Ngày 30/7, tòa án tối cao nước Anh đã ra quyết định cho phép gia đình bệnh nhân thực vật và bác sĩ điều trị được phép rút ống thở không cần ý kiến của chính quyền.
Cụ thể, Tòa án tối cao đã quyết định gia đình bệnh nhân Y – một ca chấn thương sọ não sẽ được phép rút ống thở của nạn nhân không cần đệ đơn lên thẩm phán như luật trước đây.
Phán quyết này đồng nghĩa với việc trong trường hợp các gia đình và bác sĩ thống nhất, nhân viên y tế có quyền kết thúc cuộc sống của người bệnh thực vật.
Những người bệnh thực vật trong thời gian dài, khó có khả năng tỉnh lại và hồi phục sẽ được xem xét dừng ống thở - Ảnh: Standard |
Tòa án Bảo vệ Con người – phía đưa ra các phán quyết về những trường hợp này đã chịu trách nhiệm trong 25 năm nhưng quá trình này rất tốn kém và có thể mất nhiều năm. Quyết định này đã gây ảnh hưởng lớn đến hàng ngàn gia đình có người thân đang ở trạng thái thực vật.
Các chuyên gia y tế cũng đồng ý rằng các trường hợp được cân nhắc rút ống thở sẽ là những người bệnh khó có khả năng tỉnh lại hoặc sẽ bị khuyết tật về nhận thức và thể chất sâu sắc, phụ thuộc hơn 80% vào dịch vụ y tế. Nhiều gia đình bệnh nhân cũng tán thành do chi phí điều trị tốn kém và sự kiệt quệ của các thành viên.
Vào tháng 11/2017, một thẩm phán Tòa án Tối cao đã tuyên bố rằng không bắt buộc phải đưa ra trước tòa án trường hợp rút ống thở của bệnh nhân Y. Tuy nhiên, Luật sư đại diện cho Hiệp hội những người thiếu năng lực đã đệ đơn kháng cáo và người bệnh qua đời chỉ 3 tuần sau đó.
Richard Gordon QC – một luật sư phản đối quyết định này cho biết: “Trường hợp này không phải là về lợi ích tốt nhất cho người bệnh hay thân nhân của họ. Điều quan trọng là ai sẽ đưa ra quyết định”.
Thẩm phán Tòa án tối cao Lady Black nói: “Chúng tôi đã xem xét vấn đề trong bối cảnh rộng hơn cũng như từ góc độ pháp lý nhất định. Quyết định này chưa được xác định là luật chung hoặc ECHR (Công ước châu Âu về Nhân quyền), đưa ra yêu cầu bắt buộc... hay bất cứ điều gì tương tự. Nhưng đó là một quyết định hợp lý. Nhiều gia đình người bệnh sẽ đồng ý với chúng tôi".
Hiện nay, vấn đề này đang gây nhiều tranh cãi về đạo đức y học cũng như đâu mới là lợi ích thực sự cho những người bệnh thực vật và thân nhân của họ.
Thu Phương (Theo Standard)