Sự thất vọng của các cử tri
Các cử tri Pháp đã giáng một đòn mạnh vào nhiệm kỳ với của Tổng thống Emmanuel Macron hom 19/6 (giờ địa phương). Trong đó, tại vòng bầu cử Quốc hội cuối cùng, liên minh của ông Macron đã mất thế đa số tuyệt đối tại hạ viện. Sự thay đổi này sẽ trở thành thách thức lớn và có thể ảnh hưởng tới chương trình nghị sự của ông Macron trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 2.
Sau khi cuộc kiểm phiếu hoàn tất, liên minh trung tâm của ông Macron chỉ giành được 245 ghế trong tổng số 577 ghế. Con số đó nhiều hơn con số của nhóm chính trị khác nhưng ít hơn nhiều so với 350 ghế mà đảng của ông Macron và các đồng minh đã giành được khi ông lần đầu đắc cử năm 2017.
Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên sau 20 năm, một tổng thống mới được bầu không đạt được đa số tuyệt đối trong Quốc hội. Sự thay đổi sẽ không khiến chương trình nghị sự trong nước của ông Macron bị dừng lại hoàn toàn nhưng có khả năng gây trở ngại cho quá trình thông qua các dự luật của ông.
Liên minh của Tổng thống Macron không giành được thế đa số tuyệt đối tại cuộc bầu cử Quốc hội ngày 19/6. Ảnh: NY Times
Chính phủ của Tổng thống Macron có thể sẽ phải tìm kiếm một liên minh hoặc xây dựng các liên minh ngắn hạn trên các dự luật sau tình hình này.
Theo New York Times, kết quả cuộc bầu cử là một lời cảnh báo đanh thép của cử tri Pháp đối với ông Macron, người vài tháng trước đã thắng cử một cách thuyết phục trước nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen.
Trong thời gian cuộc bầu cử Quốc hội, Tổng thống Macron ít tham gia vào các cuộc vận động tranh cử, thay đó ông tập trung vào các nỗ lực ngoại giao của Pháp nhằm hỗ trợ Ukraine trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.
Phát biểu trước khi lên đường tới Đông Âu để di chuyển đến thủ đô Kyiv của Ukraine hồi tuần trước, Tổng thống Macron đã kêu gọi các cử tri tham gia bỏ phiếu và dành cho ông thế "đa số tuyệt đối" tại Quốc hội vì "lợi ích quốc gia".
Tuy nhiên, trong vòng bầu cử thứ 2, nhiều cử tri Pháp lại lựa chọn không đi bỏ phiếu. Theo ước tính, chỉ khoảng 46% cử tri tham gia bỏ phiếu bầu cử vào ngày 19/6 vừa qua và có nhiều người đã bỏ phiếu cho những đối thủ của liên minh Tổng thống Macron.
Một số đồng minh thân cận của ông Macron hoặc các thành viên nội các đang tham gia tranh cử đã phải nhận thấy bại. Đây được xem là một lời quở trách đối với tổng thống, người đã cam kết rằng các bộ trưởng không giữ được ghế sẽ phải từ chức. Trong đó, ông Richard Ferrand, chủ tịch Quốc hội và bà Amélie de Montchalin, bộ trưởng chuyển đổi xanh của ông, đều đã bị đánh bại và có nguy cơ phải từ chức.
Lên tiếng sau cuộc bỏ phiếu, bà Olivia Grégoire, phát ngôn viên của chính phủ Tổng thống Macron, thừa nhận: "Chúng tôi đã khiến một bộ phận người Pháp thất vọng, đây là một thông điệp rõ ràng".
Bà khẳng định rằng liên minh của ông Macron sẽ làm việc với "tất cả những người muốn đưa đất nước tiến lên" trong Quốc hội.
Kế hoạch tiếp theo
Kết quả bầu cử đã mang lại cho liên minh các đảng cánh tả được lãnh đạo bởi ông Jean-Luc Mélenchon 131 ghế, trở thành lực lượng đối lập lớn nhất trong Quốc hội. National Rally, đảng cực hữu của bà Le Pen, đã giành được 89 ghế, đây cũng được xem là một con số kỷ lục.
Bà Marine Le Pen (giữa) đã thất bại trước Tổng thống Emmanuel Macron trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 4 vừa qua. Ảnh: Getty
Élisabeth Borne, thủ tướng của ông Macron - người đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử của riêng mình ở Normandy - ngày 19/6 nhận xét kết quả bầu cử này là "chưa từng có" và rằng "tình hình đang tạo ra một nguy cơ cho đất nước trước những thách thức mà chúng ta phải đối mặt".
Bà nhấn mạnh: "Bắt đầu từ ngày mai, chúng tôi sẽ hành động để xây dựng một liên minh đa số để thực hiện các hành động".
Bà cho biết thêm rằng chính phủ sẽ làm việc với các đảng chính trị khác để "xây dựng các thỏa hiệp tốt".
Hiện chưa rõ liên minh của ông Macron có thể tìm ra những đồng minh nào khác để đạt được đa số tuyệt đối. Theo New York Times, đảng phù hợp nhất có thể là Les Républicains, đảng bảo thủ chính thống, đã giành được 61 ghế.
Ông Macron cũng sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các đồng minh trung tâm hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên, đặc biệt để thông qua các dự án gây tranh cãi như nâng độ tuổi nghỉ hưu hợp pháp từ 62 lên 65. Điều đó có thể mang lại nhiều đòn bẩy hơn cho các đảng như Horizons, một nhóm trung hữu được thành lập bởi cựu Thủ tướng Édouard Philippe, người có nhiều quan điểm thiên về tài chính. Theo ước tính, đảng Horizons dự kiến sẽ giành được khoảng 25 ghế trong quốc hội.
Bà Olivier Rozenberg, phó giáo sư tại Sciences Po ở Paris, nhận xét: "Chúng tôi đã quen coi hệ thống của Pháp là tập trung vào chức vụ tổng thống. Nhưng các cuộc bầu cử lập pháp này nhắc nhở chúng ta rằng hệ thống chính trị của chúng ta cũng là một hệ thống nghị viện ở trung tâm".
Ông Macron không phải tổng thống Pháp duy nhất gặp khó trong lịch sử. Năm 1988, dưới thời Tổng thống François Mitterrand, Đảng Xã hội cũng từng không thể tập hợp được đa số tuyệt đối trong Quốc hội. Buộc đảng này phải phối hợp với các nhà lập pháp bên cánh tả hoặc cánh hữu để thông qua các dự luật. Nhưng chính phủ ông Mitterrand khi ấy có quyền truy cập vào các công cụ - như khả năng buộc thông qua một dự luật mà không cần bỏ phiếu, bằng cách để chính phủ bỏ phiếu tín nhiệm. Hiện các công cụ này đã bị hạn chế hơn nhiều.
Kết quả bỏ phiếu hôm 19/6 bị ảnh hưởng một phần bởi tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp kỷ lục, một dấu hiệu cảnh báo đối với ông Macron, người đã hứa sẽ gần gũi hơn với người dân. Đây cũng được xem là một minh chứng cho sự bất bình ngày càng tăng của các cử tri đối với chính trị Pháp.
Minh Hạnh (Theo NY Times)