Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, kèm theo việc xe quá tải, quá khổ vận chuyển khoáng sản hoạt động liên tục ngày đêm khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng.
Vô tư khai thác khi chưa được phép
Thời gian gần đây, báo Đời sống và Pháp luật nhận được phản ánh của người dân về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Kèm theo đó, việc xe quá tải, quá khổ vận chuyển khoáng sản hoạt động liên tục ngày đêm đang khiến những tuyến đường tại địa bàn này bị tàn phá nghiêm trọng.
Bà Nguyễn Thị M., người dân sinh sống tại khu vực xảy ra sự việc cho biết: “Suốt thời gian qua, cuộc sống của người dân cũng ảnh hưởng ít nhiều bởi việc khai thác của doanh nghiệp. Nhiều khi, đang ngồi trong nhà, khói bụi bay vào rất đáng sợ”.
Theo ghi nhận thực tế, mỗi ngày có hàng loạt xe tải cỡ lớn ra vào tuyến đường gây khói bụi mù mịt, vật liệu rơi đầy đường. Thậm chí, nhiều vị trí trên tuyến đường còn xuất hiện ổ trâu, ổ gà và bị hư hỏng nặng. Việc này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và đời sống sinh hoạt của người dân xung quanh.
Góc nhìn Pháp lý
Trao đổi với phóng viên về những quy định pháp luật trong sự việc trên, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP. HCM cho rằng : “Ở Việt Nam, công tác bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển Kinh tế - Xã hội luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm. Bên cạnh các lợi ích kinh tế, khai thác và chế biến khoáng sản cũng gây nhiều tác động xấu đến môi trường”.
Ngoài ra, Luật hình sự năm 2015 đã giành một chương (chương XIX) với 12 điều quy định “các tội phạm về môi trường”. Theo đó, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng đến môi trường đều bị phạt tiền hoặc phạt tù ở các mức độ khác nhau. Pháp nhân thương mại vi phạm các quy định thuộc các điều nêu trên có thể bị phạt tiền ở các mức khác nhau tùy thuộc hành vi vi phạm và bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1 năm đến tối đa 5 năm hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Luật sư Châu Việt Vương – Đoàn luật sư Đà Nẵng nhận định: “Tuỳ theo mức độ hành vi sẽ bị xử phạt hành chính hoặc hình sự. Việc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác khoáng sản mà không có Giấy phép khai thác khoáng sản đã được quy định cụ thể tại Điều 44 Nghị định 33/2017/NĐ-CP ngày 3/4/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Trường hợp hành vi khai thác khoáng sản trái phép có dấu hiệu cấu thành tội phạm sẽ được xử lý hình sự theo quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu, làm rõ và thông tin với bạn đọc về diễn biến sự việc trong những bài viết tiếp theo.
Đức Hoàng – Dương Nguyễn