Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tổng thống Venezuela bị ám sát hụt làm dấy lên mối lo ngại từ ‘sát thủ không người lái’

(DS&PL) -

Vụ việc Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro bị ám sát hụt cho thấy mối đe dọa từ máy bay không người lái đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Vụ việc Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro bị ám sát hụt cho thấy mối đe dọa từ máy bay không người lái đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Dễ dàng vũ khí hóa máy bay bình thường nhưng khó khăn để chống lại

Hôm 4/8 vừa qua, khi Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đang có bài phát biểu trước các lực lượng quân đội tại thủ đô Caracas, thì các máy bay không người lái mang theo thuốc nổ đã tới gần vị trí của nhà lãnh đạo và bất ngờ phát nổ. Mặc dù Tổng thống may mắn an toàn nhưng ít nhất 7 binh sĩ đã bị thương trong vụ tấn công.

Những năm trước đây, việc sử dụng phương pháp tấn công bằng máy bay không người lái còn được xem là chuyện không tưởng nhưng đến nay, mối đe dọa từ phương pháp tấn công này đang tăng lên. Một hình thức khủng bố mới rõ ràng đã manh nha, song các quốc gia trên khắp thế giới vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng để đối phó.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro bị ám sát khi đang phát biểu. Ảnh: Getty

Mỹ đã dẫn đầu thế giới trong việc triển khai các máy bay không người lái mang theo bom, tên lửa để chống lại những kẻ khủng bố tình nghi trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, vụ việc xảy ra tại Venezuela mới đây đã làm dấy lên lo ngại về việc các lực lượng thù địch sử dụng công cụ này cho việc ám sát các nguyên thủ quốc gia.

"Đây là một sự phát triển rất đáng lo ngại bởi vì tương đối dễ dàng để vũ khí hóa một chiếc máy bay bình thường nhưng lại cực kỳ phức tạp để tìm cách chống lại", Thiếu tướng Charles J. Dunlap của Không quân Mỹ cho hay.

"Máy bay không người lái là một sát thủ thực sự và không cần phải có khả năng tiến gần đến mục tiêu của mình", ông Dunlap nói trong một cuộc phỏng vấn hôm 6/8.

Ông cũng dự đoán rằng trong tương lai gần, những kẻ khủng bố và tội phạm sẽ nỗ lực càng tìm cách khai thác công nghệ tiên tiến này.

Máy bay không người lái xuất hiện tràn lan

Liên quan tới vụ tấn công tại Venezuela, Bộ trưởng Nội vụ Nestor Reverol cho biết các nghi phạm đã sử dụng hai máy bay không người lái DJI M600, mỗi chiếc mang theo 1kg thuốc nổ C-4 có khả năng gây sát thương trong bán kính 50m. DJI M600 được xem là thiết bị bay điều khiển từ xa chuyên nghiệp, chủ yếu được các nhà làm phim và nhiếp ảnh gia sử dụng và có thể mang theo vật thể với trọng lượng lớn.

M600 được sản xuất bởi công tty DJI của Trung Quốc và có giá khoảng 4.500 USD trên trang web của nhiều nhà bán lẻ quốc tế, bao gồm một số đơn vị ở Mỹ. Có rất nhiều nhà sản xuất máy bay không người lái ở Mỹ, nhưng những người trong ngành đánh giá rằng Trung Quốc là cường quốc mới nổi về các thiết bị điều khiển từ xa trong thị trường toàn cầu.

Loại vũ khí mang đến hiểm họa khó lường này đã thu hút sự chú ý của quốc tế kể từ khi nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sử dụng chúng để thả lựu đạn vào các mục tiêu ở Syria và Iraq.

Cảnh sát Venezuela điều tra tại hiện trường. Ảnh: Getty

Hồi tháng 10/2017, cảnh sát Mexico cho biết họ đã bắt giữ 4 người đàn ông mang theo máy bay không người lái loại nhỏ - chiếc "3DR Solo Quadcopter" vốn bán lẻ với giá khoảng 250 USD, có trang bị thiết bị nổ ngẫu hứng. Những người đàn ông được chính quyền Mexico xác định là thành viên của một tổ chức buôn bán ma túy đã lắp đặt thiết bị ghi âm IED và chất nổ vào máy bay không người lái.

