Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Toàn cảnh vụ Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị truy tố hình sự

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Các chuyên gia pháp lý cho rằng ông Donald Trump vẫn có thể tiếp tục tranh cử vào Nhà Trắng một cách hợp pháp, dù phải đối mặt với các cáo buộc hình sự.

34 tội danh

Ngày 30/3, Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị đại bồi thẩm đoàn quận Manhattan (New York) truy tố, sau cuộc điều tra về khoản chi 130.000 USD nhằm che đậy mối quan hệ với nữ diễn viên phim khiêu dâm Stormy Daniels. Đây lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ có một cựu tổng thống bị truy tố hình sự. Cuộc điều tra do Chánh Biện lý quận Manhattan của đảng Dân chủ - ông Alvin Bragg dẫn đầu.

Tin ông Donald Trump bị truy tố trên tờ The New York Times ngày 30/3. Ảnh: Reuters

Tới chiều 4/4 (theo giờ địa phương) ông Donald Trump đã trình diện tại Tòa án New York. Tại đây, ông bị cáo buộc 34 tội danh, tố cáo ông và những người khác đã vi phạm quy định bầu cử khi tìm cách ngăn chặn việc xuất bản thông tin tiêu cực về ông trước thềm cuộc Bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2016.

Cụ thể, các cáo buộc đều liên quan tới khoản thanh toán 130.000 USD do luật sư riêng của ôngTrump khi đó là Michael Cohen trả cho bà Stormy Daniels vào cuối tháng 10/2016, vài ngày trước cuộc bầu cử tổng thống.

Các công tố viên cáo buộc ông Trump tham gia âm mưu bất hợp pháp nhằm phá hoại tính toàn vẹn của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Mỗi cáo buộc hình sự mà ông Trump đang phải đối mặt đều liên quan đến một thông tin cụ thể được nhập vào hồ sơ kinh doanh của Trump Organization.

Chánh biện lý quận Manhattan, ông Alvin Bragg cho rằng ông Trump đã không báo cáo chính xác chi phí tiền trả cho diễn viên Daniels trong hồ sơ kinh doanh của mình, thay vào đó ghi chi phí này là khoản thanh toán cho các dịch vụ pháp lý.

Tại bàn bị cáo, với trang phục xanh đậm và cà vạt đỏ, cựu Tổng thống Mỹ đã không thừa nhận bất kì tội danh nào.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong phiên tòa xét xử tại Tòa án Hình sự Manhattan vào ngày 4/4/2023. Ảnh: Reuters

Sau đó, ông Trump được tại ngoại và bay về Florida. Cựu Tổng thống Mỹ nói: “Tôi không nghĩ bất cứ điều gì như thế này có thể xảy ra ở nước Mỹ, không bao giờ nghĩ nó có thể xảy ra. Tội duy nhất mà tôi đã phạm phải là kiên cường bảo vệ quốc gia khỏi những kẻ tìm cách phá hủy nó... Đó là một sự xúc phạm đối với đất nước của chúng ta”.

Phiên điều trần tiếp theo dự kiến sẽ ra vào ngày 4/12, vì vậy, các công tố viên và bên bào chữa cho ông Trump có khả năng gửi một số kiến nghị trước phiên tòa.

"Họ có thể yêu cầu chuyển địa điểm vì họ nghĩ rằng không thể có được một phiên tòa công bằng ở Manhattan", ông Matthew Galluzzo, cựu công tố viên tại Văn phòng Biện lý Quận New York, nói với Al Jazeera.

Thẩm phán của phiên tòa là ông Juan Merchan, người gần đây đã chủ trì một phiên tòa hình sự liên quan đến Tổ chức Trump với nghi vấn gian lận thuế. Ông Trump cáo buộc ông Merchan là không thích ông. Song hệ thống tòa án bang New York cho biết, thẩm phán Merchan được chỉ định ngẫu nhiên.

Trong khi đó, hai luật sư Susan Necheles và Joseph Tacopina của ông Trump cho biết họ sẽ quyết liệt đấu tranh chống lại các cáo buộc.

Chính trường Mỹ sôi sục

CNN dẫn nguồn tin đảng Cộng hòa cho biết ông Trump đã kêu gọi các đồng minh chủ chốt trên Đồi Capitol, bao gồm các lãnh đạo đảng Cộng hòa, tăng cường hỗ trợ. Trên trang Twitter cá nhân, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy gọi bản cáo trạng nhắm vào cựu tổng thống là "sự lạm dụng quyền lực chưa từng có” của công tố viên Bragg. Ông McCarthy cũng cho biết Hạ viện sẽ điều tra vụ việc để buộc tội ông Bragg.

Ngay cả những người được cho là đối thủ của ông Trump trong việc tranh suất đại diện đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống 2024 cũng ủng hộ ông.

