Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Toan tính của Triều Tiên khi doạ nổ bom nhiệt hạch ở Thái Bình Dương

(DS&PL) -

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang và gây nhiều lo ngại khi Bình Nhưỡng được cho là đã di chuyển tên lửa khỏi cơ sở chế tạo

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang và gây nhiều lo ngại khi Bình Nhưỡng được cho là đã di chuyển tên lửa khỏi cơ sở chế tạo và đặc biệt ám chỉ rằng sẽ cho nổ bom nhiệt hạch ở Thái Bình Dương. Giới chuyên gia nhận định có nhiều lý do để Bình Nhưỡng thực hiện kế hoạch của mình.

Ngày 29/9, đài KBS của Hàn Quốc đưa tin Triều Tiên mới đây đã di chuyển một số tên lửa khỏi một cơ sở ở Thủ đô Bình Nhưỡng. Giới chức tình báo Mỹ và Hàn Quốc đã phát hiện các tên lửa được di chuyển khỏi trung tâm nghiên cứu và phát triển tên lửa của Triều Tiên ở khu vực Sanum-dong, phía Bắc Thủ đô Bình Nhưỡng.

Cơ sở nói trên được Triều Tiên sử dụng để chế tạo các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và những tên lửa trên có thể là loại ICBM Hwasong-14 hoặc Hwasong-12 tầm trung.

Điều này đặc biệt gây lo ngại khi mà xuất hiện nhiều nghi vấn về việc Triều Tiên chuẩn bị có thêm những hành động khiêu khích.

Nguy cơ của một cuộc chiến tranh hạt nhân

Bình luận về những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, mới đây cựu đô đốc hải quân Mỹ James Stavridis đã đưa ra đánh giá bất ngờ về khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân giữa Washington với Bình Nhưỡng.

Ông tin rằng có ít nhất 10% cơ hội xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên, còn cơ hội xảy ra một cuộc xung đột thông thường nhưng đẫm máu là 20 – 30%.

Theo đô đốc Stavridis, số người thương vong từ một cuộc chiến tranh, ngay cả khi không phải là chiến tranh hạt nhân, với Triều Tiên thật kinh khủng. Theo ông, Triều Tiên sở hữu ít nhất 11.000 khẩu pháo chĩa vào thủ đô Seoul của Hàn Quốc với 25 triệu dân sinh sống và chắc chắn sẽ kích hoạt đến chúng khi xảy ra xung đột.

Mỹ chắc chắn cần lên kế hoạch không kích lâu dài để có thể phá hủy những khẩu pháo trên nhanh nhất có thể. Với tình thế như vậy, con số thương vong mà ông dự đoán “không ít hơn 500.000 người tới 1 triệu người” nếu cuộc chiến tranh thực sự xảy ra.

Và khả năng thử bom nhiệt hạch ở Thái Bình Dương

Đáp trả lại lời đe doạ “huỷ diệt hoàn toàn” của Tổng thống Donald Trump, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho hôm 21/9 ám chỉ Bình Nhưỡng có thể cho nổ bom nhiệt hạch ở Thái Bình Dương.

Theo National Interest, giới chuyên gia nhận định lời đáp trả của Triều Tiên không hẳn chỉ mang ý nghĩa đe doạ. Nhiều khả năng Bình Nhưỡng sẽ sử dụng một tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân để thực hiện kế hoạch này.

Ông Jeffery Lewis, giám đốc chương trình phi hạt nhân ở Đông Á tại viện nghiên cứu quốc tế Middlebury, cho rằng Triều Tiên rất có thể lựa chọn phương án phóng tên lửa đạn đạo tầm xa (IRBM) hoặc tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mang đầu đạn hạt nhân và kích nổ ở Thái Bình Dương.

Triều Tiên có thể phóng IRBM hoặc ICBM mang đầu đạn hạt nhân để thể hiện tiềm lực quân sự của mình.

Có nhiều lý do khiến Triều Tiên thực hiện kế hoạch này. Trước hết, đó là việc giới lãnh đạo Mỹ lâu nay tỏ ra hoài nghi về khả năng sở hữu vũ khí nhiệt hạch của Triều Tiên. Thêm nữa, Mỹ dường như cũng không chấp nhận rằng Bình Nhưỡng đã trở thành quốc gia hạt nhân.

Trước đây, Mỹ cũng nhiều lần xem thường khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Khi Trung Quốc bắt đầu phát triển năng lực hạt nhân với sự giúp đỡ của Liên Xô, Washington đã phủ nhận tiến bộ kỹ thuật của Bắc Kinh, giống như cách họ bác bỏ năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng hiện nay.

Năm 1964, khi Trung Quốc lần đầu thử bom hạt nhân, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Lyndon B. Johnson tuyên bố Bắc Kinh "sẽ phải mất nhiều năm mới có thể phát triển vũ khí hạt nhân đáng tin cậy và hệ thống triển khai nó hiệu quả". Thật bất ngờ, Trung Quốc phóng thử tên lửa tầm trung mang đầu đạn hạt nhân chỉ sau đó hai năm như một cách đáp trả.

Và Triều Tiên cũng có thể áp dụng cách Trung Quốc từng làm, đó là phóng IRBM hoặc ICBM mang đầu đạn hạt nhân, chấm dứt những nghi ngờ từ phía Mỹ về tiềm lực quân sự của Bình Nhưỡng.

Ngoài ra, những tuyên bố cứng rắn mà chính quyền ông Trump đưa ra trong thời gian gần đây cũng khiến Triều Tiên bực bội. Và việc phóng thử một quả tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có thể là cách mà Bình Nhưỡng giải tỏa sức ép.

Một lý do khác có thể khiến Triều Tiên quyết tâm thử hạt nhân ở Thái Bình Dương đó là việc so găng với Mỹ. Ngày 5/6/1962, Mỹ phóng thử tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân trên đảo Christmas ở Thái Bình Dương.

Bình Nhưỡng tin rằng việc phóng một tên lửa đạn đạo hạt nhân và kích nổ trên Thái Bình Dương có thể đặt vị thế của họ ngang hàng với Washington, chuyên gia Lewis nhận định.

Vũ Thu Hương

Tin nổi bật