(ĐSPL) - Khi làm nhân viên thu vé xe buýt tuyến 74 (bến xe An Sương - bến xe Củ Chi), anh H. nhiều lần thấy tài xế Nguyễn Quốc Tuấn nghe điện thoại trong khi lái xe, gây nguy hiểm cho hành khách. Chính vì thế, anh H. đã lấy điện thoại quay clip rồi cung cấp cho báo chí. Sau đó, anh H. bất ngờ bị cho thôi việc. Nhiều người bức xúc cho rằng nên khuyến khích người tố cáo vi phạm chứ không nên trù dập họ như vậy.
Bị thôi việc vì quay clip tài xế nghe điện thoại
Chiều 10/11, tiếp xúc với PV báo ĐS&PL, anh N.H.H. (SN 1995, ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) không giấu được sự bức xúc khi nói về chuyện mình bất ngờ bị đuổi việc vì lý do quay clip tố cáo tài xế xe buýt tuyến 74 (bến xe An Sương –bến xe Củ Chi) vừa nghe điện thoại vừa lái xe. Được biết, anh H. đang là sinh viên. Do cần tiền để phục vụ việc học, anh H. liên hệ với ông Huỳnh Văn Sên (chủ xe buýt tuyến 74, xã viên của hợp tác xã vận tải liên tỉnh và du lịch Việt Thắng) xin làm nhân viên soát vé bán thời gian. Thấy anh H. hiền lành, chịu khó, ông Sên đã nhận anh vào làm việc.
Hình ảnh tài xế Tuấn vừa lái xe vừa nghe điện thoại. |
Theo đó, mỗi khi không phải đi học, anh H. được phân công đi cùng tài xế Nguyễn Quốc Tuấn (tài xế xe buýt tuyến 74) để kiểm soát vé hành khách. Trong những lần làm việc trên xe, anh H. nhiều lần chứng kiến tài xế Tuấn vừa lái xe, vừa nghe điện thoại. “Khi chứng kiến cảnh tượng đó, tôi cảm thấy bất an. Đường thì đông phương tiện nên nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao. Bên cạnh đó, việc làm của tài xế Tuấn còn gây phản cảm, làm mất hình ảnh dịch vụ vận tải công cộng của TP.HCM. Sau đó, tôi có góp ý nhưng tài xế Tuấn tỏ vẻ khó chịu”, anh H. chia sẻ.
Sáng 26/10, anh H. tiếp tục được phân công đi cùng tài xế Tuấn. Trên đường đi, anh thấy tài xế Tuấn bỏ vô lăng trong thời gian 5 phút để nghe điện thoại. Vì bất bình, anh H. đã bí mật dùng điện thoại quay clip. Sau đó, anh đã cung cấp clip này cho báo chí để phản ánh. Khi clip được đăng tải, dư luận đã vô cùng phẫn nộ trước hành động coi thường tính mạng hành khách của tài xế Tuấn. Thời gian ngắn sau, hợp tác xã vận tải biết anh H. chính là tác giả của clip trên.
“Sau khi nắm thông tin về vụ việc, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc sở GTVT TP.HCM đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan kiểm tra, xử lý nghiêm. Đến thời điểm sáng mùng 3/11, trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM đã làm việc với hợp tác xã vận tải liên tỉnh và du lịch Việt Thắng, đi đến thống nhất là đình chỉ công việc 5 ngày đối với tài xế Tuấn”, anh H. thông tin.
Sau khi kết thúc thời gian kỷ luật, tài xế Tuấn đã đi làm trở lại. Tuy nhiên, sau đó ít ngày, anh H. bất ngờ bị cho nghỉ việc. “Quá bất ngờ, tôi hỏi thì được biết, đại diện của hợp tác xã vận tải liên tỉnh và du lịch Việt Thắng yêu cầu ông Sên phải cho tôi nghỉ việc. Lý do là tôi “có tính cách không tốt nên phải cho nghỉ làm”. Nếu ông Sên không chấp hành thì cũng phải rời khỏi hợp tác xã”, anh H. bức xúc nói.
Theo lời anh H., hiện anh đã tìm được công việc mới. Tuy nhiên, do bức xúc với cách hành xử của hợp tác xã vận tải liên tỉnh và du lịch Việt Thắng nên anh H. muốn báo chí vào cuộc làm rõ để giúp dịch vụ vận tải xe buýt tại TP.HCM ngày càng tốt hơn.
