Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tình “mẫu tử” kỳ lạ giữa người phụ nữ bán trái cây và chú vịt biết làm nũng

(DS&PL) -

Con vịt lạch bạch chui ra, đến gần chị Châu, rúc vào cánh tay của chị như thể đứa con bé bỏng vùi vào lòng mẹ.

Tạnh mưa, chị Huỳnh Thị Yến Châu lại loay hoay dẹp chiếc dù cũ kỹ sát vào vỉa hè, rồi lấy hộp cơm trong giỏ xách ra ăn. Nghe chị Châu lục đục làm việc, con vịt nhỏ đang ngủ dưới gầm xe trái cây liền trở mình. Chốc lát, con vịt lạch bạch chui ra, đến gần chị Châu, rúc vào cánh tay của chị như thể đứa con bé bỏng vùi vào lòng mẹ.

Chị Châu và bé vịt "cưng".

Quả trứng lộn bị bỏ quên

Một góc công viên Phú Nhuận (quận Phú Nhuận, TP.HCM) từ hơn 3 tháng qua gắn liền với chị Huỳnh Thị Yến Châu (47 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) và “bé” vịt. Ngày ngày, chị Châu đẩy xe trái cây từ hẻm nhà ra góc công viên cũng có “bé” vịt lẽo đẽo đi sau. Vịt vừa đi vừa la quang quác như thể bảo với chị Châu rằng, mẹ ơi chờ con theo với.

Trong tiếng nhạc nhẹ nhàng phát ra từ quán cà phê, chị Châu chậm rãi múc từng muỗng cơm, chốc lát lại nghiêng người nhìn vào gầm xe trái cây ngó xem chừng “bé” vịt. Mưa vẫn rơi vài giọt xiên xẹo như cơn mưa phùn bất chợt của Đà Lạt, chị Châu cẩn thận lót cho “bé” vịt 2 lớp giấy báo cho ấm.

Với người phụ nữ hiếm muộn này, vịt như một món quà quý giá mà ông trời ban tặng và chị thương nó như thể đó là máu mủ từ kiếp nào. Bà con quanh xóm cũng không ai cười chê chị, bởi họ hiểu đó là tình cảm mẫu tử thật sự giữa người và vịt.

Hơn 3 tháng qua, người ta thấy chị Châu vui hơn, tíu tít hơn khi bên cạnh lúc nào cũng có vịt con lẽo đẽo. Vịt con trông rất dạn dĩ, không sợ người, lẫn tiếng động phát ra từ động cơ xe máy, tiếng nhạc của quán cà phê, tiếng la hét vọng ra từ công viên...

Từ lúc vịt được dăm sợi lông vàng óng đến lúc trổ mã như con gái trăng rằm, chị Châu đều cho vịt quấn quýt bên cạnh. Mẹ Châu đi vắng chỉ hơn một phút, vịt con cũng kêu la thất thanh, chạy đi tìm khắp lối. Chỉ tay về phía vịt đang nằm ngủ, chị Châu nói với giọng trìu mến: “Nãy giờ mưa, chị cho bé (tên chị Châu đặt cho vịt con – PV) ra tắm. Bé quậy mệt, đuối nên chui xuống gầm xe ngủ. Sáng giờ, bé đi nhiều lắm. Ngày nào cũng vậy, chị tắm sạch sẽ, cho ăn xong thì bé đi ngủ”.

Nghe tiếng chị Châu nhắc tới tên mình, chợt vịt kêu lên quang quác, chị Châu liền trấn tĩnh: “Con gái ơi con gái”. Vịt thấy chị cứ ngỡ là mẹ nên bám theo riết. Chị thấy vịt con lông vàng ươm, mắt đen tròn, long lanh nên mủi lòng đem giấu vào phòng.

Chị cười hiền hậu, nhớ lại: “Phận làm dâu, tôi ở nhà chồng. Nhà chật chội nên trước giờ không nuôi con vật nào. Thấy “bé” vịt dễ thương, nhỏ xíu, tôi sợ đem bỏ đi vịt sẽ chết mất. Tôi lén lúc nhà không có ai, đem vịt lên phòng của hai vợ chồng, rồi chăm sóc. Dần dà, mọi người thấy “bé” vịt dễ thương, không còn ai tỏ ra khó chịu nữa. Giờ, vịt được cả nhà thương, chung tay chăm sóc”.

