Phòng đợi khách hay “cà phê đường tàu”?
Cà phê đường tàu không còn là khái niệm xa lạ với người dân và du khách đến với Thủ đô Hà Nội. Đây cũng là chủ đề đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo chí với nhiều tranh cãi trái chiều - giữ và xóa bỏ, khai tử đi khai tử lại rất nhiều lần…
Nhiều chuyên gia từng “hiến kế” để cà phê đường tàu thực sự là một sản phẩm du lịch sáng tạo, độc đáo của Hà Nội.
Người dân “sở hữu” các quán cà phê đường tàu này cũng từng đề xuất ba nhóm giải pháp để xóm đường tàu thành điểm đến an toàn chứ không phải hiểm họa gây lo ngại cho chính quyền...
Còn riêng tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thì luôn luôn nỗ lực bảo vệ an toàn giao thông đường sắt, bảo vệ tính mạng của người dân đúng với chủ trương của quận Hoàn Kiếm là “không đánh đổi sự an toàn với bất kể lợi ích kinh tế nào”.
Nỗ lực của VNR được ghi nhận bằng rất nhiều văn bản cũng như hành động thực tế.
Cụ thể, VNR từng chỉ đạo Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải (đơn vị được giao quản lý) phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai nhiều biện pháp quyết liệt trong đó có cưỡng chế giải tỏa các hành vi vi phạm, xử phạt hành chính… Tuy nhiên, lúc dịch Covid-19 được kiểm soát, tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt tại khu vực này lại tái diễn.
Đầu tháng 5/2022, công ty Cổ phần Đường sắt Hà Hải đã có văn bản gửi các phường Hàng Bông, Cửa Nam, Điện Biên Phủ đề nghị có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng người dân bày bán hàng, du khách trong nước và nước ngoài quay phim chụp ảnh tại đây.
Cục Đường sắt Việt Nam cũng đã có văn bản gửi UBND TP.Hà Nội đề nghị tiếp tục chỉ đạo, xử lý tình trạng bán hàng trên đường sắt. Ngay sau đó, UBND TP.Hà Nội ra văn bản giao UBND các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình tiếp tục phối hợp với VNR chỉ đạo, xử lý tình trạng bán hàng trên đường sắt nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt.
Đến tháng 9/2022, VNR tiếp tục có văn bản kiến nghị UBND TP.Hà Nội và cục Đường sắt Việt Nam xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán, chụp ảnh tại các tụ điểm cà phê đường tàu ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường sắt.
“Tiên phong” và quyết liệt là thế, nhưng ngày 9/6 vừa qua, VNR lại khai trương Hỏa Xa Cafe bên trong khuôn viên ga Long Biên. Được biết, đây vốn là khu nhà cấp 4 rộng 80m2, nằm đối diện mặt trong nhà ga, đã được cải tạo, sửa chữa, nhằm phục vụ hành khách.
Ảnh chụp màn hình. Báo: Hà Nội mới
Tuy nhiên, mặc dù đã có biển cảnh báo, du khách vẫn có thể tự do đi lại, đứng giữa đường sắt để chụp ảnh, băng qua đường ray bất cứ lúc nào,...Vấn đề này chỉ được khắc phục sau phản ánh từ nhiều đơn vị báo chí và sự can thiệp của cơ quan chức năng.
Một cán bộ Công an phường Đồng Xuân cho biết:“Sau hai buổi làm việc, đoàn kiểm tra yêu cầu gặp chủ cửa hàng, quản lý cửa hàng nhưng đều né tránh và không xuất trình được bất kỳ giấy tờ nào liên quan đến giấy phép kinh doanh, giấy phép hoạt động, vệ sinh an toàn thực phẩm. Quán cafe đang vi phạm hành lang an toàn đường sắt, yêu cầu quán cần có đầy đủ giấy phép hoạt động mới được kinh doanh”.
“Về trường hợp khách đi vào hành lang an toàn đường sắt khi tàu đang nổ máy, Công an phường đã thực hiện biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở, ký cam kết đồng thời yêu cầu quản lý nhà ga và quán cafe không để khách hàng tự ý chạy ra đường sắt để chụp ảnh” - cán bộ Công an phường Đồng Xuân thông tin thêm.
