Kyiv Independent đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết sẽ gửi 10 tên lửa đánh chặn Patriot cho Ukraine - con số này ít hơn so với lượng vũ khí từng bị tạm dừng chuyển giao trước đó, theo Axios ngày 8/7.
Ngoài ra, ông Trump còn đề xuất Đức bán một trong những khẩu đội Patriot của nước này cho Ukraine. Ba nguồn tin của Axios cho biết, Mỹ và các đồng minh châu Âu dự kiến sẽ cùng chia sẻ chi phí mua lại hệ thống này.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Ukraine liên tục kêu gọi phương Tây, đặc biệt là Mỹ, tăng cường hỗ trợ phòng không bằng cách cung cấp thêm hệ thống Patriot và tên lửa liên quan, nhằm đối phó với các cuộc tấn công dồn dập từ Nga.
Trước đó, ngày 2/7, Lầu Năm Góc thông báo đã tạm dừng một số khoản viện trợ quân sự để rà soát lại các hoạt động cung cấp vũ khí ra nước ngoài. Đến ngày 7/7, cơ quan này cho biết sẽ nối lại các chuyến hàng, khẳng định vũ khí bổ sung nhằm giúp Ukraine "tự vệ và hướng tới một nền hòa bình bền vững”.
Theo Axios, Chủ tịch đảng CDU Đức Friedrich Merz đã gọi điện cho ông Trump để yêu cầu nối lại các chuyến hàng tên lửa bị đình chỉ. Trong cuộc trò chuyện này, ông Trump đề xuất Đức bán một khẩu đội Patriot cho Kyiv.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty
Dù chưa đạt được thỏa thuận chính thức, các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp tục. Phía Đức khẳng định Berlin đã viện trợ nhiều hệ thống Patriot hơn bất kỳ thành viên NATO nào khác, kể cả Mỹ.
Trong những tuần gần đây, Nga đã đẩy mạnh các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào nhiều thành phố Ukraine.
Việc Mỹ đình chỉ cung cấp vũ khí, trong đó có Patriot và đạn dược dẫn đường chính xác, đã vấp phải chỉ trích gay gắt từ Kyiv. Trong cuộc điện đàm ngày 4/7 với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông Trump phủ nhận trách nhiệm về việc tạm dừng viện trợ, theo Wall Street Journal. Ông khẳng định không ra lệnh dừng hoàn toàn viện trợ.
NBC News dẫn nguồn tin cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã đơn phương ra lệnh tạm dừng các chuyến hàng vào ngày 2/7, bất chấp đánh giá nội bộ của Lầu Năm Góc rằng quyết định này không ảnh hưởng tới khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ.
Theo Politico ngày 7/7, Đặc phái viên Mỹ Keith Kellogg và Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov dự kiến sẽ gặp nhau tại Rome vào cuối tuần này để thảo luận về việc nối lại viện trợ quân sự đang bị đình trệ.