(ĐSPL) - Nga sẽ không "khoanh tay đứng nhìn" người dân nói tiếng Nga ở Ukraine bị đàn áp và sẽ có những biện pháp đối phó trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định như vậy trong cuộc điện đàm với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc vào tối 2/3. Ông Putin cũng trao đổi qua điện thoại với Tổng thống Mỹ Barack Obama và nhấn mạnh rằng Nga không thể đứng ngoài khi hiện hữu mối đe dọa người dân nói tiếng Nga. Tổng thống Nga lưu ý Tổng thống Mỹ về những hành động tội phạm của các phần tử dân tộc cực đoan, trên thực tế đang được chính quyền ở Kiev hiện nay khuyến khích.
|
Tổng thống Putin: Nga không "khoanh tay đứng nhìn" |
Đêm 2/3, tình hình Ukraine cũng đã được thảo luận trong một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Buổi họp diễn ra theo đề xuất của Kiev. Đại sứ thường trực Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin yêu cầu nhà chức trách Kiev nên tự tách mình khỏi các băng nhóm cực đoan, hết sức nỗ lực xây dựng một chính phủ biết cân nhắc lợi ích của toàn thể nhân dân.
Đại sứ Churkin nói: “Phải biết giữ một cái đầu lạnh. Quay lại với thỏa thuận đã ký ngày 21/2 và thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc, chấm dứt mưu toan nói chuyện bằng vũ lực với các đối thủ kể cả sắc tộc lẫn chính trị. Cần phải tự mình tách khỏi những phần tử cực đoan, thay vì cho phép họ chà đạp lên lãnh thổ Ukraina, vì đó là những động thái có thể dẫn đến các diễn biến rất nghiêm trọng mà Nga đang cố gắng ngăn chặn".
Hôm 1/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhận được sự chấp thuận của Thượng viện cho phép sử dụng các lực lượng vũ trang trên lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Tổng thống Putin sẽ lập tức tận dụng quyền hạn mới. Quan trọng nhất là quyết định của Nga có thể và cần thiết làm nguội "những cái đầu nóng" không chỉ ở Kiev, mà cả Washington và Brussels,
Trong cuộc phỏng vấn với đài Tiếng nói nước Nga, Phó giám đốc Viện nghiên cứu CIS Igor Shishkin nói: "Đây là một thông điệp rõ ràng cho chính phương Tây rằng đã tới lúc họ nên chấm dứt sự xâm lược gián tiếp. Chúng ta hãy gọi sự việc theo đúng tên của nó. Sau khi Tổng thống Viktor Yanukovich từ chối ký thỏa thuận liên kết (với EU), những cơ chế vũ lực đã được vận dụng để lật đổ chính quyền hợp pháp, để bứt Ukraine khỏi Nga. Nga đã nhiều lần đề nghị phương Tây không nên làm như vậy, tiến hành thương lượng. Câu trả lời là tiếp tục gây hấn, vượt qua vạch đỏ. Nga sẽ không cho phép bất cứ ai vượt qua giới hạn đó. Đây là lúc cần thiết ngồi vào bàn thương lượng và đàm phán lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị. Chỉ như vậy, tình hình mới có thể dịu bớt, sau đó tổ chức cuộc bầu cử dân chủ trung thực, không phải dưới họng súng của 'các phần tử cánh hữu' mà có hoạt động giám sát quốc tế, để thành lập một chính quyền mới. Chính quyền hiện nay ở Ukraine là của những kẻ nổi dậy".
Chính quyền ở Kiev đã tuyên bố tổng động viên quân đội. Trong khi đó, các đại diện Lực lượng vũ trang Ukraine không đồng tình với đường lối Kiev đã rời đơn vị và đồng loạt viết đơn xin xuất ngũ. Quân nhân Ukraine đồn trú ở Crimea cũng chuyển sang phía lực lượng tự vệ. Doanh trại, thiết bị quân sự và vũ khí để lại được kiểm soát bởi lực lượng tự vệ, những người đảm bảo an ninh và trật tự trong khu vực. Đồng thời, tình hình căng thẳng ở Ukraina buộc nhiều người dân rời bỏ đất nước. Nhà chức trách Nga nhận thấy có dấu hiệu về nguy cơ xảy ra một thảm họa nhân đạo.
Văn Linh