TASS đưa tin ngày 28/12 (giờ địa phương) cho biết, tại hội nghị thượng đỉnh không chính thức giữa các nhà lãnh đạo của các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu: "Tôi đã trao đổi với Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya.
Họ đã tiến hành nghiên cứu và nhận thấy vaccine Sputnik V có thể vô hiệu hóa chủng Omicron mới. Ông ấy nói với tôi rằng nghiên cứu lâm sàng sẽ mang đến câu trả lời cuối cùng xem mức độ phản ứng cao như thế nào".
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp báo cuối năm thường niên ở Moskva hôm 23/12. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Putin nói thêm rằng cuộc trao đổi của ông với giám đốc Alexander Gintsburg của Viện Gamaleya, nơi phát triển Sputnik V, vừa diễn ra hai ngày trước. Ông đưa ra kết luận cho rằng vẫn cần "nghiên cứu lâm sàng để xem vaccine Sputnik V có thể chống lại virus ở mức độ nào".
Tuy nhiên, với những nghiên cứu viện Gamaleya đã thực hiện, nhà lãnh đạo Nga tự tin khẳng định rằng vaccine Sputnik có thể vô hiệu hóa biến thể Omicron ở mức độ tuyệt vời. Ông Putin cũng lưu ý rằng Sputnik V cung cấp khả năng bảo vệ khoảng 90%.
Trước đó, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko nói với truyền thông rằng hiệu quả của vaccine Sputnik V chống lại chủng Omicron đã giảm đi phần nào nhưng một biện pháp bảo vệ đáng tin cậy chống lại nó được hình thành khi tiêm mũi tăng cường.
Ảnh minh họa. Nguồn: TASS
"Các chuyên gia của Trung tâm Gamaleya đã thử nghiệm vaccine Sputnik V và cho thấy với Omicron, hiệu quả bảo vệ trực tiếp giảm đi một chút. Tuy nhiên, họ đã tiến hành các nghiên cứu bổ sung trên những người đã được tiêm mũi thứ 2, một biện pháp bảo vệ đáng tin cậy tốt đã được hình thành. Vì vậy, bây giờ điều vô cùng quan trọng là tiêm một mũi tăng cường để bảo vệ chính mình", ông nói trong chuyến thăm và làm việc tại Rostov-on-Don.
Bộ trưởng Y tế Nga cho biết thêm rằng việc tiêm nhắc lại sau 6 tháng cũng có hiệu quả chống lại sự lây nhiễm biến chủng Delta. Ông kết luận: “Sự kết hợp giữa vaccine Sputnik V và vaccine Sputnik Light là hệ thống an toàn cho mỗi bệnh nhân".
Vào ngày 26/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chỉ định biến thể B.1.1.529 được xác định ở Nam Phi là "Biến thể đáng quan tâm" và đặt tên cho nó bằng chữ cái Hy Lạp Omicron. Trong tuyên bố của mình, WHO lưu ý rằng "biến thể này có một số lượng lớn các đột biến". Theo WHO, cho đến nay, nó đã được phát hiện ở 110 quốc gia.
Bích Thảo (Theo TASS)