Anh H. chia sẻ: “Khi nghe ông Sên nói cho tôi nghỉ việc, tôi có hỏi lý do. Ông ấy bảo ông ấy cũng không muốn làm vậy nhưng đây là lệnh của cấp trên nên không thể không chấp hành. Nghe ông nói vậy, tôi hiểu được phần nào áp lực mà ông đang phải chịu”.
Mời người tố cáo quay lại làm việc
Để tìm hiểu thêm thông tin, PV tìm gặp ông Sên (chủ xe buýt tuyến 74). Chia sẻ với PV, ông Sên cho biết: “Việc anh H. quay clip tố cáo tài xế vừa lái xe vừa nghe điện thoại là việc làm tốt, cần biểu dương. Vì chỉ có như vậy thì các tài xế xe buýt mới cẩn thận trong việc điều khiển phương tiện để đảm bảo an toàn cho hành khách khi đi trên xe. Nhưng tôi không hiểu vì sao đại diện của hợp tác xã lại yêu cầu tôi phải cho anh H. nghỉ việc. Thật sự là tôi không muốn làm chuyện này nhưng cấp trên bảo vậy thì tôi phải chấp hành”.
Ông Sên nói anh H. đang còn đi học nên phải đi làm thêm để có tiền trang trải. Ông hiểu việc làm của anh H. chỉ là muốn mọi việc tốt hơn. Tuy nhiên, giờ ông có muốn giúp anh H. thì cũng giúp không được?!
Chia sẻ với PV, một đồng nghiệp của anh H. đang làm việc tại hợp tác xã vận tải liên tỉnh và du lịch Việt Thắng cho hay, mặc dù làm việc bán thời gian nhưng anh H. là người chịu khó, hiền lành. Hành khách thường đi tuyến 74 đều dành những tình cảm tốt đẹp cho anh H. vì cách phục vụ nhiệt tình, tôn trọng hành khách. Việc anh H. bất ngờ bị cho nghỉ việc khiến nhiều đồng nghiệp rất bất ngờ. Dù muốn lên tiếng bảo vệ anh H. nhưng vì miếng cơm manh áo nên họ chỉ biết yên lặng.
Liên quan đến vụ việc, PV báo ĐS&PL đã đến làm việc với trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM. Đại diện cơ quan này cho hay, sau khi nắm thông tin về việc tài xế Tuấn vừa lái xe vừa nghe điện thoại, Trung tâm đã trích xuất hình ảnh camera và dữ liệu giám sát hành trình trên hệ thống kiểm soát và thông tin xe buýt eBMS. Kết quả cho thấy, lúc 8h53 ngày 26/10, tài xế Tuấn điều khiển xe buýt BKS 53N-5208 chạy tuyến 74 có sử dụng điện thoại di động trong 5 phút mặc dù đang lái xe. “Trung tâm xác định, trong thời gian này, vận tốc xe buýt có thời điểm tối đa là 50km/h. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng đến điều kiện về an toàn giao thông, gây phản cảm, tạo hình ảnh xấu của đội ngũ tài xế xe buýt. Xác định đây là sai phạm nghiêm trọng, ngoài việc đình chỉ công tác 5 ngày, tài xế Tuấn còn bị học lại nghiệp vụ lái xe và bị phạt hành chính”, vị đại diện cho biết.
Có sự hiểu nhầm?
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Lâm Văn Phấn (Chủ nhiệm hợp tác xã vận tải liên tỉnh và du lịch Việt Thắng) cho biết: “Sự việc xảy ra là đáng tiếc và có sự hiểu nhầm. Tôi đã chỉ đạo các bộ phận liên quan xác minh để xử lý các cá nhân đã cho anh H. nghỉ việc trái quy định. Bên cạnh đó, tôi đã mời anh H. quay trở lại làm việc. Trước sự cố này, tôi đã chỉ đạo các xã viên của hợp tác xã nâng cao chất lượng phục vụ xe buýt để cải thiện hình ảnh của xe buýt TP.HCM trong mắt người dân”.
Điều 38. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động (Bộ luật Lao Động 2012) 1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây: a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục. Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động; c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc; d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của Bộ luật này. 2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước: a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn; b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn; c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được dịch tử nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo. |
NGUYỄN HIỀN
[mecloud]ZS5hW91Flp[/mecloud]