Nhắc đến chuyện vợ chồng hiếm muộn, chị Châu buồn buồn: “Vợ chồng hiếm muộn, tôi cũng khát khao có một đứa con, cũng có ý xin một đứa trẻ về nuôi. Thế nhưng, suy đi tính lại, cuộc sống buôn bán rong, cộng nghề chạy xe ôm của chồng tôi không đủ nuôi con chu toàn. Thêm nữa, tuổi của vợ chồng tôi cũng ngấp nghé 50 nên khó lòng nuôi con khôn lớn. Cứ lần lữa mãi, vợ chồng tôi cũng thôi không mơ tưởng đến chuyện con cái”. Vợ chồng chị cũng chạy chữa khắp nơi, miệt mài ở bệnh viện Từ Dũ, rồi nghe ai nói ăn gì uống gì để có con anh chị cũng làm theo. Thế nhưng, duyên con cái của anh chị dường như không còn hy vọng nữa. “Tôi xem vịt như một sinh linh bé bỏng, nó cũng muốn sống như con người. Con người cũng muốn sống thì chắc nó cũng vậy. Thế nên, tôi nghĩ cứu được lúc nào hay lúc ấy, chứ lúc mới nở, nó yếu ớt lặt lìa lặt lọi, tôi còn sợ nó không qua khỏi”, chị Châu nhớ lại lúc gặp vịt lần đầu.

Niềm vui nhen nhóm

Vậy mà lúc ấy, chị Châu lại hồn nhiên tưởng tượng về một ngày chị được làm bà ngoại khi con gái “vịt” có “chồng” và sinh ra những quả trứng đáng yêu.

Từ suy nghĩ hồn nhiên ấy, chị chăm vịt như chăm con. Chị tự hào khoe “bé” nhà chị có bộ lông cực kỳ xinh đẹp, có tận 4 - 5 màu. Hồi nhỏ xíu, chị đã mang vịt ra công viên cùng mình. Lúc đó, nó có mấy cọng lông le que màu vàng rất đáng yêu.

Mỗi ngày, chị lấy khăn quấn “bé” vịt lại, bỏ vô cái xô, đem ra công viên. Chị cho vịt ăn cơm bằng muỗng, nhẫn nại đút từng muỗng như bà mẹ trẻ cho con thời kỳ ăn dặm. Kể cũng lạ, ngày đầu yếu ớt nhưng những ngày sau, hễ ra gió, vịt xổ lông nhiều hơn, nhìn đẹp hơn lúc mới nở.

Chú vịt cưng của chị Châu được đánh giá đáng yêu, ngoan ngoãn. 

Sợ vịt bệnh, chị hỏi han nhiều người thì được bày giã tỏi cho vịt uống. Nhiều người hỏi chị Châu, nuôi “bé” vịt khổ quá sao chị không cho người khác, mắc mớ gì dẫn theo mỗi ngày, rồi chăm sóc cho cực khổ. Chị chỉ biết rơi nước mắt rồi nói: “Tôi chỉ thấy nó giống như một sinh linh, một mạng người. Thế nên, tôi cứu và yêu thương nó. Làm sao bỏ được khi mình xem nó như một đứa trẻ mồ côi. Bình thường, nó có vịt mẹ ấp ủ, đằng này nó bơ vơ có một mình à”.

Ngày nào về nhà, chị Châu cũng mang vịt vào nhà vệ sinh tắm rửa thật sạch sẽ. Tắm xong, vịt sẽ tự đến trước quạt máy hong cho bộ lông thật khô. Sạch sẽ, vịt mới tìm đến chiếc giường mà chị Châu có quấn cái áo chị mặc mỗi ngày cho nó nghe mùi yên tâm ngủ.

