Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tội “đánh bạc” từ luật tới thực tế – một góc nhìn khác của luật sư

(DS&PL) -

Theo quan điểm của luật sư, tội đánh bạc đến giai đoạn này cân nhắc cần có sự thay đổi bởi trong nhiều trường hợp hành vi đánh bạc cũng không phải hoàn toàn là sát phạt….

(ĐSPL) - Theo quan điểm của luật sư, tội đánh bạc đến giai đoạn này cân nhắc cần có sự thay đổi bởi trong nhiều trường hợp hành vi đánh bạc cũng không phải hoàn toàn là sát phạt…

Trong thực tế cuộc sống, có nhiều vụ việc đánh bạc dưới hình thức chỉ chơi cho vui, xả stress mà không mang ý nghĩa sát phạt. Cũng có nhiều trường hợp, bạn bè lợi dụng hành vi đánh bạc để gài nhau vào bẫy…

Câu hỏi đặt ra là liệu có cần điều chỉnh gì về tính pháp lý đối với tội đánh bạc trái phép hay không?

Để hiểu rõ hơn về hành vi “đánh bạc trái phép”, PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Quách Thành Lực, Cty Luật Hà Nội Tinh Hoa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

PV:  Khái niệm đánh bạc, đánh bạc trái phép, được hiểu như thế nào thưa luật sư?

Luật sư Quách Thành Lực: Theo từ điển Tiếng việt thì Đánh bạc là được thua bằng tiền hay một vật có giá trị dựa vào kết quả chưa rõ ràng của một sự kiện với một mục đích có thêm tiền bạc hoặc giá trị vật chất.

Theo Nghị Quyết số 01/2010/NQ-HĐTP Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại điều 248 và điều 249 của bộ luật hình sự tại Điều 1. Về một số quy định tại Điều 248 của Bộ luật hình sự xác định:  “Đánh bạc trái phép” là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp.

Hình minh họa

PV: Đặt ra tình huống, giả sử, gia đình ngồi đánh bài vui với nhau vào dịp Tết (chơi nhỏ, không có tính sát phạt) vậy có được coi là hành vi đánh bạc hay không? Đặt ra vấn đề có cần điều chỉnh gì về pháp lý hay không?

Luật sư Quách Thành Lực: Quan điểm lập pháp của Việt Nam coi việc đánh bạc là một tệ nạn xã hội, một hành động xấu cần phải hạn chế tối đa trong đời sống vì ảnh hưởng đến lao động, sản xuất, gây mất ổn định, an ninh trật tự xã hội.

Do vậy dù chỉ chơi bài giải trí vui vào dịp tết thì hành động này cũng được pháp luật hiện nay xác định là đánh bạc trái phép. Giá trị đánh bạc từ đủ 5.000.000 đồng là có cơ sở xử lý hình sự về tội đánh bạc; giá trị thấp hơn thì sẽ bị cơ quan chức năng xử lý hành chính.

Tôi nghĩ quan điểm lập pháp về tội đánh bạc đến giai đoạn này cân nhắc cần có sự thay đổi bởi trong nhiều trường hợp hành vi đánh bạc không phải hoàn toàn là sát phạt. Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng việc được thua một chút lợi ích trong các cuộc vui chơi giúp cho tinh thần người tham gia vui vẻ, hưng phấn và gắn kết với nhau hơn.

Nên đưa ra quy định việc được thua tổng giá trị một người chơi không vượt quá 100.000 đồng thì không được coi là đánh bạc, không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật.

Luật sư Quách Thành Lực - Công ty luật Hà Nội Tinh Hoa, Đoàn luật sư TP Hà Nội.

PV: Trong thực tiễn, có nhiều vụ việc đánh bạc nhỏ, lẻ nhưng tang vật thu được lại rất lớn. Vậy “Tang vật” đánh bạc được tính trên chiếu hay trên người (ví dụ: ví, túi...) thưa luật sư?

Luật sư Quách Thành Lực: “Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc” được xác định theo khoản 3 điều 1 Nghị Quyết số 01/2010/NQ-HĐTP  như sau:

a) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc;

b) Tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc;

c) Tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc.”

Theo hướng dẫn này thì số tiền có trên chiếu bài, chiếu xóc đĩa, cầm ở tay khi cá cược đua ngựa… thì sẽ được xác định là dùng đánh bạc.

Còn hướng dẫn tại điểm b, c nêu trên đây thì để có căn cứ xác định đó là để dùng đánh bạc cơ quan cánh sát điều tra chủ yếu dựa trên lời khai, thú nhận của những người đánh bạc. Nếu họ khai là tiền ở trong ví là tiền đi vay về cho con đi học, để mua hàng hóa kinh doanh, dù có thua hết tiền cầm trên tay cũng sẽ không bao giờ sử dụng số tiền đó để đánh bạc thì không có cơ sở xác định số tiền đó dùng để đánh bạc

PV:  Đứng xem đánh bạc có được coi là phạm tội hay không thưa luật sư?

Luật sư Quách Thành Lực: Chỉ đơn thuần là quan sát thì hành vi này không có cơ sở xử lý hình sự với họ.

PV: Theo luật sư, tại sao Việt Nam coi đánh bạc  là tội phạm nhưng với một số nước thì không coi đó là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng? tính pháp lý ở đây là gì?

Luật sư Quách Thành Lực: Quan điểm lập pháp ở mỗi nước là khác nhau, nó phụ thuộc vào thể chế chính trị, giai đoạn phát triển xã hội, dân trí, nhận thức về ảnh hưởng của việc đánh bạc đến xã hội. Chúng ta chỉ coi đánh bạc trái phép là hành vi vi phạm, tùy theo mức độ vi phạm hành động đánh bạc trái phép sẽ bị xử lý hành chính hay hình sự.

PV: Ở Việt Nam đánh bạc được coi là tội phạm nhưng người nước ngoài ở Việt Nam đánh bạc (ở Casino) lại không phạm tội? (Vẫn cấm người Việt vào Casino)

Luật sư Quách Thành Lực: Do quan điểm lập pháp của chúng ta xác định đánh bạc là một tệ nạn, nếu để nó phổ biến trong xã hội thì sẽ ảnh hưởng xấu hiệu quả làm việc, học tập, sản xuất của nhân dân.

Tuy nhiên ở góc độ xã hội thì chúng ta cũng thừa nhận rằng việc đánh bạc ở các nước phát triển được công nhận và công dân các nước này coi đó là hoạt động hợp pháp, bình thường khi chơi trong các cơ sở được Nhà nước cấp phép quản lý. Mặt khác ở góc độ kinh tế, nguồn thuế, tài chính thu được từ hoạt động này là tương đối lớn.

Với những yếu tố trên nên chúng ta cho phép người nước ngoài được đánh bạc trong Casino được Nhà nước cấp phép, quản lý chặt chẽ.

Xin cảm ơn luật sư!

Tiểu Phương (thực hiện)

Tin nổi bật