Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Ghebreyesus cho biết biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng “các hiện tượng thời tiết cực đoan” trong năm 2023 và viện dẫn việc thế giới liên tiếp nghi nhận nhiệt độ ở mức cao kỷ lục để làm ví dụ.
Theo ông Tedros, “khủng hoảng khí hậu” hiện là một trong số “các yếu tố chính quyết định kết quả sức khỏe con người”. Ông cũng cảnh báo rằng sự nóng lên toàn cầu cuối cùng có thể dẫn đến việc “nạn đói, làn sóng di cư và dịch bệnh” ngày càng tăng.
Các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể sẽ gia tăng trong năm 2023. Ảnh: AP
“Trong những tháng tới, chúng tôi dự đoán sẽ có một loạt các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt bao gồm hạn hán, lũ lụt, bão và sóng nhiệt. Tất cả đều gây hại cho sức khỏe con người”, người đứng đầu WHO cho hay.
Ông Tedros nói thêm rằng, một đợt “hạn hán kéo dài” và nắng nóng ở vùng Sừng châu Phi (Horn of Africa) đã có tác động lớn, gây quá tải cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe địa phương.
Các quốc gia như Djibouti, Ethiopia, Kenya, Somalia, Sudan và Uganda gần đây đã phải hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua với gần 60 triệu người đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực.
Bên cạnh đó, một số quốc gia cũng đã ghi nhận “mức độ trẻ em suy dinh dưỡng nghiêm trọng cao nhất” trong nhiều năm. Nguyên nhân được nhận định phần lớn là do nạn đói.
Theo dữ liệu từ Trung tâm Dự báo Môi trường Quốc gia Mỹ, ngày 3/7 vừa qua là ngày nóng nhất từng được ghi nhận trên toàn cầu. Cụ thể, nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt 17,01 độ C – vượt qua kỷ lục 16,92 độ C từng được thiết lập vào tháng 8/2016.
Sóng nhiệt bao trùm khắp thế giới từ phía Nam nước Mỹ, phía Bắc châu Phi đến cả Trung Quốc và Nam Cực. Một số chuyên gia khí hậu cho rằng điều này xảy ra là kết quả của sự nóng lên toàn cầu kết hợp với hiện tượng El Nino mạnh hơn bình thường trong năm nay.
Phương Uyên (Theo RT)