cung cấp các thông tin cơ bản về bản thân thì câu hỏi này nhà tuyển dụng đang tạo cơ hội cho ứng viên tự “quảng cáo” những ưu thế của mình một cách cụ thể hơn.
Với câu hỏi này bạn có thể đề cập đến thế mạnh của mình gồm: năng lực học vấn chuyên ngành, bề dày kinh nghiệm, thành tích đã đạt được trong công việc trước đây, những trải nghiệm quý giá. Những gì bạn có sẽ là điều kiện cần và đủ giúp bạn tự tin làm tốt công việc sắp tới.
Bên cạnh đó, bạn nên đề cập đến những lợi ích công ty có được nếu sở hữu bạn trong đội ngũ. Chẳng hạn như tăng danh sách khách hàng tiềm năng, cam kết tăng doanh số, đảm nhận vị trí làm việc độc lập vững vàng hoặc là nhân tố còn thiếu bổ sung vào giúp team đầy đủ và vững mạnh.
Kể về một trải nghiệm đáng nhớ của bạn?
Nhà tuyển dụng đang đặt ra cho bạn một câu hỏi phỏng vấn khá thú vị và tạo cảm giác gần gũi, lắng nghe bạn chia sẻ. Tuy nhiên với câu hỏi này bạn cần “tỉnh táo”, không nên đề cập đến chuyện đời sống cá nhân như tình cảm, các mối quan hệ hay về các chuyến du lịch… mà chỉ nói về trải nghiệm trong công việc. Bởi lẽ nhà tuyển dụng đang muốn tìm hiểu sâu hơn về cách giải quyết vấn đề của ứng viên.
Với câu hỏi này, cách trả lời thông minh là nói về các dạng trải nghiệm của bạn. Ví dụ như: một thành tích thật sự nổi bật đáng ghi nhận bạn đạt được và nỗ lực không hề dễ dàng; Bạn đã gặp một thất bại đáng tiếc và nhận được bài học “để đời” giúp bạn quyết tâm rèn luyện để tốt hơn; Một tình huống là sự cố rắc rối nào đó bắt buộc bạn phải suy nghĩ, tìm ra phương hướng giải quyết và được ghi nhận từ khách hàng, cấp trên, đồng nghiệp… Chính những trải nghiệm đó đã giúp bạn bản lĩnh hơn, ứng phó với các tình huống, vấn đề nhanh nhạy, kịp thời xử lý… Khi trả lời, bạn có thể trình bày theo thứ tự: nêu ra tình huống, nói về vai trò trách nhiệm của bạn, bạn đã hành động như thế nào và kết quả đạt được ra sao.
Bạn hình dung bản thân mình của 5 năm tới như thế nào?
Câu hỏi này nhà tuyển dụng cũng muốn tìm hiểu mục tiêu của bạn. Bạn sẽ là ai trong tương lai, có mục tiêu rõ ràng hay không, mục tiêu đó thực tế, phù hợp với vị trí công việc đang ứng tuyển hay khác biệt. Đây cũng là một câu hỏi thú vị “đánh đố” đòi hỏi ứng viên phải thật khéo léo để đưa ra câu trả lời thông minh.
Đừng quá thật thà chia sẻ nếu như mục tiêu của bạn không có sự tương đồng trong công việc hoặc là xu hướng rời xa công ty. Chẳng hạn bạn không nên nói “Tôi đang nỗ lực để trong 5 năm tới xây dựng cho mình một cửa hàng kinh doanh ABC và làm chủ” hay “Tôi 5 năm tới sẽ đạt mức lương là…; Tôi thích 5 năm tới ngồi ở vị trí của quý anh/ chị…”
Ngược lại, ứng viên thông minh sẽ biết cách đưa ra câu trả lời “dạng gợi mở”. Chẳng hạn: “Giờ chỉ mới là khởi đầu, tôi muốn chú tâm vào công việc hiện tại để đạt được thành tựu tốt nhất, mang lại lợi ích cho công ty và nâng cấp chính bản thân. Tôi cần một quá trình nỗ lực và có thể 5 năm sau tôi đã là người rành nghề, có thể sống tốt và theo đuổi công việc này như vai trò của một chuyên gia…”
Phỏng vấn không chỉ là cuộc trò chuyện qua lại mang tính trao đổi thông thường mà chính là cơ hội bạn tự tiếp thị bản thân để tìm kiếm cơ hội công việc lâu dài. Về phía nhà tuyển dụng, họ muốn tìm được ứng viên ưu tú phù hợp nhất. Điều quan trọng là bạn cần tìm hiểu vị trí công việc, tiêu chí tuyển dụng, văn hóa công ty trước khi bước vào cuộc phỏng vấn chính thức. Khi có được những thông tin cần thiết bạn sẽ dễ dàng trả lời các câu hỏi phỏng vấn một cách thông minh nhất và thuyết phục nhất.
Đặng Hảo