Trong một diễn biến khác, khoảng 9 ngày trước khi xảy ra vụ ám sát hụt nhằm vào tổng thống Venezuela, những kẻ khủng bố được cho là đã sử dụng một máy bay không người lái chứa thuốc nổ và gây ra vụ tấn công tại sân bay quốc tế ở Abu Dhabi, Các Tiểu Vương Quốc Ả rập thống nhất (UAE). Các phiến quân Houthi từ Yemen thừa nhận đã gây ra vụ tấn công này và may mắn không có ai bị thương.

Vào năm 2016, một máy bay không người lái đã rơi ngay trước mặt Thủ tướng Đức Angela Merkel khi bà đang dự một sự kiện tranh cử.

Giới chức Mỹ thường xuyên bày tỏ quan ngại về việc máy bay không người lái rơi vào tay những kẻ khủng bố. Hồi năm 2017, Washington Post từng đưa tin IS đã sử dụng thiết bị này để tấn công lực lượng đặc nhiệm Mỹ tại Syria.

Đến tháng 7/2018, Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Kirstjen Nielsen than phiền cơ quan của bà "hiện không có thẩm quyền" để giám sát chặt chẽ máy bay không người lái nhưng những mối đe dọa do các thiệt bị này đặt ra là “sự thực”.

"Chúng tôi thấy máy bay không người lái thả ma túy qua biên giới, sát các vị trí quan trọng, phá vỡ hệ thống thông tin liên lạc", bà Nielsen nói. "Những gì chúng ta cần làm là trở nên nhanh nhẹn, linh hoạt hơn".

Sự nguy hiểm của “sát thủ không người lái”

Máy bay không người lái xuất hiện tràn lan. Ảnh: Getty

Các máy bay không người lái đã đặt ra mối đe dọa mới cho ngành hàng không. Theo đó, cần có biện pháp để ngăn chặn mối đe dọa này trước khi những sự cố gây chết người có thể xảy ra.

Một lợi thế chiến thuật của các máy bay không người lái là hầu hết chúng đều bay thấp hơn so với tầm phát hiện của các radar. Dù chỉ mang theo một khối lượng nhỏ, các thiết bị này cũng có thể phá hủy một máy bay dân sự đang chở khách. Các máy bay thương mại thường dễ bị tấn công trong thời gian cất và hạ cánh do phi công không có nhiều thời gian để phản ứng trước những tình huống bất ngờ như vậy.

Các máy bay không người lái được sử dụng trong chiến đấu, tương tự thiết bị của nhóm phiến quân như Houthi, thường có trọng lượng nặng hơn và có thể mang vài kg thuốc nổ với tốc độ bay 160km/giờ và tầm hoạt động khoảng hơn 600km. Những robot bay này có thể được lập trình để tự động tiếp cận mục tiêu và gây ra vụ tấn công mà không cần có sự hướng dẫn của con người.

Việc bảo vệ các nguyên thủ quốc gia trước các vụ tấn công bằng máy bay không người lái thậm chí còn phức tạp hơn nhiều do lịch trình của các nhà lãnh đạo hay thay đổi và họ cũng thường xuyên phải xuất hiện trước công chúng. Các máy bay không người lái không chỉ được lập trình sẵn để tiếp cận mục tiêu từ mọi hướng mà bất kỳ ai sở hữu loại thiết bị này đều có khả năng sử dụng.

“Bất kỳ ai, dù là thiếu niên 12 tuổi, nếu có đủ tiền cũng có thể mua máy bay không người lái và có thể thực hiện một vụ tấn công nếu tìm hiểu về kỹ thuật sử dụng”, Colin Clarke, nhà phân tích chính sách an ninh quốc tế tại tập đoàn RAND, cho biết.

Mặt khác, ông Ulrike E. Franke, nhà nghiên cứu chính sách tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu cho rằng hầu hết các máy bay không người lái được bán tràn lan trên thị trường và có đủ tầm hoạt động, từ vài trăm mét cho tới vài kilomet, tạo điều kiện cho kẻ tấn công đứng lẫn trong đám đông và giữ khoảng cách đủ để chúng an toàn sau vụ nổ.

PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo LA Times, NY Times, Washington Times)
 

Tin nổi bật