Tổng thống Volodymyr Zelensky mới đây cho biết, chỉ tính riêng trong tháng 3, quân đội Nga đã tấn công Ukraine bằng hơn 4.000 vũ khí gồm bom dẫn đường, tên lửa và máy bay không người lái (UAV) tấn công Shahed.
"Chỉ trong tháng 3 này, Nga đã triển khai hơn 400 tên lửa các loại, hơn 600 máy bay không người lái Shahed và hơn 3.000 quả bom dẫn đường để tấn công Ukraine. Nhiều thành phố và làng mạc của Ukraine đang hứng chịu nỗi kinh hoàng này”, ông Zelensky nói.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Reuters
Nhà lãnh đạo Ukriane đồng thời nhấn mạnh rằng các cuộc tấn công của Nga đặc biệt khắc nghiệt với với các vùng lãnh thổ tiền tuyến và khu vực giáp biên giới. Nga cũng bị cáo buộc là bắt đầu thả bom xuống thành phố Kharkiv, nơi đã liên tục bị tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái kể từ cuộc xung đột giữa hai bên nổ ra vào tháng 2/2022.
"Các cơ sở hạ tầng quan trọng đang bị phá hủy và các tòa nhà dân cư bình thường bị hủy hoại mỗi ngày. Điều này sẽ không xảy ra khi Ukraine nhận được các hệ thống phòng không đáng tin cậy, có thể cứu sống người dân và khôi phục an ninh cho các thành phố của chúng tôi”, ông Zelensky khẳng định.
Ông nhấn mạnh rằng hệ thống Patriot trong tay người Ukraine đã chứng minh rằng mọi hình thức tấn công của Nga đều có thể bị đánh bại. Điều này là cần thiết cho tất cả các thành phố và người dân Ukraine để đối phó với các cuộc tấn công của Nga.
Trước đó, Tổng thống Ukraine cũng từng khẳng định có thể chấm dứt các cuộc tấn công của Nga thông qua sự đoàn kết toàn cầu, với các hệ thống phòng không tiên tiến. Theo ông, đối phương hiện chưa sở hữu tên lửa có khả năng vượt qua Patriot và các hệ thống phòng không hàng đầu thế giới khác.
Ukrainska Pravda đưa tin, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong một cuộc phỏng vấn gần đây đã tuyên bố rằng giới lãnh đạo nước này không ủng hộ việc đưa quân tới chiến đấu ở Ukraine.
"Chính sách của chúng tôi rất rõ ràng. Chính sách của Tổng thống Biden cũng rõ ràng. Sẽ không có quân đội Mỹ trên đất Ukraine", ông Blinken nói và giải thích rằng bước đi như vậy sẽ đưa Mỹ "đến gần hơn với một cuộc xung đột trực tiếp với Nga”.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: Pravda
Trả lời câu hỏi liệu quyết định của các quốc gia thành viên về khả năng gửi quân đến Ukraine có cần sự đồng thuận của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay không, ông Blinken từ chối đưa ra các “giả thuyết cho tương lai." Song, ông nhấn mạnh điều này không mang lại lợi ích cho cả Mỹ và các đông minh khác.
Tháng 2 vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng gây chú ý khi cho biết các lãnh đạo phương Tây đã thảo luận về phương án đưa quân vào Ukraine. Một số lượng lớn quốc gia thành viên NATO ngay sau đó đã công khai tuyên bố rằng họ không có ý định đưa quân sang chiến đấu ở Ukraine.
Các quốc gia đã chính thức bác bỏ ý định gửi quân tới chiến đấu ở Ukraine bao gồm Mỹ, Anh, Đức, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Ý, Phần Lan và Thụy Điển, cùng nhiều nước khác. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng bác bỏ tuyên bố của ông Macron, nhấn mạnh rằng khối này “không có kế hoạch triển khai lực lượng chiến đấu trên thực địa ở Ukraine”.
Trong khi đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết, chừng nào Ukraine còn nắm giữ tiền tuyến thì quân đội Pháp vẫn có thể ở trên lãnh thổ Pháp. Ông nhấn mạnh Ukraine sẽ quan tâm đến sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài trên lãnh thổ nước này với tư cách là người huấn luyện binh sĩ cũng như nhân viên kỹ thuật và đã nhiều lần thảo luận vấn đề này với các đối tác.
P.U(Theo Pravda)