Một bài viết đăng trên New York Times đã tiết lộ thêm những thông tin về vụ việc một cựu nhân viên CIA bị bắt, nghi hỗ trợ tình báo Trung Quốc diệt hệ thống gián điệp Mỹ.
Jerry Chun Shing Lee, cựu nhân viên của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) mới đây đã bị bắt ở sân bay John F Kennedy tại New York sau khi bay từ Hồng Kông về Mỹ. Theo điều tra ban đầu, ông Lee đã nhiều lần liên lạc chính thức với tình báo Trung Quốc khi làm việc cho CIA tại Bắc Kinh, thậm chí, một cộng sự của ông Lee đã phát hiện ra điểm đáng nghi sau đó.
Các thông tin mới tiết lộ cho thấy nguyên nhân thực sự khiến các nhà điều tra Mỹ nghi ngờ ông Lee - người từng chịu trách nhiệm xử lý thông tin mật của cơ quan - có thể đã đóng vai trò quan trọng trong việc phá dỡ mạng lưới gián điệp của CIA tại Trung Quốc vào năm 2010.
Sự sụp đổ của mạng lưới gián điệp mà CIA gài ở Trung Quốc là một trong những thất bại lớn nhất về tình báo của chính phủ Mỹ trong những thập kỷ gần đây.
CIA từng điêu đứng vì bị Trung Quốc loại bỏ mạng lưới gián điệp dày công xây dựng ở Bắc Kinh hồi năm 2010. Ảnh: NYTimes |
Nhiều lần qua lại với tình báo Trung Quốc
Ông Lee, 53 tuổi, một công dân Mỹ nhập tịch, sinh ra ở Hồng Kông, gia nhập CIA từ năm 1994 sau khi phục vụ trong quân đội và học xong 2 bằng kinh doanh tại một trường Đại học ở Hawaii. Ông làm việc dưới sự bảo trợ ngoại giao ở Châu Á và tại trụ sở CIA ở Virginia.
Đến năm 2007, ông bị chỉ trích vì không có nhiều đóng góp trong công việc. Ông Lee quyết định rời CIA rồi Japan Tobacco International (JTI), hãng thuốc lá quốc tế có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ tuyển dụng. Lee làm việc tại đội điều tra đặc biệt của công ty theo dõi việc buôn lậu thuốc lá và hàng giả.
Ông Lee sau đó đã nói với ông chủ mới của mình rằng nhiệm vụ chính phủ cuối cùng của ông là “liên lạc viên chính thức của CIA ở Bắc Kinh với tình báo Trung Quốc”, một cựu đồng nghiệp tiết lộ. Trên thực tế, một số cuộc họp của ông Lee với các quan chức Trung Quốc đã được thông qua và ghi chép cẩn thận nhưng các cựu quan chức khác nói rằng vẫn tồn tại lo ngại về các mối liên hệ không chính thức của ông.
Sau một năm làm việc mới, ông Lee bị cấp trên ở JTI nghi ngờ. JTI nghĩ rằng ông ta có thể tiết lộ thông tin cho các quan chức Trung Quốc tham gia vào đường dây buôn lậu thuốc lá. Các vụ điều tra mà Lee được giao đều không đi đến đâu, thậm chí không tìm thấy bằng chứng liên quan. Từ đó, JTI ngừng cung cấp thêm thông tin cho ông Lee về các vụ điều tra mới của họ.
Cuối cùng, đến giữa năm 2009, ông Lee chính thức bị sa thải. Một đồng nghiệp của ông Lee tại JTI tố rằng ông này tiếp tục có mối liên hệ với tình báo Trung Quốc trong khi làm việc cho đội điều tra của JTI. Người này đã từng tận mắt chứng kiến, song ông Lee giải thích rằng đó là người của đơn vị điều tra của công ty ở Hồng Kông.
Các quan chức của JTI đã gửi thông tin này cho Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Vào tháng 10/2010, ông Lee đã tham gia một cuộc họp kinh doanh của các viên chức tình báo Trung Quốc.