Sáng ngày 11/6, trong lần kiểm tra thứ 2, Hỏa Xa Cafe không đưa ra được bất kì giấy phép nào chứng minh đủ điều kiện hoạt động.
Trao đổi với báo chí nhằm làm rõ vấn đề Hỏa Xa Cafe có hay không vi phạm hành lang an toàn đường sắt, ông Nguyễn Tất Thương - Giám đốc chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Nội trả lời:“Giấy phép kinh doanh, vệ sinh an toàn thực phẩm đang trong quá trình hoàn thiện. Địa điểm này là một trong những công trình kiến trúc nằm trong phạm vi của nhà ga, khi cải tạo không thay đổi kết cấu, đảm bảo an toàn tuyệt đối”.
Ông Thương cho biết thêm:“Các điểm cafe đường tàu trước đây được người dân mở tự phát không kiểm soát được công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, còn tại điểm ga Long Biên được triển khai rất tốt”.
Trong khi đó, lãnh đạo Chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Nội, đơn vị quản lý ga Long Biên cho biết, việc tổng công ty cải tạo, chuyển công năng thành phòng đợi là hoàn toàn phù hợp, giống như nhiều ga khác có điểm dịch vụ ăn uống, giải khát.
Quang cảnh khác biệt tại Hỏa Xa Cafe trước và sau khi được báo chí phản ánh.
Cà phê Hỏa Xa có thể bị dỡ bỏ
Trao đổi với PV tạp chí Đời sống và Pháp luật, luật sư Nguyễn Sương - công ty Luật FDVN, Đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng thông tin: “Đối với bất kỳ hoạt động kinh doanh nào cũng đều phải xin cấp phép từ cơ quan có thẩm quyền, trừ khoản 2, Điều 79, Nghị định 01/2021/NĐ-CP. Tuy nhiên pháp luật về đăng ký kinh doanh lại không có bất kỳ quy định nào bắt buộc cá nhân, tổ chức phải chứng minh địa điểm kinh doanh ngoài việc kê khai địa chỉ địa điểm kinh doanh. Do đó, quán cà phê này vẫn có thể được cấp giấy phép kinh doanh,. Tuy nhiên, để được phép hoạt động thì còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau”.
Đối chiếu theo khoản 3, Điều 39, Nghị định 56/2018/NĐ-CP quy định về việc giải quyết tồn tại trong phạm vi đất dành cho đường sắt, nếu công trình quán cà phê này được cơ quan chức năng xác định có nguy cơ gây nguy hiểm đối với an toàn giao thông đường sắt thì vẫn có thể bị dỡ bỏ ngay cả khi đã được cấp giấy phép kinh doanh” - Luật sư Sương nhận định.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Công Tín bổ sung: “Những năm gần đây, mô hình kinh doanh cà phê đường tàu dần trở nên phổ biến nhưng tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông rất trầm trọng. Không ít trường hợp bị rút giấy phép kinh doanh cùng vì lý do không bảo đảm an toàn giao thông đường sắt”.
Căn cứ theo Nghị định 46/2018/NĐ-CP, luật sư Nguyễn Công Tín cho hay: “Phòng đợi tàu là một trong những công trình thuộc ga đường sắt, là công trình, hạng mục trực tiếp phục vụ công tác chạy tàu, đón tiễn hành khách.
Xét trường hợp của ga Long Biên, để cải tạo nhà cấp 4 thành phòng đợi tàu (trong đó có kinh doanh dịch vụ cà phê) trước hết phải được sự chấp thuận, điều chỉnh quy hoạch của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Mặt khác, đã gọi là phòng đợi tàu thì phải trực tiếp phục vụ cho công tác chạy tàu, đón tiễn hành khách.
Không thể phủ nhận rằng mô hình kinh doanh cà phê đường tàu mang lại lợi ích kinh tế lớn, nhưng không thể đánh đổi sự an toàn để lấy lợi ích kinh tế. Phòng đợi tàu để cho nhiều người ngoài ra vào tự do, gây mất trật tự, mất an toàn giao thông là không thể chấp nhận được”.
Quang Thiện