Nếu như ban ngày vịt theo chị Châu không rời thì tối đến, vịt thường bám riết lấy chồng chị. Ngày nhỏ, vịt phải nằm trên bụng của chồng chị thì mới chịu đi ngủ. “Nó như trẻ mồ côi không cha không mẹ. Tôi thấy nó bơ vơ nên thương và xem như con gái. Tôi thương vịt không được vịt mẹ ấp ủ nên lúc vịt còn nhỏ tôi hay ấp nó trong lòng. Mỗi lần tôi ấp, “bé” vịt nhút nhát len lén kéo đầu ra khỏi cánh tay của tôi, ngước nhìn gương mặt của tôi với ánh mắt như trẻ thơ nhìn mẹ. Thương lại càng thương, tôi chăm vịt như chăm con mọn”, chị Châu nói với giọng nghèn nghẹn ở cổ.

Khách hàng thân quen của xe trái cây chị Châu và bà con sống gần công viên đều biết đến “bé” vịt ngộ nghĩnh. Hôm nào không thấy vịt theo chị Châu đi bán, mọi người lại đến hỏi thăm.

Ai cũng khen “con gái” của chị Châu xinh xắn, màu lông đẹp, rất “ăn ảnh”. Chị Châu nghe khen liền nhoẻn miệng cười hạnh phúc. Giây phút ấy, hình ảnh của chị không khác một người mẹ tự hào về con.

Chú vịt thích làm nũng “mẹ”

Từ lúc mới nở cho đến khi được một tuần, “bé” vịt biết rỉa thức ăn, chị Châu định bụng cho vịt ở nhà với mọi người, không cho ra công viên nữa. Thế nhưng, vịt không chịu cứ lẽo đẽo theo chị suốt. Dù nắng hay mưa, vịt cũng nhất định theo mẹ Châu đi bán trái cây. Cả xóm đều quen với hình ảnh chị Châu đi phía trước, vịt bì bạch theo sau. Vịt con vừa đi vừa kêu chen chét thật vui tai.

Bữa nào chị lén đẩy xe trái cây đi, bỏ nó ở nhà, khi nó phát hiện sẽ kêu la quang quác, rồi chạy đi kiếm. Chị bưng trái cây đi bán cho khách mà vịt không biết cũng chạy đi tìm.

Thấy vắng chị một chút, “bé” vịt kêu nháo nhác khiến cả khu công viên náo loạn, mọi người phải tỏa ra tìm chị Châu về cho nó.

“Bé” vịt có sở thích ăn tàu hũ, dưa hấu, rau, nước đá. Ban đầu, chị Châu cũng cho vịt ăn cá thịt nhưng nó không chịu ăn. Chị chuyển sang cho ăn rau, đậu hũ thì vịt ăn nhiều và thích thú.

Thấy chị Châu chặt cục nước đá, vịt liền chạy lại ăn ngon lành. Vịt đang ăn thì có một phụ nữ đi tới, chị Châu vui vẻ nói với phóng viên: “Bà này bị nó cắn bầm tay”. Nói đoạn, người phụ nữ vừa bước tới xe trái cây của chị Châu, vừa chìa khuỷu tay ra kiểu như mắng vốn, rồi hỏi thăm “bé” vịt. Chị Châu nhanh nhảu đáp lại: “Đây, con gái tôi đây. Bà ghẹo con gái tôi hoài”.

Thế rồi, chị Châu nhận ra bé vịt tỏ vẻ hoảng sợ khi thấy cô bạn của mình nên luôn miệng gọi: “Tới mẹ, tới mẹ mau lên”. Bé vịt liền bì bạch chạy tới rúc vào lòng chị như một đứa trẻ.

Ngoài đi bán hàng, chị Châu thường dẫn vịt đi mua đồ ăn, ẵm ra công viên chơi, dẫn đi mua đậu hũ cho nó ăn. Mỗi ngày, chị Châu đều quan sát vịt, xem lông cánh hôm nay dài thêm chút nào chưa.

Người ta nói bé vịt sống được 7, 8 năm. Giọng chị Châu liền nghẹn lại, những giọt nước mắt chảy ra nơi khóe mắt, ướt khẩu trang. “7, 8 năm nó chết rồi chắc tôi buồn lắm. Nuôi vịt cũng mến tay mến chân như nuôi con cái”, chị Châu nói mà nước mắt cứ ứa ra.

Ngọc Lài

Bài đăng trên báo giấy Đời sống& Pháp luật số 155

Tin nổi bật