Chiến trường Syria giúp Nga nâng cao kỹ thuật chiến đấu
Theo tạp chí quân sự Romania Military, những hoạt động quân sự tại chiến trường Syria đã đem lại những kinh nghiệm bổ ích trong việc nâng cao khả năng chiến đấu, tổ chức, trang bị và chiến thuật cho quân đội Nga.
Một trong những đổi mới là loại bỏ tư tưởng phòng ngự cố định và chuyển sang áp dụng nhiều hơn việc phòng ngự chủ động từ xa. Trong quá trình tổ chức phòng ngự, tích cực sử dụng các phương tiện trinh sát mặt đất, trên không (đặc biệt là các loại UAV), kịp thời phát hiện và ngăn chặn đối phương từ xa bằng hỏa lực.
Chiến trường Syria giúp quân đội Nga nâng cao kỹ thuật và chiến thuật chiến đấu. Ảnh minh họa
Cũng tại chiến trường Syria, do không có sự phân định rõ ràng về chiến tuyến, mà các trận chiến diễn ra ở hầu khắp mọi nơi. Do vậy, quân đội Nga rút ra kết luận là các lực lượng phòng ngự luôn phải sẵn sàng đẩy lùi một cuộc tấn công của đối phương, bất cứ lúc nào và từ bất kỳ hướng nào.
Các chiến thuật mới của Quân đội Syria cũng đã góp phần làm phong phú thêm chiến thuật của Quân đội Nga, như việc dựng các chướng ngại vật như các tường thành bằng cát, bảo vệ xung quanh các khu vực phòng ngự.
Với các tường cát, nếu đối phương sử dụng xe tăng hoặc xe chiến đấu bộ binh tiến công vào các vị trí phòng ngự như vậy, nếu không có sự hỗ trợ của xe ủi đất, sẽ khó để vượt qua; đồng thời những tường cát sẽ che chắn không cho xe tăng ngắm bắn vào phía trong.
Một đặc điểm chiến thuật khác của các trận đánh trong chiến trường đô thị, là việc bao vây và phong tỏa khu dân cư. Đầu tiên là chặn các đường tiếp viện vào bên trong, nhất là vũ khí và quân số của đối phương. Sau đó là tổ chức một loạt các cuộc tấn công đồng thời từ nhiều hướng.
Sau khi bước vào chiến đấu, sử dụng pháo binh và không quân, được sự chỉ điểm của các UAV, tiến công chính xác vào các ổ đề kháng; không mạo hiểm nhanh chóng đưa bộ binh và xe tăng áp sát như trước; thực hiện “làm quang chiến trường”, nhất là các ổ hỏa lực chống tăng.
Phát huy tối đa hỏa lực từ xa, tăng cường sử dụng vũ khí chính xác tiêu diệt các ổ đề kháng trong khu dân cư, hạn chế thấp nhất thương vong cho dân thường; sử dụng các loại vũ khí đặc thù tiến công các tòa nhà cao tầng, như vũ khí nhiệt áp, khiến kẻ thù mất tinh thần.
Một chiến thuật thú vị nữa được quân đội Nga sử dụng ở Syria là “băng chuyền xe tăng”, tức là sử dụng nhiều xe tăng chiến đấu chủ lực, di chuyển thành vòng tròn, đánh địch từ một vị trí bắn.
Cụ thể, xe tăng thực hành bắn theo “băng chuyền” để bắn trúng mục tiêu cố định hoặc di động ở cự ly từ 500 mét đến 2.500 mét. Trong khi xe tăng thứ nhất bắn vào mục tiêu và lùi về tuyến sau, xe thứ hai nạp đạn rồi tiếp tục vào vị trí bắn kiểu xoay vòng.
Quá trình chiến đấu của các phân đội xe tăng, liên tục có UAV bay trên khu vực mục tiêu làm nhiệm vụ quan sát kết quả của các đợt hỏa lực xe tăng và thông báo cho các kíp xe về tình hình mục tiêu; nhất là các mục tiêu được bảo vệ sau các khối chắn và ở cự ly xa.
Ngoài ra phương pháp “móng ngựa” để phát hiện thiết bị nổ điều khiển từ xa, đã trở thành một “giải pháp sáng giá” cho các nhiệm vụ trinh sát. Giúp hạn chế tối đa những thiệt hại do các thiết bị nổ tự chế gài ven đường.
Trong phương pháp “móng ngựa”, các trinh sát viên thực hành chế áp vô tuyến điện, cắt nguồn sóng điều khiển từ xa; cùng với đó là những chú chó được huấn luyện đặc biệt, cũng như thiết bị dò mìn Korshun, tham gia vào việc phá mìn.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thì cho biết, các đơn vị của quân đội Nga, đã thử nghiệm hơn 320 loại vũ khí trong các chiến dịch mà nước này tham gia ở chiến trường Syria.
Theo ông Shoigu, số trực thăng Nga được nâng cấp sau các hoạt động thực chiến tại Syria, hiện có thể hoạt động ở ngoài tầm hỏa lực của pháo phòng không hoặc tên lửa vác vai (MANPAD).
“Bây giờ chúng ta đã có những vũ khí như vậy, nhờ các hoạt động ở chiến trường Syria”, ông Shoigu nhấn mạnh.
Mỹ kết thúc chiến dịch chống IS tại Iraq
Quân đội Mỹ tại Iraq. Ảnh: AP
Reuters dẫn lời tướng John Brennan, chỉ huy chiến dịch chống IS của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu tại Iraq ngày 9/10 xác nhận liên quân đã "hoàn tất nhiệm vụ chiến đấu của mình" nhưng "chúng tôi vẫn sẽ ở đây để cố vấn, trợ giúp và huấn luyện Các lực lượng An ninh Iraq".
Theo tướng Brennan, tuy IS cơ bản bị đẩy lùi ở Iraq, chiến dịch chiến đấu của Mỹ đã chấm dứt, song các phần tử khủng bố vẫn còn nhen nhóm và Washington vẫn tiếp tục hành động để đảm bảo IS không cơ cơ hội trỗi dậy.
Tuyên bố được tướng Brennan đưa ra sau khi Mỹ và Iraq tiến hành một vòng đàm phán kĩ thuật về hình thức mà lực lượng Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện ở Iraq. Theo Reuters, Washington đang duy trì 2.500 binh sĩ tại các cơ sở quân sự trên lãnh thổ quốc gia Trung Đông và con số này sẽ không thay đổi.
Cùng ngày, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby xác xác nhận quân số Mỹ tại Iraq sẽ không biến động đáng kể dù chiến dịch chiến đấu chống IS kết thúc. "Đây là diễn biến hiển nhiên. Chúng tôi duy trì cam kết với chính phủ Iraq", ông Kirby nói.
Mỹ và đồng minh đưa quân trở lại Iraq từ năm 2014 dưới thời chính quyền Barack Obama để chiến đấu chống IS, khi đó trỗi dậy mạnh mẽ ở Iraq và Syria. Năm 2017, cựu Tổng thống Donald Trump tuyên bố IS đã bị đánh bại, song vẫn duy trì lực lượng để đối phó tàn dư IS.
Những tháng gần đây, Iraq nhiều lần hối thúc các lực lượng chiến đấu ngoại quốc rút khỏi lãnh thổ nước này. Tháng 7/2021, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đạt thoả thuận với Baghdad về việc Washington sẽ rút toàn bộ lực lượng chiến đấu khỏi quốc gia Trung Đông trước ngày 31/12.
Hoa Vũ (T/h)