UAV Thổ Nhĩ Kỳ cố phá hủy trận địa S-300 của Syria
Hình ảnh trận địa S-300 của Syria được trích xuất từ chiếc UAV bị bắn hạ của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Millitary
Sau các cuộc tấn công quy mô lớn của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga và Syria nhằm vào các mục tiêu chính của lính đánh thuê Thổ Nhĩ Kỳ ở Tây Bắc Syria, được biết quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng phá hủy khu vực bố trí tên lửa phòng không S-300 Favorite của Syria.
Theo báo chí Nga, trận địa có hệ thống phòng không S-300 Favorite của Syria tọa lạc gần thành phố Masyaf.
Đối với điều này, theo một số báo cáo được báo chí Nga dẫn lại, một máy bay không người lái tấn công đã được sử dụng (có lẽ là chiếc máy bay không người lái Bayraktar TB2 bị bắn hạ như đã đề cập trong một bản tin).
Chiếc UAV của Thổ Nhĩ Kỳ đã bay vài trăm km, tuy nhiên đã bị hệ thống phòng không của Syria bắn hạ.
Theo ấn phẩm Millitary Review của Nga, chuyến bay của máy bay không người lái Thổ Nhĩ Kỳ theo hướng Masyaf có thể là do nỗ lực tấn công vào khu vực của các tổ hợp S-300 đang trực chiến.
“Theo báo cáo từ các nguồn tin Syria, máy bay không người lái đã hướng đến khu vực thành phố Masyaf (tỉnh Hama).
Nguyên nhân có thể là do ở khu vực Masyaf, như đã đưa tin trước đó, hệ thống phòng không S-300 (từng được Nga cung cấp cho Syria) đã được triển khai.
Theo một số nguồn tin, máy bay không người lái có vũ khí và sau đó, rõ ràng, với sự trợ giúp của nó, chúng sẽ thực hiện một cuộc tấn công vào một cơ sở quân sự” - tài liệu được Millitary Review công bố cho biết.
Không có bình luận chính thức nào từ Ankara và Damascus, nhưng truyền thông Nga cáo buộc rằng phía Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục vi phạm các thỏa thuận về Syria, cung cấp vũ khí cho quân khủng bố và tấn công các vị trí của quân đội Syria.
Xung đột ác liệt, quân chính phủ Syria tổn thất lớn
Tỉnh Daraa, miền Nam Syria bùng phát xung đột dữ dội nhất kể từ khi quân chính phủ nắm quyền kiểm soát. Ảnh minh họa
Ngày 29/7, Tổ chức Theo dõi nhân quyền Syria (SOHR) tại tỉnh Daraa bùng phát cuộc xung đột ác liệt nhất kể từ khi tỉnh miền Nam Syria này được quân chính phủ kiểm soát, khiến 13 người tham chiến và 3 dân thường thiệt mạng.
SOHR nêu rõ: "8 binh sĩ quân chính phủ Syria và các chiến binh đồng minh đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột này… Những tay súng đối lập cũng bắt giữ hơn 40 thành viên của quân đội chính phủ".
Trong khi đó, đạn pháo của quân chính phủ cũng làm 3 tay súng và 3 thường dân thiệt mạng.
Từ năm 2018, quân đội Syria được Nga yểm trợ và các lực lượng đồng minh đã giành lại quyền kiểm soát tỉnh Daraa từ tay phiến quân. Việc chiếm được tỉnh Daraa là cú đánh mang tính biểu tượng vào phong trào nổi dậy chống chính phủ từ năm 2011.
Hiện các cơ quan nhà nước đã hoạt động trở lại, nhưng chính phủ Syria vẫn chưa triển khai quân đội trên toàn tỉnh Daraa, dẫn đến việc thường xuyên xảy ra các vụ đánh bom và ám sát nhằm vào các nhân vật đối lập và lực lượng chính phủ.
Hai quả rocket rơi gần đại sứ quán Mỹ tại Iraq
Đại sứ quán Mỹ tại Iraq lại bị tấn công. Ảnh: Reuters
Theo một nguồn tin an ninh từ Iraq, hai quả rocket đã được bắn về phía đại sứ quán Mỹ nằm trong khu vực Vùng Xanh tại thủ đô Baghdad vào hôm 29/7.
Vụ nã rocket này không gây ra thiệt hại về người. Vùng Xanh là nơi đặt nhiều cơ quan công quyền quan trọng của chính quyền Iraq cũng như trụ sở của các tổ chức chính phủ nước ngoài.
Trong thời gian qua, nhiều vụ tấn công bằng rocket đã được tiến hành nhằm vào các địa điểm có sự hiện diện của nhân sự Mỹ.
Trước đó, ngày 8/7, hai quả rocket cũng đã rơi gần khu vực đại sứ quán Mỹ. Một ngày trước đó, giới chức Mỹ và Iraq cho biết, các cơ quan ngoại giao và quân sự của Mỹ tại Iraq và Syria đã hứng chịu 3 vụ tấn công bằng rocket và máy bay không người lái.
Mặc dù không có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm nhưng những vụ tấn công này được cho là do các nhóm dân quân vũ trang thực hiện.
Vụ việc gần nhất xảy ra vào thời điểm Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhemi vừa có chuyến thăm Mỹ để gặp Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng, qua đó hai nhà lãnh đạo thống nhất kết thúc sứ mệnh chiến đấu của lực lượng Mỹ tại Iraq.
Hiện, Mỹ đang duy trì khoảng 2.500 binh lính rải rác khắp Iraq, trong đó khu vực tập trung đông nhất là hai căn cứ quân sự ở Baghdad. Việc Mỹ duy trì sự hiện diện tại Iraq đã vấp phải sự phản đối từ nhiều nhà lập pháp của nước này khi cho rằng, đây là nguyên nhân gây ra nhiều bất ổn và hành động bạo lực.
Hoa Vũ (T/h)