Ông Lee bị bắt vì tội tiết lộ thông tin mật. Ảnh: NYTimes |
Ông Lee đã bị bắt giam hôm 15/1 vừa qua sau khi đến sân bay quốc tế Kennedy và bị buộc tội tiết lộ thông tin mật. Ông này dường như không có một luật sư bào chữa và cũng không bị buộc tội gián điệp. Ngoài ra, hiện cơ quan điều tra chưa phát hiện bất cứ bằng chứng nào cho thấy nghi can liên quan trực tiếp đến việc mạng lưới gián điệp Mỹ bị tiêu diệt ở Trung Quốc.
Không được đồng nghiệp tin tưởng
Cựu đồng nghiệp cũ của ông Lee, người làm quản lý cấp cao của JTI cho biết công ty này tin rằng ông Lee chính là là đầu mối cung cấp thông tin của CIA cho Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc. Vào năm 2010, công ty nhận được thông tin ông Lee đang làm việc với tình báo Trung Quốc. Thông tin được cung cấp từ một quan chức Trung Quốc hợp tác với đội điều tra của JTI ở Hong Kong.
Báo cáo mà ông Lee chuyển cho tình báo Trung Quốc nói rằng các điều tra viên của JTI làm việc cho CIA. Thông tin này có thể gây nguy hiểm cho mọi điều tra viên của JTI khi đến Trung Quốc. Tuy nhiên, vị quản lý cấp cao của JTI nói rằng thông tin này không chính xác. Bất kỳ nhận thức nào về liên kết với các cơ quan tình báo nước ngoài đều được né tránh vì nó sẽ gây nguy hiểm cho nhân viên JTI ở Trung Quốc.
Cựu nhân viên CIA không được đồng nghiệp tin tưởng khi làm việc ở công ty JTI. Ảnh: SCMP |
Các quan chức của công ty nghĩ rằng việc đưa ra tuyên bố sai về nhân viên của CIA là một hành động trả thù của ông Lee. Các nhà điều tra ở Hồng Kông cho biết, trong nhiều tháng, JTI thậm chí phải cấm tất cả điều tra viên đến Trung Quốc đại lục.
Sau khi bị đuổi việc, ông Lee đã cùng với một cựu cảnh sát Hồng Kông thành lập công ty điều tra nhỏ và nhằm vào các công ty kinh doanh thuốc lá.
Đến tháng 10/2010, ông Lee xuất hiện tại một cuộc họp của công ty thuốc lá Trung Quốc chi nhánh Quảng Đông cùng với các quan chức Bộ Công an. Ông Lee đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh cho công ty điều tra mới của mình, và các quan chức tình báo ở đó đã ủng hộ lời kêu gọi của ông.
Ông Lee đồng sở hữu công ty điều tra FTM International với Barry Cheung Kam Lun. Theo cựu đồng nghiệp của ông Lee, ông Cheung là cựu cảnh sát Hồng Kông. Vợ ông Lee, Caroline Lee, từng là giám đốc duy nhất của FTM.
FTM International đã không phát triển, cuối cùng phá sản vào năm 2014. Ông Lee sau đó đã được Estée Lauder, công ty mỹ phẩm và Christie's, nhà đấu giá toàn cầu thuê. Một thông báo nội bộ về việc tuyển dụng ông Lee mô tả ông là người có "kinh nghiệm trong nước và quốc tế đáng kể về quản lý các vấn đề an ninh phức tạp". Ông Lee cũng nói thành thạo tiếng Quảng Đông và tiếng Quan Thoại cùng tiếng Anh.
Một đồng nghiệp khác của Lee nhớ lại, ông ta có mối quan hệ không tốt với cấp trên nhưng luôn được chào đón nồng hậu bởi các nhân viên Trung Quốc, những người miêu tả Lee thường nói về số tiền ông ta kiếm được hoặc những điều muốn làm. Khi công ty phát hiện thấy sự thiếu hụt 15.000 USD trong quỹ tiền mặt dùng để trả cho những người cung cấp thông tin về các vụ buôn lậu thuốc phiện, ông Lee cũng chính là người bị nghi ngờ.
Được biết, ông Lee kết hôn và có 2 con gái. Dường như số tiền kiếm được ông đều dành cho con nên không hề sống một cuộc sống hào nhoáng. Tuy nhiên, ông vẫn không được ưa chuộng trong công việc, bị coi là kẻ không đáng tin cậy và khi ông rời đi, các đồng nghiệp không ngần ngại khẳng định: "Không ai trong chúng tôi muốn gặp lại ông ấy nữa".
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo NYTimes, SCMP)