Cụ thể, Thống đốc Ron DeSantis của Florida nói vụ truy tố là "chiêu trò" sử dụng hệ thống pháp luật phục vụ mục đích chính trị. Thượng nghị sĩ Tim Scott cho rằng đây là "trò hề", còn cựu Phó tổng thống Mike Pence nói vụ việc sẽ chia rẽ nước Mỹ.

Bà Nikki Haley, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc dưới thời ông Trump, người cũng có khả năng đại diện phe Cộng hòa tranh cử tổng thống, cho rằng bản cáo trạng “mang tính trả thù nhiều hơn là công lý”.

Cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc dưới thời ông Trump -  bà Nikki Haley.

Trước các động thái bảo vệ ông Trump, chuyên gia Nicole Hemmer, giám đốc Trung tâm Rogers thuộc Đại học Vanderbilt (Mỹ) cảnh báo rằng sự tấn công của đảng Cộng hòa vào hệ thống tư pháp hình sự Mỹ có thể gây ra hệ quả nghiêm trọng đối với tòa án và bồi thẩm đoàn.

Trong khi đó, cựu Thống đốc bang Arkansas -ông Asa Hutchinson lại có cách tiếp cận khác. Ông Hutchinson đã kêu gọi ông Trump từ bỏ cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 và xử lý các rắc rối pháp lý.

Cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, nhận định: “Đại bồi thẩm đoàn đã hành động dựa trên sự thật và luật pháp, không ai đứng trên luật pháp".

Riêng Tổng thống Mỹ Joe Biden chọn chiến lược "im lặng là vàng". Khi được hỏi về tác động mà bản cáo trạng của người tiền nhiệm và đối thủ chính trị Donald Trump sẽ gây ra đối với nước Mỹ, ông Biden đã có câu trả lời dứt khoát: "Tôi sẽ không nói về bản cáo trạng của ông Trump".

Các chiến lược gia đảng Dân chủ nhận xét, sự im lặng có chủ ý của ông Biden và chính quyền của ông có ý nghĩa chính trị. "Chính quyền Mỹ nên tiếp tục làm những gì họ đã làm từ trước đến nay, tập trung vào việc quản lý và giải quyết các mối quan tâm của người dân Mỹ...Đây là thời điểm để trấn an người dân Mỹ bằng cách tiếp tục chứng minh sự lãnh đạo mạnh mẽ, ổn định và hiệu quả là như thế nào", chiến lược gia đảng Dân chủ Karen Finney nói.

Tổng thống Mỹ Joe Biden chọn cách im lặng. Ảnh: AP

Chiến dịch tranh cử 2024 có bị ảnh hưởng?

Trước ông Trump, chưa có bất kỳ cựu tổng thống hay tổng thống đương nhiệm nào của Mỹ từng bị truy tố hình sự. Tuy nhiên, trái với dự đoán của nhiều người, việc bị truy tố thậm chí có thể giúp ích cho chiến dịch tái tranh cử của cựu Tổng thống.

“Hầu hết những người ở phe ủng hộ nghĩ rằng đó là một nỗ lực không ngừng nghỉ để hạ gục ông Trump. Vì vậy, tôi nghĩ rằng cáo trạng sẽ giúp ông ấy”, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham của đảng Cộng hòa bang Nam Carolina nhận định.

Sự ủng hộ của cử tri gia tăng đã thể hiện qua kết quả thăm dò của Reuters/Ipsos công bố ngày 3/4. Theo đó, khoảng 48% số người ủng hộ đảng Cộng hòa muốn ông Trump đại diện đảng này tranh cử tổng thống. Tỷ lệ này tăng so với mức 44% trong cuộc thăm dò từ ngày 14-20/3.

Trong khi đó, Giáo sư Saikrishna Prakash tại trường luật của Đại học Virginia cho biết, Hiến pháp Mỹ không đưa ra bất cứ quy định nào đối với các ứng cử viên tranh cử tổng thống trong trường hợp họ bị truy tố hoặc bị bắt giam. “Không có quy định nào nói rằng một người bị truy tố không thể tranh cử. Và cũng không có luật lệ nào quy định nếu họ đang ở trong tù, họ không thể tranh cử", giáo sư nói. 

Tuy vậy, ẩn số lớn nhất là khi nào việc truy tố hình sự hoặc kết án có thể diễn ra và liệu điều này có xảy ra khi ông Trump chính thức ứng cử hay không.

Bà Susan Low Bloch, giáo sư luật hiến pháp của Trường luật Georgetown nói rằng: “Không rõ cựu Tổng thống Trump có thể tranh cử hay không vì chưa từng có trường hợp nào như vậy xảy ra”. Cũng theo vị giáo sư, nếu ông Trump tái đắc cử tổng thống năm 2024, sẽ có hai khả năng: “Khả năng thứ nhất là ông vẫn phải tham gia phiên tòa xét xử trong khi làm tổng thống. Khả năng thứ hai là bản cáo trạng bị đình chỉ”.

Mộc Miên (Theo Reuters, CNN, Aljazeera)

Tin nổi bật