Tổng thống Petro Poroshenko đã tiết lộ với hãng tin Sky News những bức ảnh mà ông cho là các xe tăng quân sự của Nga đang dàn hàng dọc biên giới Ukraine.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko trả lời phỏng vấn hôm 29/11. Ảnh: Sky News. |
"Đây là căn cứ xe tăng cách biên giới chúng tôi chỉ 18 km. Điều này xảy ra hồi tháng 9, tháng 10 và cả bây giờ", Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko vừa nói vừa đưa ra những bức không ảnh chụp tại khu vực biên giới với Nga trong cuộc phỏng vấn với Sky News hôm 29/11.
Theo ông Poroshenko, khu vực nói trên cũng là nơi Nga đặt kho đạn và các hệ thống hỏa tiễn đa nòng. "Chúng tôi cần sẵn sàng bảo vệ đất nước. Nếu cả thế giới không có lý do để tin tưởng ông Putin, Ukraine chắc chắn cũng không có lý do để tin ông ấy", Tổng thống Ukraine nói.
Ông Poroshenko cũng "tận dụng" cuộc phỏng vấn với Sky News để kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà lãnh đạo phương Tây.
"Không chỉ riêng giới lãnh đạo, những người mà Ukraine có quan hệ đồng minh rất đáng tin cậy, mà công dân Anh, châu Âu, Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản, toàn bộ thế giới cần hợp tác với nhau và điều này rất quan trọng đối với an ninh toàn cầu", Tổng thống Poroshenko tuyên bố.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Ukraine ngày 28/11 cho biết Nga đã triển khai khoảng 500 máy bay tấn công, 340 trực thăng chiến đấu và 25 đơn vị chiến thuật tới các căn cứ gần biên giới Nga - Ukraine. Người phát ngôn của Cơ quan Tình báo Ukraine Vadym Skibitsky cho biết các lực lượng này đều đang ở trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu và đều có kinh nghiệm tác chiến ở Syria.
Ông Poroshenko công bố ảnh xe tăng Nga áp sát biên giới Ukraine. Ảnh: Sky News. |
Nga hôm 25/11 nổ súng bắt ba tàu chiến cùng 24 thủy thủ Ukraine ở gần eo biển Kerch, cáo buộc họ xâm phạm lãnh hải và có hành động nguy hiểm. Kiev phản đối cáo buộc, nói rằng tàu của họ hoạt động đúng theo quy định quốc tế và đòi Moscow phóng thích tàu và người. Ukraine áp đặt thiết quân luật tại các vùng giáp biên giới Nga và gần nơi binh sĩ Nga đóng quân.
Tổng thống Ukraine hôm 29/11 kêu gọi các nước NATO điều tàu chiến đến Biển Azov để hỗ trợ Ukraine và đảm bảo an ninh, nhưng đến nay chưa có quốc gia nào đáp ứng.
Lãnh đạo châu Âu và Mỹ mới chỉ lên tiếng ủng hộ Ukraine và chỉ trích hành động của Nga, nhưng chưa có các biện pháp quân sự.
Trong diễn biến mới nhất, Tổng thống Putin có kế hoạch gặp Tổng thống Trump tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina, nhưng Nhà Trắng đã hủy cuộc gặp vì căng thẳng leo thang.
Bán đảo Crimea sáp nhập vào liên bang Nga năm 2014, dẫn đến lệnh cấm vận Nga của Mỹ và châu Âu. Kể từ đó, Nga hành động cứng rắn ở Biển Đen, bất chấp sự hiện diện của các tàu chiến phương Tây.
Nga cũng xây dựng cây cầu lớn nối liền bán đảo Crimea và lãnh thổ Nga, qua eo biển Kerch. Các tổ hợp phòng không S-400, tên lửa chống hạm Bal đã được Nga đưa đến Crimea, sẵn sàng đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào.
NGUYỄN QUỲNH (Theo Sky News)